Là một trong những niềm hy vọng vàng của điền kinh Việt Nam, Quách Thị Lan đang được đầu tư mạnh, để tấn công không chỉ đấu trường SEA Games, mà cả Asiad và Olympic.
Cô gái Mường tài năng
Cái tên Quách Thị Lan đã trở nên nổi tiếng trong khoảng 1 năm trở lại đây. Bắt đầu từ giải điền kinh vô địch quốc gia năm 2012, Lan đã được nhìn nhận là một trong những tài năng hiếm có, với nhiều tiềm năng có thể phát triển thành một ngôi sao trên đường chạy khu vực Đông Nam Á và châu Á.
Tháng 10/2012, Lan đã gây sửng sốt đối với giới chuyên môn, bằng những bước chạy hết sức ấn tượng tại giải VĐQG. Khi đó mới 17 tuổi, Lan đã giành Huy chương Vàng nội dung 400 m rào nữ và thành tích 57 giây 36 của cô đã phá kỷ lục quốc gia đã tồn tại suốt hơn 10 năm của Nguyễn Thanh Hoa (57 giây 97).
Thậm chí, thành tích này còn vượt 5% giây so với thành tích HCV SEA Games và chỉ kém 6% giây so với thành tích HCĐ châu Á.
Chưa hết, tại nội dung 400 m nữ của giải, Lan cũng dễ dàng cán đích đầu tiên, với thành tích 53 giây 25. Thành tích này vượt 88% giây so với HCV SEA Games, hơn HCB châu Á 10% giây và chỉ kém HCV châu Á 36% giây.
Quách Thị Lan hội đủ yếu tố để trở thành một ngôi sao điền kinh châu lục. Quang Thắng |
Hai tấm HCV kể trên của Lan ấn tượng ở chỗ, cô mới chỉ tập chuyên sâu từ năm 2010. Trong đó, nội dung 400 m được xem là nội dung ưa thích của Lan, còn 400 m rào thì cô mới chỉ bắt đầu làm quen… vài tháng trước giải VĐQG 2012. Theo HLV của Lan, ông Lưu Văn Hùng (VĐV điền kinh cự ly dài nổi danh một thời), Lan có nhiều tiềm năng hơn ở nội dung 400 m rào, bởi cô có chiều cao lý tưởng 1,74 m và sải chân dài hơn 1 m.
Với Lan, tài năng đúng là do thiên phú. Cô gái dân tộc Mường này là người con của xã Ngọc Liên, huyện Ngọc Lặc, tỉnh Thanh Hóa. Trước khi được lãnh đạo bộ môn điền kinh của Sở VH,TT&DL Thanh Hóa phát hiện và mời xuống tập luyện Trung tâm TDTT của tỉnh năm 2010, Lan vẫn chỉ tham gia “cho vui” ở các giải chạy học sinh ở xã, ở huyện. Chạy là ham thích của Lan từ nhỏ và khi đó, cô không hề biết thể thao đỉnh cao là gì. Tuy nhiên, sự khác biệt lớn về chỉ số thành tích giữa Lan với các bạn bè cùng trang lứa tại các giải chạy phong trào đó đã khiến các nhà chuyên môn không thể thờ ơ.
Rất nhanh, cũng giống như người anh trai Quách Công Lịch (VĐV điền kinh cự ly 400 m), nhờ sức vóc hơn người và năng khiếu, Lan đã có những bước tiến dài khi được tập luyện tại Trung tâm TDTT tỉnh. Mọi giới hạn dần trở nên nhỏ bé đối với Lan: Cô được đưa ra Trường Đại học TDTT Từ Sơn (Hà Nội) tập luyện và học văn hóa năm 2011 và đến tháng 9/2012 thì được triệu tập vào ĐTQG. Rồi sau đó 1 tháng, Lan xô đổ kỷ lục quốc gia như đề cập ở trên.
Những mục tiêu dài hạn
Chứng kiến sự bùng nổ của Lan tại giải VĐQG 2012 và xác định đây là một tài năng hiếm, lãnh đạo Sở VHTTDL Thanh Hóa đã quyết định tìm phương án đầu tư cho “viên ngọc thô” này. Với sự hỗ trợ của Tổng cục TDTT về tư vấn và một phần kinh phí, từ đầu tháng 6/2013, Lan cùng với 3 VĐV khác của Thanh Hóa (Công Lịch, Nguyễn Thị Phương, Lê Trọng Giang) đã được hưởng một chương trình đào tạo, tập huấn ở nước ngoài trong vòng 6 tháng. Tổng kinh phí của chương trình này là 4 tỷ đồng, trong đó tỉnh Thanh Hóa chi 3,4 tỷ đồng.
“Kế hoạch đưa VĐV Quách Thị Lan rời Bulgaria, về Malaysia tập huấn là hoàn toàn phù hợp với điều kiện thực tế”.
Tổng cục trưởng Tổng cục TDTT, ông Vương Bích Thắng |
Ở đây, Tổng cục TDTT cũng đã xác định Lan nằm trong số các VĐV cần được đầu tư trọng điểm cho những mục tiêu dài hạn, như Asiad 2014 và 2019, cũng như Olympic 2016, nên phương án Nhà nước và địa phương cùng san sẻ kinh phí rất được ủng hộ và điều này cũng hợp lý trong bối cảnh hiện nay.
Gần đây, dư luận đã bàn tán rất nhiều về việc Lan đột ngột ngừng tập huấn tại Bulgaria, để chuyển hướng sang Malaysia và bỏ tham dự giải VĐQG 2013. Nhiều ý kiến đã bày tỏ sự lo ngại cho kế hoạch tập luyện của Lan, sợ Lan rơi vào tình thế “ở giữa hai làn đạn” giống như Lý Hoàng Nam ở môn quần vợt, ảnh hưởng đến thành tích chuyên môn.
Tuy nhiên, theo ông Dương Đức Thủy, Trưởng bộ môn điền kinh (Tổng cục TDTT), sự thay đổi về địa điểm tập huấn của Lan là nằm trong dự kiến. Do hạn visa của Lan tại Bulgaria tối đa chỉ là 90 ngày/giai đoạn, nên kết thúc 3 tháng đầu tiên tập huấn tại đây, Lan phải trở về Việt Nam vào đầu tháng 9 để xin gia hạn. Mặc dù vậy, xét thấy điều kiện thời tiết tại Bulgaria bắt đầu chuyển sang mùa lạnh, nên sau khi trao đổi với phía Sở VHTTDL Thanh Hóa, Lan đã được đưa sang Malaysia và tập luyện tại một trung tâm hiện đại và được Liên đoàn điền kinh quốc tế (IAAF) xếp hạng, có khí hậu tương đồng với Việt Nam.
Hiện tại, bộ môn điền kinh (Tổng cục TDTT) cũng đang tiến hành làm các thủ tục mời chuyên gia Bulgaria sang Malaysia, tiếp tục đồng hành với Lan trong quá trình tập huấn ở đây.
Ông Dương Đức Thủy nhấn mạnh, thành tích của Lan trong suốt quá trình tập huấn vừa qua ở nước ngoài là khá tốt và tin tưởng Lan sẽ đạt kết quả cao tại SEA Games 27. Tất cả đều đang chờ đợi câu trả lời thực tế của Lan trên đường chạy Myanmar cuối năm nay.
Bảo An