Thủ lĩnh Liên minh Dân tộc Syria, ông Ahmad Jarba, cho biết phe đối lập Syria sẽ thành lập chính phủ lâm thời vào cuối tháng 8. Trước đó, ý định này của phe đối lập đã liên tiếp thất bại.
Lính đối lập thuộc Quân đội Syria Tự do tại Aleppo. Ảnh: New York Times |
Phát biểu với hãng tin AFP ngày 30/7 ở Doha, thủ đô Qatar, ông Ahmad Jarba hy vọng chính phủ lưu vong sẽ được thành lập khoảng 10 ngày sau lễ Eid al-Fitr, một lễ của người Hồi giáo rơi vào ngày 8 hoặc 9/8. Ông Jarba nói thêm rằng đã có vài ứng cử viên cho vị trí thủ tướng và một người sẽ được chọn ra thông qua bỏ phiếu.
Trước đó, một số nguồn tin từ phe đối lập Syria cũng cho biết Liên minh Dân tộc Syria sẽ họp tại thành phố Istanbul của Thổ Nhĩ Kỳ ngày 3 và 4/8 để bàn chuyện thành lập chính phủ lâm thời.
Phe đối lập Syria từ lâu đã tìm cách thành lập một chính phủ thống nhất trong suốt hơn hai năm xung đột ở nước này. Lần gần đây nhất, nỗ lực thành lập chính phủ lâm thời đã sụp đổ hồi đầu tháng 7/2013 khi Thủ tướng của phe đối lập Syria, ông Ghassan Hitto, từ chức.
Trong khi đó, chiến sự đã diễn ra ác liệt ngày 31/7 giữa quân chính phủ Syria và phe đối lập bên ngoài thị trấn Khan al-Assal gần Aleppo. Quân chính phủ đang muốn chiếm lại thị trấn vốn là trung tâm trong cuộc tranh cãi về vũ khí hóa học ở Syria. Khan al-Assal đã bị phe đối lập chiếm từ 22/7. Nếu chiếm lại được thị trấn này, chính phủ Syria sẽ kiểm soát hoàn toàn một nửa tỉnh Aleppo ở phía tây.
Hãng tin SANA trước đó đưa tin, các đơn vị lực lượng vũ trang của Syria đã tiêu diệt được nhiều phần tử thuộc các nhóm khủng bố vũ trang ở Aleppo, đồng thời ngăn các tay súng tẩu thoát đến nơi an toàn. Một đơn vị quân đội Syria đã tấn công nhiều xe chở vũ khí và đạn dược ở Atareb-Daret Ezzeh- Orum al-Sughra, phía tây nam Aleppo. Số vũ khí này đang được chuyển tới để hỗ trợ phe đối lập ở khu vực Khan al-Assal.
Trong một diễn biến khác, ngày 31/7, nhóm 44 binh sĩ gìn giữ hòa bình cuối cùng của Áo đã rời khỏi Cao nguyên Golan trở về nước, kết thúc gần 40 năm tham gia sứ mệnh gìn giữ hòa bình tại biên giới Israel và Syria.
Áo từng là nước đóng vai trò "xương sống" của Lực lượng Giám sát không can dự của Liên hợp quốc (UNDOF) khi cung cấp tới 377 trong số 911 nhân viên lực lượng này. Tuy nhiên, đầu tháng 6 vừa qua, Áo đã quyết định ngừng tham gia sứ mệnh của UNDOF sau khi lực lượng đối lập tại Syria chiếm trạm kiểm soát biên giới, nơi cung cấp hậu cần cho lực lượng gìn giữ hòa bình.
Đại diện thường trực của Nga tại LHQ Vitaly Churkin đã đề nghị Ủy ban quốc tế giám sát tình hình nhân quyền ở Syria xem xét dỡ bỏ các biện pháp trừng phạt đơn phương chống lại Syria, hành động vốn khiến cho tình cảnh của người dân Syria ngày càng trở nên tồi tệ. |
Thùy Dương