Tổng thống Mỹ Barack Obama ngày 4/12 đã cảnh báo Tổng thống Xyri Bashar al-Assad về "các hậu quả" nếu Đamát sử dụng vũ khí hóa học trong cuộc xung đột đã kéo dài 21 tháng qua tại quốc gia Trung Đông này.
Nga lo ngại về việc triển khai tên lửa Patriot tại khu vực biên giới Thổ Nhĩ Kỳ và Xyri. nh: AFP/ TTXVN |
Tuyên bố của ông Obama được đưa ra trong bối cảnh dấy lên những quan ngại về khả năng lực lượng của Tổng thống Assad tấn công quân chống đối bằng các loại vũ khí hóa học.
Trước đó cùng ngày, Người phát ngôn Nhà Trắng Jay Carney đã bày tỏ lo ngại chính quyền của Tổng thống Assad có thể đang cân nhắc sử dụng vũ khí hóa học. Ông Carney cho biết các quan chức Mỹ đang giám sát chặt chẽ các vật liệu và cơ sở nhạy cảm của Xyri, đồng thời nhấn mạnh Tổng thống Obama tin rằng bất cứ hành động sử dụng vũ khí hóa học nào của chính quyền Xyri sẽ "vượt qua giới hạn đỏ" đối với Mỹ.
Ngay sau tuyên bố của tổng thống Mỹ, các nước Pháp, Đức và NATO cũng nhất loạt cảnh báo Xyri về khả năng sử dụng vũ khí hóa học chống lực lượng chống đối. Tổng Thư ký NATO Fogh Rasmussen nhấn mạnh rằng nếu hành động xảy ra, sẽ kích thích “một phản ứng tức thì của cộng đồng quốc tế”.
Tân Hoa xã ngày 4/12 dẫn nguồn tin tình báo Mỹ cho biết đã phát hiện hoạt động di chuyển vũ khí hóa học của quân đội Xyri trong những ngày gần đây. Trong khi đó, một quan chức Mỹ giấu tên tiết lộ với hãng tin AFP rằng, Xyri đã bắt đầu trộn lẫn các chất hóa học có thể dùng để chế tạo khí độc chết người sarin. Từng được sử dụng trong hai vụ tấn công khủng bố ở Nhật Bản trong những năm 1990, sarin có thể gây co giật, suy hô hấp và tử vong.
Phản ứng trước những tuyên bố và thông tin trên, Bộ Ngoại giao Xyri ngày 4/12 đã ra tuyên bố khẳng định Xyri sẽ "không bao giờ, trong bất kỳ hoàn cảnh nào, sử dụng vũ khí hóa học chống lại nhân dân mình, nếu loại vũ khí đó có tồn tại".
Do lo ngại tình trạng an ninh đang ngày càng xấu đi tại Xyri, Người phát ngôn Liên hợp quốc Martin Nesirky ngày 4/12 thông báo LHQ tạm ngừng các hoạt động tại Xyri và bắt đầu rút các nhân viên khỏi nước này. Theo ông Nesirky, các nhân viên LHQ nếu không đảm nhận các công việc thiết yếu sẽ lập tức rời khỏi Xyri. Như vậy, khoảng 25 - 100 nhân viên quốc tế có thể rút khỏi Xyri trong tuần này. Liên minh châu Âu (EU) cùng ngày cho biết văn phòng của EU tại thủ đô Đamát, hoạt động từ khi cuộc khủng hoảng Xyri bùng phát, sẽ giảm hoạt động xuống mức tối thiểu do vấn đề an ninh. Trong khi đó, Thứ trưởng Ngoại giao Nga đồng thời là Đặc phái viên Điện Kremlin về Trung Đông Mikhail Bogdanov khẳng định, các nhà ngoại giao Nga đã liên lạc với công dân nước này tại Xyri và sẵn sàng hỗ trợ họ sơ tán trong trường hợp khẩn cấp.
Trong một diễn biến khác, Tổng thống Nga Vladimir Putin, đang ở thăm Thổ Nhĩ Kỳ, ngày 4/12 đã cảnh báo: Việc NATO triển khai tên lửa Patriot tại khu vực biên giới Thổ Nhĩ Kỳ và Xyri sẽ khiến tình hình thêm căng thẳng, có thể gây ra một cuộc xung đột lớn hơn, kéo theo sự tham gia của cả liên minh quân sự phương Tây. Tân Hoa xã đưa tin, tại cuộc gặp Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan, Tổng thống Putin khẳng định Mátxcơva "không ủng hộ" chính phủ Xyri và điều Nga lo ngại hiện nay là tương lai của Xyri.
Về tình hình chiến sự xung quanh Đamát, Đài Truyền hình quốc gia Xyri ngày 4/12 đưa tin súng cối của lực lượng chống đối đã nã trúng vào một ngôi trường nằm trong khu trại dành cho người vô gia cư ở gần thủ đô, làm 9 học sinh và một giáo viên thiệt mạng. Đài này cho biết vụ tấn công xảy ra ở trại Wafideen, cách Đamát 20 km về phía đông bắc, và gọi đây là “một tội ác man rợ”. Trong những ngày qua, các trận giao tranh ở phía đông Đamát trở nên vô cùng đẫm máu khi quân chính phủ ra sức đánh bật đối phương ra khỏi đông Ghouta, khu vực nằm sát thủ đô.
H.H-T.L (tổng hợp)