Virút cúm A/H5N1 thuộc chủng độc lực cao, gây thể bệnh rất nặng trên gia cầm. Triệu chứng gia cầm mắc phải: Một số con chết nhanh trước khi có triệu chứng xuất hiện; sốt rất cao, tỷ lệ đẻ giảm, tăng trứng non mỏng vỏ; hắt hơi, ho, khó thở, có âm khò khè lúc thở, một số con há miệng để thở; mắt sưng phù, chảy nước mắt; có triệu chứng thần kinh như: quẹo cổ, liệt chân, sệ cánh hoặc đi xoay vòng; triệu chứng xuất huyết ở mào, tích, nhất là ở chân là rất quan trọng trong chẩn đoán phân biệt; tỷ lệ mắc bệnh có thể lên đến 100%, tỷ lệ chết trên một số đàn có thể lên đến 100%.
*Để phòng bệnh đạt hiệu quả cao cần phối hợp nhiều biện pháp:
- Đổi mới phương thức chăn nuôi: Chăn nuôi tập trung, chuồng trại nên cách xa khu dân cư, theo quy trình chăn nuôi khép kín, là điều kiện hàng đầu trong phòng bệnh.
- Chủ động phòng dịch: Người chăn nuôi nên trình báo việc nuôi gia cầm với cơ quan thú y ngay khi mới bắt con giống về để trạm thú y quản lý, cấp sổ theo dõi và bố trí tiêm phòng vắcxin A/H5N1 đúng lịch.
- Tăng cường dinh dưỡng: Bổ sung các loại vitamin, khoáng để tăng sức đề kháng bệnh cho gia cầm.
- Tiêu độc sát trùng: Phun thuốc sát trùng 2- 3 lần/tuần (tùy quy mô và mật độ nuôi) để diệt trừ mầm bệnh ở ngoài môi trường, áo quần, dụng cụ chăn nuôi, phương tiện vận chuyển:(còn tiếp)
X.M (Theo TTKN)