Phòng bệnh lúc giao mùa - Không chủ quan với bệnh trẻ em

Thời tiết chuyển từ hè sang thu, trong một ngày tồn tại 2 hình thái thời tiết là nóng vào ban ngày và mát mẻ, thậm chí se lạnh vào ban đêm... Đây chính là điều kiện thuận lợi cho virút, vi khuẩn gây bệnh phát triển.


Không chủ quan với bệnh trẻ em


Từ cuối tháng 8 đến nay, trẻ nhỏ mắc bệnh hô hấp, tay chân miệng, sốt xuất huyết... tại Hà Nội có xu hướng gia tăng.

 

Cẩn trọng với sốt virút, viêm phổi


“Số trẻ đến khám và điều trị tại Bệnh viện Nhi TƯ thời gian gần đây có xu hướng tăng. Hầu hết là các cháu mắc bệnh do nhiễm virút, viêm đường hô hấp trên hoặc mắc các bệnh lý liên quan đến sự thay đổi môi trường như hen phế quản”, TS Nguyễn Minh Điển, Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi trung ương, cho biết.
Tại khoa Nhi, Bệnh viện Bạch Mai, lượng bệnh nhi tới khám và điều trị tăng khoảng 40 - 50%, trong đó nhiều trẻ bị sốt virút, viêm phổi, viêm họng, bệnh ngoài da, tay chân miệng...


 

Bệnh nhi sốt xuất huyết đang điều trị tại Bệnh viện Nhi Đồng 1, TP.HCM. Ảnh: Phương Vy-TTXVN

 

Theo PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng, Trưởng khoa Nhi, Bệnh viện Bạch Mai, gia đình có thể chăm trẻ bị sốt virút thông thường tại nhà sau khi có hướng dẫn của thầy thuốc. Nhưng sau đó 3 ngày, kể từ khi được bác sĩ khám, trẻ vẫn còn sốt thì cha mẹ cần tiếp tục đưa con tới khám tại cơ sở y tế vì nhiều bệnh khác cũng có triệu chứng giống sốt virút. Bên cạnh đó, cũng cần theo dõi trẻ bệnh sát sao cho tới khi khỏi bệnh; vì nếu virút tấn công vào não có thể gây viêm não, viêm màng não, khiến trẻ bị hôn mê, co giật, trụy tim mạch, thậm chí nguy hiểm đến tính mạng.


“Từ đầu mùa tới nay, khoa Nhi đã tiếp nhận và điều trị cho khoảng 100 ca biến chứng viêm não do sốt virút nhưng rất may mắn là các cháu đều khỏi bệnh. Có được kết quả này cũng là nhờ các bậc cha mẹ đã đưa trẻ tới bệnh viện ngay khi thấy các triệu chứng: Sốt kèm nôn khó giải thích nguyên nhân, trẻ kém ăn, mệt mỏi, li bì, co giật...”, PGS.TS Dũng cho hay.


Mấy tuần gần đây, ngày nào khoa Nhi, BV Bạch Mai cũng tiếp nhận 5 - 6 trẻ nhập viện vì viêm phổi (thở nhanh khác thường, thở rút lõi lồng ngực, có thể kèm theo sốt), trong đó một số trẻ bệnh nặng phải thở ôxy. Do đó, ở thời điểm giao mùa, các bậc phụ huynh cần cẩn trọng với bệnh viêm phổi ở trẻ nhỏ. Khi bắt đầu đi ngủ, trẻ có thể vẫn nóng, toát mồ hôi nhưng tới nửa đêm thì trẻ rất dễ bị lạnh. Các bậc cha mẹ phải chủ động thức dậy lúc giữa đêm để điều chỉnh nhiệt độ trong phòng ngủ thích hợp với thân nhiệt con trẻ. Nếu không, trẻ rất dễ bị nhiễm lạnh dẫn đến viêm phổi.


Bên cạnh đó, các chuyên gia nhi khoa cũng khuyến cáo các bậc phụ huynh chớ nên coi thường bệnh ngoài da mà trẻ nhỏ hay mắc lúc giao mùa. Nếu không hiểu đúng và điều trị đúng cách thì từ việc mắc mụn nhọt thông thường cũng có thể khiến trẻ bị nhiễm trùng máu, nguy hiểm đến tính mạng. PGS. TS Dũng cho hay: “Thấy con bị mụn, nhọt, nhiều bà mẹ cho rằng trẻ bị nóng trong nên ra sức cho con ăn bột sắn, uống rau má, tắm lá kinh giới... Nhưng kết quả xét nghiệm cho thấy các vị trí tổn thương đều bị nhiễm khuẩn. Rõ ràng việc gia đình tự điều trị như trên không những không tiêu diệt được vi khuẩn mà còn tạo điều kiện để chúng tấn công trẻ mạnh hơn”.


Đồng tình với quan điểm các bậc phụ huynh không được tự ý điều trị bệnh cho con trẻ, TS Nguyễn Minh Điển khuyến cáo: “Khi thấy con trẻ bị hắt hơi, sổ mũi, sốt... thì các bậc phụ huynh phải đưa trẻ tới ngay cơ sở y tế khám để xác định bệnh. Sau đó, chú ý điều trị triệu chứng, hạ nhiệt, vệ sinh mũi, cho uống thuốc giảm ho và long đờm nếu trẻ ho nhiều. Việc sử dụng kháng sinh cho trẻ cần phải có sự chỉ dẫn, theo đơn thuốc của bác sĩ (sau khi đã làm xét nghiệm, phát hiện các ổ nhiễm khuẩn rõ ràng hoặc trên Xquang phổi có hình ảnh tổn thương). Đặc biệt, các bậc phụ huynh cần theo dõi, kịp thời phát hiện những dấu hiệu bệnh nặng ở trẻ, ví dụ trẻ sốt liên tục trong vòng 48 giờ, trẻ dưới 2 tháng tuổi có nhịp thở trên 60 lần/phút; trẻ từ 2 - 12 tháng tuổi có nhịp thở trên 50 lần/phút... thì cần phải đưa tới cơ sở y tế ngay để được khám và điều trị kịp thời”.

 

Vệ sinh tốt để phòng bệnh


Theo ông Nguyễn Nhật Cảm, Phó Giám đốc Trung tâm y tế dự phòng Hà Nội: “Trong vòng 2 tuần trở lại đây, số trẻ mắc tay chân miệng tại Hà Nội có xu hướng tăng hơn trước, với khoảng 20 - 30 ca mắc/tuần. Từ đầu năm đến nay, Hà Nội có 2.767 ca tay chân miệng, rải rác ở khắp 29 quận, huyện và các xã, phường. Năm ngoái, đỉnh dịch tay chân miệng tại Hà Nội rơi vào tháng 9 - 11. Thời điểm này cũng là mùa tựu trường nên rất khó dự đoán về diễn biến của dịch bệnh này trong thời gian tới”, ông Cảm cho hay.


Thời tiết hiện nay rất thuận lợi cho bọ gậy, muỗi phát triển và gây dịch sốt xuất huyết trong cộng đồng. Do đó, các chuyên gia y tế ở cả hai miền Nam, Bắc đều đặc biệt khuyến cáo về việc tăng cường phòng tránh hai dịch bệnh có nguy cơ lây lan rộng là tay chân miệng và sốt xuất huyết.


Theo PGS.TS Nguyễn Trần Hiển, Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ trung ương, biện pháp tốt nhất để phòng tránh cho trẻ khỏi các bệnh dịch thời điểm giao mùa chính là thực hiện tốt vệ sinh cá nhân, vệ sinh môi trường. Cả người lớn và trẻ nhỏ đều cần giữ gìn vệ sinh răng miệng, rửa tay bằng xà phòng và nước sạch thường xuyên, nhất là trước và trong khi nấu ăn, sau khi đi vệ sinh, mỗi lần thay tã cho trẻ... Thực hiện ăn chín, uống sôi. Thường xuyên làm sạch bàn ghế, vật dụng, dụng cụ học tập, đồ chơi của trẻ, nền nhà, nhà vệ sinh... bằng nước xà phòng, bằng chloramin B hay các chất sát khuẩn thông thường khác...


Riêng với bệnh sốt xuất huyết, biện pháp dự phòng hiệu quả nhất là triển khai các chiến dịch vệ sinh môi trường, thu gom phế thải nhằm làm giảm nơi sinh sản của muỗi tại cộng đồng. Không có bọ gậy sẽ không có muỗi truyền bệnh và gây dịch sốt xuất huyết.


Phương Liên

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN