Theo BS Đinh Thạc, Bệnh viện Nhi Đồng I, TP Hồ Chí Minh, nếu chế độ ăn uống không hợp lý và bảo quản thực phẩm không đúng cách thì nguy cơ ngộ độc thực phẩm trong những ngày Tết là rất cao.
Ngộ độc thức ăn do vi khuẩn Staphylococcus aureus là ngộ độc thường gặp nhất. Người bị ngộ độc có thể bị nhiễm vi khuẩn này từ thịt gia cầm nấu chưa chín, từ bàn tay của người chế biến thức ăn bị nhiễm bẩn. Biểu hiện thường gặp của người ngộ độc là nôn, tiêu chảy sau bữa ăn từ 1 - 4 giờ, có thể bị tiêu chảy kéo dài từ 24 - 48 giờ, bệnh nhân không bị sốt.
Ngộ độc thức ăn do vi khuẩn E. coli thường nhiễm từ thịt, cá, rau tươi, nước bị ô nhiễm. Bệnh nhân thường bị tiêu chảy ngay sau bữa ăn.
Trong trường hợp bị ngộ độc thức ăn do vi khuẩn Samonella, bệnh nhân thường bị đau bụng, tiêu chảy và buồn nôn sau 6 - 48 giờ sau khi ăn, kéo dài từ 7 - 12 ngày, bệnh nhân thường sốt nhẹ 37 - 0C. Vi khuẩn Samonella thường lây nhiễm từ trứng, thịt gia cầm nấu chưa chín.
Theo các chuyên gia y tế, trường hợp phát hiện ngộ độc thực phẩm nên ngưng ngay những thức ăn bị nghi ngờ gây ngộ độc. Nếu bệnh nhân vẫn tỉnh táo có thể cho bệnh nhân theo dõi tại nhà, chú ý cho bệnh nhân ăn thức ăn lỏng, mềm, dễ tiêu, uống nhiều nước để bù lại lượng nước mất. Nếu sau 2 ngày, các dấu hiệu ngộ độc thuyên giảm thì tiếp tục chăm sóc tại nhà. Tuy nhiên, nếu người bệnh mệt mỏi nhiều, nôn ói và đi ngoài nhiều… thì phải đưa ngay đến bệnh viện..
LBT