Trao đổi với Tin Tức, bà Đỗ Thị Ninh Xuân, Cục phó Cục Phòng chống tệ nạn xã hội (Bộ LĐ-TB&XH) cho biết, một cộng đồng lành mạnh với một hệ thống sẵn có về dịch vụ điều trị nghiện ma túy, giảm các tác động tiêu cực liên quan đến sức khỏe, xã hội và HIV/AIDS là một mục tiêu mà việc cai nghiện tại cộng đồng hướng đến. Điều này còn quyết định sự bền vững của hiệu quả cai nghiện.
Chúng ta đang triển khai dự án “Chăm sóc người sử dụng và lệ thuộc ma túy tại cộng đồng ở Việt Nam”. Việc này sẽ có tác dụng ra sao đối với chất lượng cai nghiện tại cộng đồng hiện nay?
Cơ quan phòng chống tội phạm về ma túy của Liên hợp quốc (UNODC) đang hỗ trợ 3 địa phương thực hiện dự án này. Mục tiêu đầu tiên chúng tôi đặt ra là xây dựng một mô hình về cai nghiện tại cộng đồng. Mô hình này bao gồm các dịch vụ được thực hiện một cách liên tục, đồng bộ, toàn diện và có kết nối. Đặc biệt, có sự tham gia của cộng đồng.
Thông qua quá trình thực hiện, chúng tôi hy vọng sẽ nâng cao nhận thức của các cấp chính quyền địa phương, người dân về mối liên hệ giữa nghiện ma túy và các vấn đề liên quan đến HIV.
Và cuối cùng, chúng tôi mong muốn hỗ trợ được tối đa để người nghiện ma túy có thể tham gia chương trình cai nghiện và cai nghiện hiệu quả.
Hình thức chăm sóc người nghiện sau cai thời gian qua chưa hiệu quả. Xin bà cho biết thời gian tới, sẽ có những thay đổi nào để cải thiện tình hình này?
Trước đây, công tác chăm sóc sau cai, chủ yếu giao cho chính quyền địa phương thăm hỏi, động viên, giúp đỡ. Nhưng tới đây, chúng ta sẽ cố gắng để xây dựng được một công cụ về tư vấn đối với người nghiện ma túy, có dự phòng tái nghiện, kỹ năng khuyến khích động viên để sau cai, người nghiện sẽ duy trì được kết quả cai nghiện.
Bên cạnh đó, tiếp tục kết nối các hoạt động học nghề, học văn hóa, hỗ trợ vốn tạo việc làm, hỗ trợ kinh phí học nghề cho người nghiện. Những hỗ trợ này đều dựa trên đánh giá nhu cầu của họ. Tiếp đến là kết nối việc hỗ trợ bằng tài chính, các nguồn hỗ trợ về kỹ thuật và các hỗ trợ thông qua theo dõi, giám sát động viên đối tượng.
Để công tác quản lý sau cai đạt hiệu quả không chỉ cần sự quyết tâm của người nghiện, sự quan tâm của chính quyền mà phải có một loạt các dịch vụ để hỗ trợ hoạt động đó.
Nhiều địa phương phản ánh, để kết quả cai nghiện được bền vững, nói cách khác, tức là để người nghiện không tái nghiện, cái khó nhất là dạy nghề và tạo việc làm cho người sau cai. Bà có suy nghĩ gì về điều này?
Khi nhìn bề ngoài, đây dễ được coi là cái khó nhất. Nhưng thực tế, có nhiều người sau cai, có việc họ cũng không làm. Điều quan trọng nhất là giảm sự kỳ thị phân biệt của cộng đồng để họ cảm thấy được cộng đồng tôn trọng, để họ tham gia và nhận hỗ trợ từ cộng đồng. Chẳng hạn, họ đến lớp học nghề, bị xa lánh thì họ học nghề cũng không kết quả. Nên quan trọng là giảm được sự kỳ thị phân biệt đối xử. Hai là, cùng với đó, hỗ trợ học nghề cũng phải dựa trên nhu cầu của họ.
Bên cạnh đó, việc tư vấn, chăm sóc sức khỏe, hỗ trợ học nghề, tạo việc làm, bầu không khí trong gia đình, địa phương rất cần thiết để họ cai nghiện thành công.
Xin cảm ơn bà!
Mạnh Minh (thực hiện)