Tìm về vùng núi non Tây Bắc, Đông Bắc, rong ruổi Hà Giang, Lai Châu, Lào Cai, Điện Biên… đâu đâu cũng thấy một nét quen. Quen cảnh tấp nập, quen những nhịp váy xòe dập dìu, quen tiếng vó ngựa, tiếng xe máy, quen mùi bánh rán, quen mùi thắng cố, mèn mén… ở phía đó có phiên chợ vùng cao.
Nói đến phiên chợ vùng cao lại nhớ đến câu hát trong bài hát Chợ phiên Lai Châu: “Đỉnh đèo đội trời, chân đồi đạp suối, sáng mở cửa gặp núi, đêm kê gối bằng rừng. Ngày gùi nắng trên lưng. Vui... tưng bừng phiên chợ...”.
Người mua, kẻ bán vô cùng nhộn nhịp. |
Mới chỉ vài lần qua lại chốn núi non, ấy thế mà những chợ phiên vùng cao đã như đi vào tiềm thức những người đi du lịch phượt. Bởi thế nên, cái chất vùng cao ngấm vào máu, vào hồn người dân nơi đây cũng là điều dễ hiểu. Cái tháng, cái ngày rồi cả cái tuổi qua đi được tính bằng các nhịp chợ phiên đã thuộc nằm lòng. Chợ phiên Ý Tý họp vào thứ 7, chợ phiên Mường Hum, Bắc Hà (Lào Cai), chợ phiên Đồn Văn họp chủ nhật hàng tuần. Những phiên chợ Lũng Phìn, Sà Phìn, Phó Bảng, Phố Cáo ở Đồng Văn, Hà Giang lại có cái “nết” lạ cứ 6 ngày một lần nên mỗi tuần lại lùi đi một ngày so với tuần trước thì biết là đến phiên. Thế nên người ta còn gọi ấy là chợ lùi.
Những phụ nữ vùng cao vẫn tranh thủ thêu thổ cẩm ngay trong phiên chợ. |
Những món ăn độc đáo của chợ vùng cao. |
Rau xanh là một đặc sản của chợ. |
Ở những vùng mà những người Kinh cứ vác máy ảnh đứng lơ ngơ ngắm nghía cũng được khoác cái mác “dân tộc thiểu số” này, những ngày chợ phiên là những ngày của tấp nập. váy áo được bà con dân tộc chuẩn bị từ nhiều ngày trước, sáng nay, đặt vào gùi để đem xuống chợ. Nhà nào có sản vật để bán thì cũng gùi theo. Áo đẹp, váy đẹp thường là đến gần chợ mới thay nên những bộ quần áo nhiều màu sắc cứ xuống chợ là còn lung linh như mới, màu sắc vẫn tươi nguyên như vừa được óng nắng hè.
Chợ vùng cao khi cái nắng vẫn còn trốn sau ngọn núi và các hàng quán vẫn chưa rục rịch cũng có một nét đẹp tĩnh mịch rất riêng. |
Sáng sớm, chợ đã đông người. Những phụ nữ dân tộc diện những bộ trang phục đẹp nhất của mình để xuống chợ. |
Du khách nước ngoài cũng rất say mê phiên chợ vùng cao. |
Đi chợ phiên, bởi thế, yêu và nhớ nhất là những màu sắc của chợ. Ở góc này là những nải chuối vàng ươm, những mớ ớt khô đỏ thẫm, ở góc kia lại là khu bán thổ cẩm lung linh, xa xa lại là những vật dụng nhà nông, nơi thu hút những anh trai bản. Sắc màu mỗi phiên chợ mỗi khác.
Nói chẳng ngoa chứ đi chợ vùng cao thì người nhiều hơn cả hàng hóa. Có phải họ đi chợ thôi đâu, họ đi chơi nữa đấy chứ. Các cô váy xòe còn gặp nhau mà cười với nhau một cái cũng đã thấy ngày vui và bận rộn. Các bà, các mẹ cũng váy màu ra chợ chứ ví như ở nhà cũng chỉ cất váy đẹp đi để dành. Các anh người đèo vợ trên những chiếc xe máy mà lao xuống cái thung lũng nhỏ nơi họp chờ mà hò hẹn làm vài bát rượu ngô với chúng bạn. Đến trẻ thơ cũng vội bám lấy gùi, lấy áo váy của mẹ mà xuống chợ ngắm người qua người lại.
Đã đến vùng cao, ai cũng cố chờ cho đến chợ phiên, cho biết chợ phiên rồi mới ra về. Người dân vùng cao giữ gìn từng phiên chợ như giữ nhịp thở của cuộc sống vốn dĩ là giản dị của họ. Tôi đã đi về phía đó và sẽ còn đi về phía vùng cao thân thuộc ấy, nơi có những khu chợ vùng cao đang giữ nhịp nào cuộc đời tôi.
Bài và ảnh: Lê Sơn