“Quả bom” mới về luật chuyển nhượng?

Vào thời điểm Jean-Marc Bosman bị kết án 1 năm tù về tội hành hung bạn gái, thế giới bóng đá cũng đang đối diện với một ngã rẽ mới liên quan đến luật chuyển nhượng cầu thủ. Nghiệp đoàn cầu thủ chuyên nghiệp thế giới (FIFPro) vừa tuyên bố sẽ gửi đơn kiện lên Tòa án của Liên minh châu Âu vào cuối mùa giải này, nhằm mục đích thay đổi hệ thống chuyển nhượng hiện hành, theo hướng mở rộng tự do cho các cầu thủ.


 

Cầu thủ dự kiến sẽ được tự do lựa chọn đội bóng. Ảnh: eurosport.com

 

Theo đánh giá của FIFPro, những cải cách được thông qua năm 2001 liên quan đến luật chuyển nhượng cầu thủ, hiện vẫn chưa đem lại hiệu quả như họ mong muốn. Cải cách trên cho phép áp dụng một “điều khoản về tính ổn định” trong vòng 3 năm đối với bất cứ cầu thủ chuyên nghiệp nào. Nó cho phép các cầu thủ đã thi đấu đủ 3 năm cho một CLB và vẫn đang trong thời hạn hợp đồng, được quyền rời CLB nếu bồi thường đủ số tiền tương đương với số tiền lương còn lại của họ cho tới cuối hợp đồng. Tuy nhiên, cải cách này hầu như đã không được thi hành. 1 năm trước khi hết hạn hợp đồng, các CLB luôn tìm mọi cách “khóa chân” cầu thủ bằng những điều khoản giải phóng hợp đồng khổng lồ, khiến cho những cầu thủ muốn ra đi không thể “mua” lại được sự tự do của chính mình.


“Cần phải nhớ lại luật Bosman. Lúc đầu, hầu như không ai tin vào điều đó, nhưng nó đã làm thay đổi thế giới bóng đá bằng cách thiết lập nên sự chuyển dịch tự do của các cầu thủ”, Philippe Piat, Phó Chủ tịch của FIFPro, cho biết, “Đơn kiện mà chúng tôi sẽ gửi đi, có thể sẽ tạo nên một cơn địa chấn mới”.


Các đội bóng là những mục tiêu tấn công chính của FIFPro, bởi hệ thống chuyển nhượng hiện hành đang đảm bảo cho các đội bóng được thu lợi trong bất cứ vụ chuyển nhượng nào. Họ chấp nhận tăng lương cho các cầu thủ khi gia hạn hợp đồng, nhưng đằng sau đó là ý định muốn bán lại cầu thủ với giá cao hơn.


Thật khó có thể tưởng tượng ra một thế giới bóng đá không còn thị trường chuyển nhượng, nhưng hành động của FIFPro có thể dẫn đến những thay đổi căn bản của thị trường trong những năm tới. Dự kiến, những quy định chặt chẽ hơn rất nhiều sẽ được thiết lập, nhằm tạo thêm cơ hội cầu thủ được lựa chọn đội bóng cho mình. Họ sẽ có thể được đến bất cứ đội bóng nào mong muốn, vào bất cứ thời điểm nào, đổi lại một khoản tiền bồi thường không đáng kể, ngay cả khi đó là một cầu thủ trẻ mới ký hợp đồng chuyên nghiệp.


Nếu vậy, thị trường chuyển nhượng dự kiến cũng sẽ không còn tồn tại những bản hợp đồng “bom tấn”, do thương lượng giữa các đội bóng khi đó không còn có tính quyết định tới vụ chuyển nhượng. Điều này cũng đồng nghĩa với việc cơn bão giá liên quan đến chi phí bồi thường hợp đồng và mức lương cầu thủ kể từ 2 thập kỷ qua, có thể sẽ bị chặn lại.


Nhìn chung, vụ kiện của FIFPro dự kiến sẽ mất nhiều thời gian, có thể sẽ không ít hơn vụ kiện kéo dài hơn 5 năm của Bosman trước đây. Tuy nhiên, để bảo vệ quyền lợi của cầu thủ và xóa bỏ tình trạng giá chuyển nhượng cứ tăng chóng mặt trong những năm gần đây (thu lợi cho các CLB), FIFPro khẳng định sẽ theo đuổi vụ việc này tới cùng.

 

Song Long

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN