Chưa đáp ứng nhu cầu
Trên thực tế, tại các bệnh viện, bên cạnh xe cấp cứu chuyên dụng thì lượng phương tiện giao thông khác như taxi, ô tô làm phương tiện vận chuyển cấp cứu cũng khá nhiều. Nhưng theo phản ánh của nhiều người dân, chỉ những trường hợp bị tai nạn giao thông, hoặc người bệnh cần phải có phương tiện y tế cấp cứu hỗ trợ thì họ mới gọi xe cấp cứu 115, mà để gọi được xe cấp cứu tới nơi cũng rất "mệt".
TP Hồ Chí Minh đang hướng đến mô hình cấp cứu ngoại viện không cần có nhân viên y tế. |
Ngồi chờ người nhà đang nằm trong khoa Cấp cứu, Bệnh viện Chợ Rẫy, Chị Dương Thị Yến Ngọc, quận 3, chia sẻ: “Cụ nhà tôi hơn 80 tuổi, bị các bệnh tuổi già như tim mạch, huyết áp... Thấy cụ mệt, khó thở nên người nhà gọi xe taxi đưa cụ tới phòng cấp cứu của bệnh viện luôn cho nhanh và kịp thời. Gọi taxi chỉ cần 5 phút là họ đã có mặt rồi. Trước đây tôi từng gọi xe cấp cứu ở bệnh viện nhưng rất lâu xe mới tới. Người nhà đang nguy kịch mà cứ phải ngóng xe cấp cứu, sốt ruột lắm”.
"Khi rơi vào trong tình trạng khẩn cấp thì người dân sẽ sử dụng bất cứ phương tiện nào mà họ biết để cấp cứu tính mạng của người thân. Tuy nhiên, khi một người bị tai nạn cần cấp cứu tại chỗ và cần vận chuyển nếu sử dụng các phương tiện không đảm bảo thì sẽ khó tránh khỏi những chuyện đáng tiếc xảy ra", ông Lê Trường Giang, Chủ tịch hội Y tế Công cộng TP Hồ Chí Minh cho biết.
Ông Lê Trường Giang cũng nhìn nhận, hiện hệ thống cấp cứu ngoại viện của thành phố chưa đáp ứng được mong mỏi của người dân, nên người dân chưa dùng nhiều dịch vụ cấp cứu ngoại viện. Ở nước Australia, số dân ít nhưng có khoảng 300 trạm cấp cứu vệ tinh, trong khi đó tại TP Hồ Chí Minh số trạm cấp cứu đếm trên đầu ngón tay.
Để đáp ứng nhu cầu cấp cứu của người dân trên địa bàn TP Hồ Chí Minh, cuối năm 2013 Sở Y tế TP Hồ Chí Minh đã thành lập Trung tâm cấp cứu 115 TP Hồ Chí Minh. Theo kế hoạch, trung tâm sẽ thành lập 5 trạm cấp cứu khu vực được đặt tại những quận huyện ngoại thành.Tuy nhiên, sau 2 năm triển khai, đến nay mới chỉ có hai trung tâm được thành lập và đi vào hoạt động gồm: Trạm cấp cứu khu vực Đa khoa Sài Gòn đặt tại Bệnh viện Đa khoa Sài Gòn; Trạm khu vực quận Bình Tân đặt tại Bệnh viện quận Bình Tân. Ba trạm cấp cứu còn lại tại khu vực huyện Hóc Môn đặt tại bệnh viện Đa khoa khu vực Hóc Môn; Trạm khu vực quận Thủ Đức đặt tại Bệnh viện quận Thủ Đức; Trạm khu vực quận 7 đặt tại Bệnh viện Quận 7 vẫn chưa thể đi vào hoạt động.
Trung tâm cấp cứu này được tách ra từ khoa cấp cứu ngoại viện, bệnh viện Cấp cứu Trưng Vương, với 6 xe cấp cứu, trang thiết bị cấp cứu theo xe và 137 nhân viên. Sau 2 năm triển khai, số bệnh nhân gọi điện thoại đến trung tâm khá ít so với nhu cầu cấp cứu của người dân TP Hồ Chí Minh. Theo Sở Y tế TP Hồ Chí Minh, trong năm 2015 trung tâm này chỉ nhận được 9.795 cuộc gọi (trung bình 27 cuộc gọi mỗi ngày) số xe cứu thương xuất bến chỉ có 6.880 lượt.
Hướng đến mô hình cấp cứu không bác sĩ, điều dưỡng
Băn khoăn hiện nay trong việc đáp ứng nhu cầu cấp cứu ngoại viện của người dân là không tuyển được bác sĩ, điều dưỡng làm công tác cấp cứu ngoại viện để theo các xe cấp cứu, theo đúng quy định của Bộ Y tế. Bên cạnh đó, số xe cứu thương cũng phải đầu tư tương ứng với số trạm.
Đứng trước những khó khăn về nhân lực, cũng như về tình hình giao thông dẫn đến thời gian chờ đợi xe cấp cứu của người dân lâu, trên cơ sở tìm hiểu và học hỏi mô hình cấp cứu của các nước, Sở Y tế TP Hồ Chí Minh đã chọn mô hình cấp cứu ngoại viện không cần đến sự tham gia của bác sĩ, điều dưỡng mà chỉ cần có chuyên viên sơ cấp cứu ngoại viện. Đây là mô hình có tên gọi Paramedic đang được áp dụng rất thành công ở các nước Anh, Mỹ, Canada và Australia.
Ông Tăng Chí Thượng, Phó Giám đốc Sở Y Tế TP.HCM cho biết: Khi mạnh dạn đổi mới hệ thống cấp cứu ngoài viện theo mô hình Paramedic, hệ thống cấp cứu của thành phố chắc chắn sẽ khởi sắc và đáp ứng nhu cầu của người dân.
Với mô hình này, TP Hồ Chí Minh sẽ phải tổ chức nhiều trạm cấp cứu vệ tinh trải rộng trên khắp địa bàn. Các bệnh viện sẽ không có xe cứu thương mà chỉ có các trạm cấp cứu, chịu trách nhiệm vận chuyển người bệnh. Nhân viên y tế đi theo xe cứu thương không phải là bác sĩ, điều dưỡng mà là các chuyên viên sơ cứu ngoại viện.
Với mô hình cấp cứu ngoại viện, các chuyên viên sơ cấp cứu ngoại viện được tuyển từ nhiều nguồn khác nhau, có thể tuyển từ sau khi học phổ thông hoặc tuyển từ điều dưỡng, y sĩ được đào tạo về chương trình cấp cứu y tế ngoài bệnh viện. Các nhân viên này sau khi tốt nghiệp trung cấp sẽ phải thực hành thêm 1 năm để được cấp bằng chứng nhận nhân viên cấp cứu y tế ngoài bệnh viện. Họ sẽ được đưa về trung tâm cấp cứu 115 của thành phố hoặc tham gia vào lực lượng cứu hộ, cứu nạn 114.
Hiện nay, trên địa bàn TP Hồ Chí Minh cũng đã xuất hiện mô hình cấp cứu tương tự trên, của một số đơn vị tư nhân như Trung tâm cấp cứu Vạn Khang, Sắp tới Family Medical Practice sẽ đưa vào vận hành Trung tâm điều phối cấp cứu, tại Việt Nam.