Ngày 2/7, Hội nghị mở rộng của phe đối lập Syria (Xyri) đã khai mạc tại thủ đô Cairô (Ai Cập) nhằm tìm kiếm lập trường chung về kế hoạch chuyển tiếp chính trị vừa đạt được tại Hội nghị quốc tế về Syria ở Geneva (Thụy Sĩ) một ngày trước.
Hội nghị mở rộng của phe đối lập Syria ở Cairô ngày 2/7. Ảnh: AFP/ TTXVN |
Hội nghị diễn ra trong hai ngày 2 và 3/7, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Liên đoàn Arập (AL) Nabil al-Arabi và có sự tham gia của khoảng 250 nhân vật thuộc phe đối lập Syria cùng các ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ, Iraq (Irắc) và Kuwait (Côoét).
Quân đội Syria Tự do (FSA) thuộc phe đối lập và các nhân vật hoạt động độc lập tại Syria tuyên bố tẩy chay hội nghị. Hai nhóm này cáo buộc hội nghị là “âm mưu” phục vụ cho các mục đích chính trị của “hai đồng minh của Damascus” là Nga và Iran.
Được tổ chức theo sáng kiến của Liên đoàn Arập (AL), hội nghị dự kiến thông qua Hiệp ước quốc gia về tương lai của Syria, trong đó có hiến pháp mới cũng như văn kiện về giải quyết tình hình nội bộ Syria. Dự thảo văn kiện trên, được công bố trên các phương tiện truyền thông Arập, tập trung trước hết vào việc từ chức của Tổng thống Syria Bashar al-Assad và quy trách nhiệm cho tất cả những ai tham gia sát hại dân thường Syria.
Theo dự thảo kế hoạch giải quyết tình hình nội bộ Syria, sau khi Tổng thống Assad từ chức cần phải tiếp tục bãi miễn chính phủ và giải thể quốc hội. Tiếp đó sẽ thành lập chính phủ lâm thời với sự tham gia của phe đối lập cũng như đại diện chính quyền Syria hiện tại.
Chủ tọa hội nghị - Chủ tịch AL al-Arabi đã kêu gọi phe đối lập Syria “không nên bỏ lỡ cơ hội” và “đoàn kết”, đồng thời nhấn mạnh sự cần thiết của “hệ thống dân chủ đa nguyên không có sự phân biệt giữa những người Syria”.
Cùng ngày 2/7, Tổng thống Assad đã ký ban hành luật chống khủng bố. Bộ luật, được hãng thông tấn nhà nước SANA công bố, quy định chính phủ sẽ trừng phạt bất cứ ai có liên quan tới các hoạt động khủng bố.
Động thái trên diễn ra chỉ vài ngày sau khi ông Assad tuyên bố Syria đang trong tình trạng chiến tranh thực sự, đồng thời cam kết chính phủ sẽ "có trách nhiệm bảo vệ mọi người dân" và "tiêu diệt những kẻ khủng bố".
Trong một diễn biến khác, hãng tin RIA Novosti (Nga) ngày 2/7 dẫn lời Thứ trưởng Ngoại giao nước này Mikhail Bogdanov cho biết đặc phái viên chung Liên hợp quốc - AL Kofi Annan và hai đoàn đại biểu thuộc hai phe đối lập chính ở Syria, trong đó có đoàn Hội đồng Dân tộc Syria (SNC) do tân Chủ tịch Abdulbaset Sieda dẫn đầu, sẽ đến Mátxcơva vào cuối tháng này.
Trong khi đó, quan hệ giữa Syria và hai nước láng giềng Lebanon (Libăng) và Thổ Nhĩ Kỳ có dấu hiệu gia tăng căng thẳng.
Ngày 2/7, Tổng thống Lebanon Michel Suleiman đã cáo buộc một đơn vị quân đội của Syria xâm phạm lãnh thổ Lebanon và bắt giữ hai sĩ quan an ninh của nước này.
Hãng thông tấn quốc gia Lebanon (NNA) dẫn lời Tổng thống Suleiman cho rằng hành động này của Syria đã "vi phạm các thông lệ và luật pháp quốc tế".
Tổng thống Suleiman kêu gọi hai bên không nên có các hành động làm tổn hại quan hệ song phương, đồng thời cho biết sẽ sớm mở cuộc điều tra về vụ việc nhằm ngăn chặn tái diễn các trường hợp tương tự.
Trước đó, Tổng cục An ninh Lebanon ra tuyên bố cho biết các lực lượng an ninh Syria đã vượt qua chốt kiểm soát al-Buqaia ở miền bắc Lebanon để thâm nhập vào sâu trong lãnh thổ Lebanon và bắt giữ hai sĩ quan an ninh sau khi có tin chính hai người này bắn rốckét vào một trạm kiểm soát của Syria trước đó làm hai cảnh sát biên giới Syria bị thương.
Tuy nhiên, ngay sau đó, phía Syria đã thả cả hai sĩ quan an ninh Lebanon mà không nêu lý do.
Với Thổ Nhĩ Kỳ, căng thẳng sau vụ máy bay chiến đấu F-4 của Thổ Nhĩ Kỳ bị lực lượng phòng không Syria bắn rơi hôm 22/6 có dấu hiệu leo thang khi quân đội Thổ Nhĩ Kỳ ngày 2/7 cho biết, máy bay chiến đấu của nước này đã xuất kích ngay sau khi phát hiện trực thăng của Syria tiến sát tới đường biên giới giữa hai nước.
Từ căn cứ không quân Incirlik, 4 chiếc tiêm kích F-16 đã xuất kích khi trực thăng của Syria chỉ còn cách biên giới khoảng 6,5 km. Hai chiếc F-16 khác cũng được lệnh xuất kích từ một căn cứ ở Batman khi một trực thăng của Syria tiến sát biên giới ở phía nam tỉnh Mardin. Tuy nhiên, quân đội Thổ Nhĩ Kỳ cũng khẳng định máy bay Syria không gây ra bất cứ vụ vi phạm không phận nào.
Kể từ khi xảy ra vụ máy bay F-4 của Thổ Nhĩ Kỳ bị Syria bắn rơi, hai nước đã liên tục tăng cường lực lượng tới khu vực biên giới chung. Thổ Nhĩ Kỳ đã điều động các đơn vị tên lửa, xe tăng và bộ binh nhằm thiết lập một hành lang an ninh, trong khi quân đội Syria cũng được lệnh tăng cường tới biên giới.
Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan cảnh báo rằng bất cứ hành động thù địch nào từ phía Syria tại khu vực biên giới cũng trở thành mục tiêu trả đũa của Thổ Nhĩ Kỳ.
Minh Hạnh (tổng hợp)