Tiếp tục Phiên họp thứ 26, sáng 12/3, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự án Luật Căn cước công dân. Nhất trí về sự cần thiết ban hành Luật Căn cước công dân, các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng, việc xây dựng và ban hành luật nhằm luật hóa những quy phạm pháp luật đã được thực hiện ổn định, đồng thời đáp ứng yêu cầu đổi mới hoạt động quản lý nhà nước, cải cách thủ tục hành chính trong lĩnh vực quản lý dân cư theo hướng đơn giản, hiện đại, công khai, minh bạch, tạo thuận lợi cho người dân trong thực hiện thủ tục hành chính.
Về bảo đảm sự phù hợp với Hiến pháp, tính thống nhất trong hệ thống pháp luật và tính khả thi của dự án luật, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng đề nghị tư duy làm luật phải xuất phát từ tinh thần phục vụ nhân dân, giữ mối quan hệ giữa nhân dân với Nhà nước, bảo vệ nhân dân...
Liên quan đến các quy định về chứng minh nhân dân, các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhất trí như dự thảo luật về cấp và quản lý chứng minh nhân dân, vì đây là hoạt động phục vụ công tác quản lý nhà nước, bảo đảm an ninh - trật tự, đáp ứng yêu cầu kinh tế - xã hội và giao dịch của người dân. Tuy nhiên, các đại biểu đề nghị Chính phủ cần làm rõ mối quan hệ giữa việc cấp chứng minh nhân dân với việc thực hiện cấp số định danh cá nhân và phát triển ứng dụng thẻ công dân điện tử để giảm giấy tờ công dân trong lĩnh vực quản lý hộ tịch, quản lý cư trú, quản lý trật tự xã hội và các lĩnh vực khác có liên quan để bảo đảm thống nhất, hiệu quả, khả thi trong các điều luật.
Công chứng viên được chứng nhận bản dịch
Chiều 12/3, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thảo luận về một số vấn đề lớn còn có ý kiến khác nhau của dự án Luật Công chứng (sửa đổi) và cho ý kiến về việc sửa đổi, bổ sung Nghị quyết số 35/2012/QH13 về việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội, Hội đồng nhân dân bầu hoặc phê chuẩn.
Qua thảo luận đa số ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội tán thành giao cho công chứng viên thực hiện việc chứng nhận bản dịch giấy tờ, chứng thực chữ ký, chứng thực bản sao như các cơ quan hành chính nhà nước quy định tại Nghị định 79/2007/NĐ - CP để tạo thuận tiện cho người dân cũng như giảm áp lực công việc cho các cơ quan hành chính.
Thảo luận độ tuổi hành nghề của công chứng viên (Điều 35), Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng và nhiều ý kiến đại biểu tán thành với phương án quy định công chứng viên được hành nghề đến khi đủ 65 tuổi, không phân biệt nam, nữ. Công chứng viên của các phòng công chứng sau khi đã nghỉ hưu theo quy định của Luật Viên chức có thể tiếp tục hành nghề công chứng tại Văn phòng công chứng cho đến khi đủ 65 tuổi.
TTN