Tây Nguyên có tiềm năng và những lợi thế lớn về du lịch trên cơ sở đầu tư khai thác lâu bền các cảnh quan thiên nhiên đặc thù và truyền thống văn hóa dân tộc lâu đời. Trong những năm qua, du lịch Tây Nguyên đã có những bước phát triển khá, góp phần đáng kể vào việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế và phát triển kinh tế xã hội của vùng.
Tiềm năng lớn
Theo ông Trương Quang Hải, Viện Việt Nam học và Khoa học phát triển, Đại học Quốc gia Hà Nội thì Tây Nguyên có cảnh quan thiên nhiên kỳ thú, nhiều dân tộc sinh sống với những bản sắc văn hóa đặc trưng, tạo nên một hệ thống tài nguyên du lịch phong phú, đa dạng và đặc sắc. Các di sản có giá trị nổi bật cho phát triển du lịch như cụm thác nước Đray Nur và Đray Sáp trên sông Sêrêpốk; những thân cây gỗ Thủy tùng bị mã não hóa phát hiện trong núi Chư A Thai, không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên… tạo nên nét độc đáo cho du lịch Tây Nguyên. Một số sản phẩm du lịch của Tây Nguyên đã từng bước tạo dựng được thương hiệu như lễ hội hoa Đà Lạt, Liên hoan cồng chiêng quốc tế, lễ hội cà phê, du lịch Buôn Đôn. Mặc dù vậy, tỷ trọng về lượng khách du lịch và thu nhập từ du lịch của vùng Tây Nguyên vẫn chưa tương xứng với tiềm năng và lợi thế sẵn có.
XQ Sử Quán Đà Lạt luôn là điểm dừng chân của du khách mỗi khi đến Lâm Đồng. |
Hiện nay, hệ thống tuyến điểm du lịch ở Tây Nguyên đã tạo điều kiện cho doanh nghiệp tổ chức các tuor du lịch văn hóa, tuor du lịch sinh thái… Một số khu du lịch có khả năng lớn trong thu hút khách như khu du lịch Buôn Đôn, hồ Tuyền Lâm, khu du lịch sinh thái Langbiang, Măng Đen, khu du lịch sinh thái vườn quốc gia (VQG) Chư Mom Ray (Kon Tum), VQG Kon Ka Kinh (Gia Lai), khu du lịch hồ Lắk (Đắk Lắk), VQG Chư Yang Sin (Đắk Lắk), khu du lịch cụm thác Dray Sáp - Gia Long - Trinh Nữ (Đắk Nông)… Các khu du lịch tổng hợp quốc gia như Đan Kia - Suối Vàng, VQG Bidoup - núi Bà, VQG Cát Tiên (Lâm Đồng), khu du lịch Lâm Viên Biển Hồ (Gia Lai), làng du lịch Kon Klor (Kon Tum) đã đưa vào khai thác du lịch. Đô thị du lịch Đà lạt và thành phố Buôn Ma Thuột có nhiều ưu thế phát triển du lịch nghỉ dưỡng, du lịch MICE (hội nghị, hội thảo), du lịch nghiên cứu… đã tận dụng lợi thế và tài nguyên du lịch, cơ sở hạ tầng thu hút nhiều du khách quốc tế.
Ông Nguyễn Văn Tuấn, Tổng Cục trưởng Tổng cục Du lịch đánh giá: tiềm năng và lợi thế phát triển du lịch vùng duyên hải miền Trung và Tây nguyên là rất lớn, nhất là tài nguyên du lịch biển, đảo, núi rừng… mang đậm nét hoang sơ. Đây là điều kiện để các doanh nghiệp đầu tư phát triển du lịch sinh thái, xây dựng các khu nghỉ mát, khu vui chơi giải trí để thu hút du khách. Hai vùng này còn có vị trí rất thuận lợi trong việc liên kết phát triển với nhau, hình thành nên tuyến du lịch “Con đường di sản miền Trung”, “Con đường xanh Tây Nguyên” và là cửa ngõ của Tây Nguyên và Hành lang Kinh tế Đông Tây.
“Công chúa” ngủ trong rừng
Theo Chương trình Tây Nguyên 3, tốc độ tăng trưởng du lịch Tây Nguyên giai đoạn 2000-2010 đạt tốc độ trung bình 12%/năm. Tổng lượng khách du lịch đạt trên 2,3 triệu lượt khách vào năm 2010. Du lịch góp phần làm thay đổi diện mạo Tây Nguyên, thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm sự ổn định về chính trị, xã hội, an ninh, quốc phòng, làm giảm mạnh hộ nghèo với những phương thức linh hoạt. Nhưng du lịch Tây Nguyên có sự phân hóa rõ rệt giữa 5 tỉnh trong vùng.
Theo Tổng Cục trưởng Tổng cục Du lịch Nguyễn Văn Tuấn, ngành du lịch Việt Nam mới thực sự phát triển từ năm 2009, đến nay đã có những thế mạnh mà không phải nước nào trong khu vực cũng có được. Theo thống kê, năm 2013 ngành du lịch nước ta đón và phục vụ 7,7 triệu lượt quốc tế và gần 33 triệu lượt khách nội địa, đạt tổng doanh thu 200.000 tỷ đồng. Trong 6 tháng đầu năm 2014, tổng khách quốc tế đạt gần 4,3 triệu lượt, nội địa đạt 23,4 triệu lượt, tổng doanh thu đạt 125.000 tỷ đồng (tăng 22,5% so với cùng kỳ năm 2013). |
Hiện nay, hiệu quả phát triển du lịch tốt nhất là Lâm Đồng, tiếp đến là Đắk Lắk, Gia Lai, Kon Tum, và thấp nhất là Đắk Nông. Lượng khách du lịch quốc tế đến Lâm Đồng góp 66,3% tổng lượng khách đến Tây Nguyên và tỷ trọng khách nội địa cũng góp 84,7% (năm 2010). Cũng tương tự như vậy, Lâm Đồng đóng góp 1.200 tỷ đồng vào tổng doanh thu du lịch của Tây Nguyên, còn Đắk Lắk là 1 tỷ đồng, Gia Lai 22,17 tỷ đồng, Kon Tum 23 tỷ đồng và Đắk Nông là 13,5 tỷ đồng.
Ông Nguyễn Hiệu, Viện Việt Nam học và Khoa học phát triển, Đại học Quốc gia Hà Nội cho rằng: Trong quá trình hội nhập và phát triển, du lịch Tây Nguyên đã bộc lộ những bất cập cho dù đã xác định là ngành kinh tế mũi nhọn. Nguyên nhân một phần do du lịch Tây Nguyên chưa được đầu tư thích đáng, phát triển thiếu đồng bộ, còn khép kín trong từng địa phương, chưa tạo quá trình liên kết vùng bằng hệ thống cơ sở hạ tầng vật chất kỹ thuật. Lực lượng lao động trong ngành du lịch Tây Nguyên ngày càng tăng nhưng vẫn chiếm tỷ lệ thấp.
Đội ngũ lao động chưa được đào tạo một cách hệ thống. Gần 90% lao động chỉ qua các lớp bồi dưỡng ngắn hạn. Hiểu biết về địa lý, lịch sử địa phương, trình độ ngoại ngữ của đội ngũ hướng dẫn viên còn khiêm tốn. Ngoài ra, hệ thống nhà hàng ăn uống hiện đang phát triển nhanh về số lượng nhưng chưa chú trọng đến đào tạo nghiệp vụ cho nhân viên phục vụ và chưa có các sản phẩm ẩm thực đặc thù. Bên cạnh đó, cán bộ làm công tác quản lý Nhà nước về du lịch ở cấp tỉnh, huyện còn mỏng và năng lực quản lý còn yếu, chưa đáp ứng được yêu cầu.
Tại buổi làm việc với đại diện các tỉnh miền Trung, Tây Nguyên để bàn về biện pháp phát triển du lịch, diễn ra tại tỉnh Ninh Thuận mới đây, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam nhấn mạnh: Các tỉnh miền Trung, Tây Nguyên cần tạo mối liên kết để khai thác tiềm năng phát triển du lịch. Tiềm năng du lịch của Việt Nam rất lớn, nhưng hiện nay chưa phát huy hết so với nhu cầu phát triển. Ngoài những nguyên nhân khách quan như suy thoái kinh tế, chưa đầu tư được hạ tầng cơ sở, nhân lực còn yếu thì nguyên nhân chủ quan vẫn là việc chúng ta chưa thật sự coi đầu tư vào du lịch là trọng điểm, thậm chí có nhiều nơi "tự mình làm khó mình" khi phát triển không theo lộ trình, phát triển “nóng”, chạy theo nhu cầu và lợi nhuận trước mắt.
Về vấn đề liên kết du lịch vùng, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng, du lịch là ngành kinh tế đặc thù, cùng với con người thì địa lý, khí hậu là yếu tố rất quan trọng. Tuy nhiên, đó chưa phải là tất cả, muốn phát huy tối đa nguồn lực, lợi thế của địa phương, cần liên kết với các tỉnh, vùng khác để phát triển, tạo ra những sản phẩm liên vùng đa dạng, hấp dẫn.
Các tỉnh, thành phố khu vực miền Trung, Tây Nguyên, là khu vực có nhiều thế mạnh về du lịch như địa lý, con người và sản phẩm du lịch, nhất là sản phẩm du lịch truyền thống. Tuy nhiên, đến nay phần lớn các địa phương trong khu vực này vẫn chưa thật sự phát huy hết tiềm năng vốn có. Trong khu vực hiện vẫn tồn tại sự khác biệt khá lớn giữa các tỉnh, thành phố về mức độ phát triển kinh tế du lịch. Ngoài một số địa phương như Thừa Thiên - Huế, Đà Nẵng, Khánh Hòa, Bình Thuận, Lâm Đồng là các địa bàn du lịch trọng điểm, thì nhiều địa phương có hoạt động du lịch chưa thực sự phát triển như Quảng Ngãi, Phú Yên, Ninh Thuận, Gia Lai…
Bài và ảnh: Nguyễn Việt Sơn