Con của các bà mẹ ăn đậu phộng khi mang thai ít bị dị ứng với loại thực phẩm này hơn so với con cái của các bà mẹ kiêng đậu phộng. Đây là kết luận được các nhà nghiên cứu Mỹ đưa ra trong công trình mới, công bố ngày 23/12.
Theo công trình đăng trên tạp chí Hiệp hội y học Mỹ (JAMA), các nhà khoa học đã tiến hành nghiên cứu đối với trên 8.200 trẻ em Mỹ và phát hiện có 140 em trong số này bị dị ứng với các loại hạt có vỏ cứng. Khi đối chiếu lại với kết quả phân tích chế độ ăn uống trong thời gian mang thai của mẹ các bé, nhóm nghiên cứu nhận thấy rằng những bà mẹ ăn đậu phộng 5 lần/tuần hoặc các loại hạt có vỏ cứng như hạt điều hay hạnh nhân 3 lần/tuần thường sinh con ít bị dị ứng hơn các bà mẹ khác.
Bác sĩ Michael Young, một trong những tác giả chính của công trình nghiên cứu và hiện đang làm việc tại Khoa dị ứng và miễn dịch Bệnh viện nhi Boston, cho biết lượng tiêu thụ đậu phộng ở mẹ càng nhiều thì càng làm giảm nguy cơ dị ứng ở con.
Kết quả nghiên cứu này đồng nhất với một nghiên cứu trước đó cũng của JAMA cho rằng việc bào thai hấp thụ sớm các chất từ đậu phộng qua chế độ ăn uống của người mẹ sẽ có lợi nhiều hơn có hại, mặc dù các quan niệm phổ cập trong xã hội về vấn đề này còn nhiều tranh cãi. "Nghiên cứu của chúng tôi củng cố cho giả thuyết nói rằng việc hấp thụ các chất gây dị ứng từ sớm sẽ làm giảm nguy cơ dị ứng với các chất này sau khi các bé ra đời", bài báo trên JAMA viết.
Trước đó, các bác sĩ tại Mỹ thường khuyến cáo các bà mẹ tránh xa đậu phộng và các loại hạt có vỏ cứng trong thời gian mang thai và cho con bú để hạn chế nguy cơ gây dị ứng ở trẻ. Tuy nhiên, năm 2008, Học viện Nhi khoa Mỹ tuyên bố không có đủ bằng chứng kết luận trẻ bị dị ứng do mẹ ăn đậu phộng trong thời gian mang thai. Trước đó, nhiều bé đã xuất hiện các triệu chứng khi bị dị ứng bao gồm phát ban, sưng tấy, khó thở và hạ huyết áp đột ngột. Trường hợp nặng có thể để lại các hậu quả nghiêm trọng hay thậm chí tử vong.
TTG