Philippines, Nhật Bản bắt tay chiến lược trên Biển Đông

Từ ngày 2-5/6, Tổng thống Philippines Benigno Aquino tiến hành một chuyến công du lịch sử tới Nhật Bản. Chuyến đi được đánh giá là cơ hội cho cả hai nước thắt chặt mối quan hệ quốc phòng và an ninh để đương đầu với những thách thức hiện nay, đặc biệt liên quan đến những căng thẳng trên Biển Đông và Biển Hoa Đông.

Sự kiện đặc biệt

Chuyến thăm này đặc biệt ngay từ quy chế tới nghị trình. Đây là chuyến thăm Nhật Bản cấp nhà nước lần đầu tiên của ông Aquino, dù ông đã công du tới đất nước “Mặt trời mọc” 5 lần trong thời gian tại vị. Mỗi năm, Nhật Bản thường chỉ tiếp đón tối đa hai nguyên thủ quốc gia thăm cấp nhà nước. Chuyến thăm của ông Aquino là chuyến đầu tiên trong năm nay.

Tổng thống Philippines Benigno Aquino tới thủ đô Tokyo ngày 2/6, bắt đầu chuyến thăm chính thức Nhật Bản.


Đặc biệt hơn, trong khuôn khổ chuyến thăm này, ông sẽ lần đầu tiên có bài phát biểu trước các nghị sĩ Nhật Bản tại một phiên họp của lưỡng viện Quốc hội. Đây là một cơ hội và vinh dự lớn đối với một nguyên thủ quốc gia bởi không phải nhà lãnh đạo nào được mời cấp nhà nước cũng được phát biểu trước Quốc hội Nhật Bản. Ông Aquino là tổng thống Philippines thứ ba trong lịch sử hiện đại được hưởng vinh dự này. Điều này cho thấy rõ chủ trương của Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe nhằm tăng cường quan hệ với các nước Đông Nam Á.

Chuyến công du của Tổng thống Aquino còn mang tính lịch sử vì được tiến hành đúng vào dịp kỷ niệm 60 năm ngày Nhật Bản và Philippines thiết lập quan hệ ngoại giao và hai nước đã nâng tầm quan hệ lên mức đối tác chiến lược.

Theo giới phân tích khu vực, đến Tokyo lần này, ngoài các mục tiêu về thắt chặt hợp tác song phương trong các lĩnh vực phù hợp với tinh thần quan hệ đối tác chiến lược, Tổng thống Aquino nhằm tới đích lớn hơn, đó là tìm kiếm, củng cố quan hệ đồng minh trong hồ sơ tranh chấp lãnh hải với Trung Quốc. Sẽ là phiến diện nếu không gắn chuyến công du này với những căng thẳng trên Biển Đông thời gian gần đây. Những căng thẳng xuất phát từ các hành động quyết đoán của Bắc Kinh tại vùng biển chiến lược này như xây dựng trái phép các đảo nhân tạo, xây các công trình trên các đảo thuộc chủ quyền của Việt Nam, cấm đánh bắt cá, đe dọa áp đặt Vùng nhận diện phòng không trên Biển Đông (ADIZ)….

Cả Philippines và Nhật Bản đều đang phải đối mặt với thái độ thiếu thân thiện ngày càng tăng của Trung Quốc trên Biển Đông và Biển Hoa Đông với việc sử dụng tàu tuần duyên và tàu cá xâm nhập khu vực đang tranh chấp. Tháng 4/2015, tàu tuần duyên của Trung Quốc đã phun vòi rồng vào các ngư dân Philippines tại bãi cạn Scarborough, một ngư trường dồi dào thủy sản nằm trong vùng đặc quyền kinh tế của Philippines cách đất liền Trung Quốc hơn 650km. Trước đó, lực lượng tuần duyên Trung Quốc cũng thách thức lực lượng tuần duyên Nhật Bản gần các hòn đảo tranh chấp trên Biển Hoa Đông.

Xích lại trong vấn đề chủ quyền lãnh hải

Thực tế trên buộc Philippinnes – một nước bé nhỏ (theo cả nghĩa đen và nghĩa bóng) khi đặt cạnh cường quốc lớn thứ hai thế giới – phải có những bước đi cần thiết để bảo vệ lợi ích quốc gia. Manila đã đưa hồ sơ tranh chấp lãnh hải ra tòa án trọng tài quốc tế để phân xử và tranh thủ sự ủng hộ của cộng đồng quốc tế, tìm kiếm các đồng minh trong và ngoài khu vực. Cùng với Mỹ, Nhật Bản là một đối tác lớn của Philippines trong vấn đề này. Gần đây, Manila tố cáo Bắc Kinh đang thử nghiệm ADIZ ở Biển Đông khi liên tục cản trở máy bay của Philippines. Tuy nhiên, Tổng thống Aquino giữ quan điểm cứng rắn khi khẳng định sẽ duy trì các chuyến bay tuần tra bất chấp sự cản trở này. Trước các diễn biến trên, Philippines muốn mở rộng các lựa chọn quân sự sau khi ký kết một thỏa thuận an ninh có thời hạn 10 năm với Mỹ hồi tháng 4/2014 - văn bản vốn được Manila coi là một biện pháp phủ đầu nhằm ngăn chặn một ý đồ xâm phạm lãnh thổ. Nhân chuyến thăm này, ông Aquino mong muốn thảo luận với Tokyo thỏa thuận mua bán vũ khí, trong đó máy bay do thám hải quân P3-C và các thiết bị radar liên quan, cũng như thắt chặt quan hệ quân sự với Nhật Bản.

Đó là về phía của Philippines. Với Nhật Bản, thêm một cái bắt tay chặt hơn với một đối tác ở Đông Nam Á vốn có tranh chấp lãnh hải với Trung Quốc không bao giờ là thừa. Điều này phù hợp với chính sách đối ngoại của chính quyền Abe, theo đó tăng cường vị thế của Nhật Bản trên trường quốc tế, đặc biệt trong bối cảnh quốc gia láng giềng Trung Quốc đang trỗi dậy với những tham vọng tiềm ẩn nhiều nguy cơ, đe dọa tới lợi ích quốc gia của Tokyo. Nhật Bản hiện không có yêu sách trên Biển Đông nhưng có tranh chấp với Trung Quốc trên biển Hoa Đông khi cả hai cùng tuyên bố chủ quyền với quần đảo Senkaku/Điếu Ngư.

Từ khi lên nhậm chức năm 2012, Thủ tướng Abe đã muốn đất nước Mặt trời mọc có vai trò chủ động và lớn hơn đối với hòa bình và an ninh toàn cầu dựa trên hợp tác quốc tế. Sau khi tái đắc cử tháng 11/2014, ông Abe đang nỗ lực thực hiện mục tiêu này bằng nhiều cách, trong số đó có việc thắt chặt quan hệ đồng minh với các nước trong khu vực. Cuộc gặp giữa ông Abe với Tổng thống Aquino tại Tokyo lần này là cuộc gặp mới nhất trong hàng loạt chuyến thăm của lãnh đạo các quốc gia Đông Nam Á tới Nhật Bản trong những tháng gần đây. Hồi tháng trước, ông Abe đã gặp Thủ tướng Malaysia Najib Razak và nhất trí khởi động đối thoại về hợp tác nhằm chuyển giao công nghệ và thiết bị quốc phòng. Hồi tháng ba, ông Abe cũng gặp Tổng thống Indonesia Joko Widodo.

Chia sẻ những quan ngại chung và lập trường đối với lối hành xử ngạo mạn, bất chấp luật pháp quốc tế của Trung Quốc là lý do để Philippines và Nhật Bản xích lại gần nhau. Chuyến công du lần này của Tổng thống Akino không nằm ngoài sứ mệnh này.
Bạch Dương
Biển Đông căng thẳng, Mỹ-Trung chạy đua phát triển ‘căn cứ nổi’
Biển Đông căng thẳng, Mỹ-Trung chạy đua phát triển ‘căn cứ nổi’

Ảnh chụp vệ tinh rò rỉ hồi tháng trước cho thấy, Trung Quốc đang phát triển tàu đổ bộ cơ động (MLP), chạy đua với Mỹ về lĩnh vực này.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN