Phòng ngừa dịch bệnh sởi bằng tiêm chủng

Chiều 10/4, tại buổi làm việc với Sở Y tế Thành phố Hồ Chí Minh về tình hình dịch bệnh, ông Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho biết, chỉ có tiêm chủng mới là biện pháp phòng chống hiệu quả, giải quyết dứt điểm dịch bệnh sởi.

Trẻ em khi được 9 tháng bắt đầu phải tiêm vắc-xin ngừa bệnh sởi và đảm bảo đủ số lượng mũi tiêm; nếu có tình huống dịch bệnh xảy ra trên diện rộng, ngoài phương pháp vệ sinh thông thường thì phải thực hiện tiêm vét vắc-xin theo chiến dịch. Vì vậy, việc tiêm ngừa và chiến dịch tiêm vét sởi đang thực hiện trên cả nước hiện nay là chạy đua với dịch bệnh, thành phố phải triển khai các biện pháp hữu hiện để trong tháng 4 này có thể hoàn thành chiến dịch tiêm vắc-xin sởi theo kế hoạch đề ra.

Bệnh nhi mắc bệnh sởi đến khám và điều trị tăng nhanh tại khoa Nhi–Bệnh viện Bạch Mai, trong đó nhiều trường hợp biến chứng nặng do sởi. Dương Ngọc–TTXVN


Theo bác sĩ Nguyễn Trí Dũng, Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng Thành phố Hồ Chí Minh, kể từ ngày 7/3, sau 5 tuần thực hiện chiến dịch tiêm vét vắc-xin sởi, toàn thành phố đã thực hiện được khoảng trên 52% kế hoạch (kế hoạch là 95.000 mũi tiêm sởi). Cụ thể, đã có trên 13.700 trẻ được tiêm mũi 1 và 24.000 trẻ được tiêm mũi 2. Ngoài ra, cũng có trên 15.000 trẻ được tiêm ngừa mũi tiêm dịch vụ 3 trong 1 (sởi, quai bị, rubella).

Chiến dịch tiêm vét vắc-xin sởi trên địa bàn thành phố khi thực hiện đã gặp phải một số khó khăn do một số điểm tiêm tại các phường, xã có số trẻ cần tiêm khá cao, có nơi đạt 1.000-1.500 trẻ cần tiêm; khó khăn về việc xác định số trẻ cần tiêm; một số phụ huynh từ chối việc tiêm sởi theo chương trình... Hiện thành phố đang tiếp tục đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền, vận động người dân đưa trẻ đi tiêm sởi; khảo sát lại về đối tượng cần tiêm nhằm tăng hiệu quả và hoàn thành kịp tiến độ chiến dịch tiêm ngừa sởi theo kế hoạch…

Từ đầu năm đến nay, tại Thành phố Hồ Chí Minh đã có hơn 600 ca sởi nhập viện ở tất cả 24 quận huyện. Các bệnh viện Nhi trên địa bàn cũng có số bệnh nhân nhập viện do sởi tăng liên tục từ đầu năm đến nay. Hiện Bệnh viện Nhi đồng 1 tiếp nhận trung bình 90-100 ca sởi/ tuần; Bệnh viện Nhi Đồng 2 cũng có khoảng 80 ca sởi/tuần.

Theo đánh giá của các bác sĩ, dịch bệnh sởi tại thành phố Hồ Chí Minh không có nhiều ca biến chứng nặng. Một số ca hậu sởi hoặc diễn tiến nặng hầu hết đều có một bệnh nền khác khiến việc điều trị khó khăn và dễ có biến chứng nặng. Vắc-xin sởi là loại khá an toàn, khi tiêm vào sẽ có một số tác dụng phụ như trẻ sốt nhẹ, quấy khóc… Tuy nhiên, đây là phản ứng thông thường của vắc-xin khi vào cơ thể cũng như chứng tỏ vắc xin có hiệu quả. Trong khi đó, dịch bệnh sởi là loại dịch mang lại nhiều gánh nặng cho xã hội về dinh dưỡng, tính lây lan, biến chứng,... Vì vậy, các bậc phụ huynh cần đưa trẻ đến các cơ sở y tế để thực hiện tiêm vắc-xin sởi cho trẻ trong các chiến dịch tiêm chủng.


H.Chung
TP.Hồ Chí Minh: Tiêm vét vắcxin sởi vẫn chưa đạt hiệu quả cao
TP.Hồ Chí Minh: Tiêm vét vắcxin sởi vẫn chưa đạt hiệu quả cao

Hiện tình hình dịch sởi trên địa bàn TP Hồ Chí Minh vẫn chưa có dấu hiệu chững lại. Trước tình hình dich bệnh đang diễn biến phức tạp, chiều 10/4 Cục Y tế Dự phòng Bộ Y tế đã có buổi làm việc với Sở Y tế TP Hồ Chí Minh về công tác phòng chống dịch sởi.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN