Sáng sớm tại Điểm trường mầm non bản Cà Là Pá, xã Leng Su Sìn, huyện Mường Nhé (Điện Biên), hàng trăm người dân đã có mặt để dự phiên tòa xét xử các bị cáo Giàng Sá Po, Mùa A Dế và Sùng Bịa Chủ về tội sử dụng và tàng trữ trái phép các chất ma túy.
Những phiên tòa xét xử lưu động thu hút rất đông người dân theo dõi. |
Với những người dân ở bản Cà Là Pá, đây là lần đầu tiên họ được chứng kiến một vụ án xét xử lưu động. Ông Vừ Sái Lầu, một người dân trong bản, cho biết. “Qua theo dõi phiên tòa, tôi biết thêm về Luật Hình sự, trước đây tôi không biết quy định của Nhà nước đối với tội phạm ma túy lại nặng như vậy… Tôi sẽ về bảo với anh em trong nhà và con cháu mình phải chăm chỉ làm ăn, phát triển kinh tế, đừng mắc vào tệ nạn ma túy, nếu không cũng sẽ bị xét xử và trừng phạt như những bị cáo tại tòa hôm nay”.
Là xã có trên 90% đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống, điều kiện kinh tế xã hội còn nhiều khó khăn; những phiên tòa lưu động có ý nghĩa rất thiết thực trong việc giáo dục, phổ biến pháp luật cho nhân dân. Đó là lời khẳng định của ông Sừng Sừng Khai, Bí thư kiêm Chủ tịch UBND xã Leng Su Sìn, huyện Mường Nhé.
Ông Pờ Go Lòng, Chánh án Tòa án nhân dân huyện Mường Nhé, cho biết, phần lớn các phiên tòa xét xử tại trụ sở tòa án thường vắng người, ngoài những người được tòa triệu tập chỉ có thêm vài người nhà bị cáo, thậm chí có những phiên tòa chỉ có một mình bị cáo. Trái lại, những phiên tòa xử lưu động lại thu hút đông đảo người dân theo dõi. Thông qua việc theo dõi phiên tòa và kết quả xét xử, người dân có điều kiện tiếp thu, hiểu biết thêm các quy định của pháp luật, vì vậy việc đưa xét xử lưu động, không những thể hiện sự nghiêm minh của pháp luật, mà còn có tác dụng răn đe, giáo dục phòng ngừa chung và phát động quần chúng tham gia công tác phòng, chống tội phạm. Ông Pờ Go Lòng cho biết thêm: Năm 2011 tòa đã xét xử lưu động 12 vụ, năm 2012 xử 16 vụ. Nếu như trước đây mới tổ chức xét xử lưu động ở trung tâm xã, thì sang năm 2013, TAND huyện đã thực hiện xét xử lưu động ở các điểm bản, các địa bàn trọng điểm phức tạp về tình hình ANTT để kịp thời giáo dục và răn đe đối với các loại tội phạm.
Mặc dù còn gặp nhiều khó khăn trong công tác xét xử lưu động; địa bàn của huyện rộng, nhiều xã, bản vùng sâu, phương tiện và nhân lực còn thiếu, song cán bộ, nhân viên Tòa án nhân dân huyện Mường Nhé đã và đang nỗ lực vượt qua, đưa các vụ án xét xử lưu động tại cơ sở. Đây là là một cách tuyên truyền pháp luật trực tiếp đến người dân, từ đó nâng cao ý thức chấp hành pháp luật, góp phần đảm bảo an ninh trật tự, giữ vững tình hình an ninh chính trị trên địa bàn huyện.
Bài và ảnh: Thanh Tùng