Trong khi tại nhiều địa phương trong cả nước, việc nuôi nhím đang gặp nhiều khó khăn do thiếu “đầu ra” khiến nhiều người nuôi nhím lao đao, thì tại Quảng Bình, với phương thức nuôi hiệu quả, biết cách tìm “đầu ra”, cho sản phẩm, nên nghề nuôi nhím đã giúp nhiều hộ nông dân vươn lên làm giàu. Gia đình chị Nguyễn Thị Thao (sinh năm 1973) ở thôn Chánh Hòa, xã Nam Trạch, huyện Bố Trạch (Quảng Bình), là một trong những gia đình đã mạnh dạn huy động nguồn vốn gần 200 triệu đồng từ gia đình và vay ngân hàng, đầu tư xây dựng chuồng trại để nuôi nhím và bước đầu đã thành công.
Cũng như bao gia đình khác ở vùng quê nghèo khó huyện Bố Trạch, gia đình chị Thao trải qua đủ nghề, nhưng cái nghèo cái đói vẫn đeo bám. Năm 2000, anh Trần Đình Nguyên, chồng chị Thao đã quyết định đi xuất khẩu lao động ở Hàn Quốc. Nhận những tháng tiền lương chồng gửi về, chị Thao trằn trọc thức trắng nhiều đêm suy nghĩ, tìm hướng phát triển kinh tế.
Chị Nguyễn Thị Thao nuôi nhím lãi hàng trăm triệu đồng mỗi năm. |
Sau nhiều lần nghiên cứu, chị Thao mạnh dạn đầu tư nuôi nhím. Đầu năm 2007, với số vốn 100 triệu đồng, chị vay thêm gần 80 triệu đồng, quy hoạch, xây dựng trang trại với hệ thống chuồng trại khép kín, đúng kỹ thuật. Thời điểm đó, anh Nguyên vẫn làm ăn ở xa, một mình chị Thao khăn gói vào Thành phố Hồ Chí Minh tìm tòi, học hỏi kỹ thuật nuôi nhím, kinh nghiệm chăm sóc, phòng trị bệnh… Chị Thao tìm vào Củ Chi mua 9 cặp nhím giống (9 đực, 9 cái) với giá 13 triệu đồng/cặp về nuôi. Chị dành một khoảng đất chừng mấy chục m2, ngăn thành từng chuồng xây gạch, lợp mái che. Không để đất vườn hoang phí, chị tận dụng trồng thêm các loại rau xanh, củ quả để tạo nguồn thức ăn cung cấp cho gia đình và nuôi nhím.
Thời gian đầu, do chưa có kinh nghiệm chăn nuôi nên hiệu quả kinh tế chưa cao. Nhận thấy nhu cầu tiêu thụ nhím trên thị trường ngày càng cao do thịt nhím rất bổ dưỡng, nhiều bộ phận như ruột, gan, dạ dày, mật, lông... là các loại thuốc chữa bệnh rất hiệu quả, nên năm 2009, chị đầu tư thêm gần 100 triệu đồng, tu sửa và xây thêm các ô nuôi. Từ những con giống ban đầu, đến nay gia đình chị Thao đã có hơn 50 con nhím với 22 nhím cái đang trong thời kỳ sinh sản, 10 nhím đực và 18 nhím con; thu nhập 200 - 300 triệu đồng/năm từ bán nhím giống. Năm 2011, gia đình chị Thao xuất bán được 15 cặp nhím giống với giá đỉnh điểm có cặp lên đến 40 triệu đồng/cặp, trừ chi phí gia đình chị thu được gần 300 triệu đồng. 6 tháng đầu năm nay, trang trại nuôi nhím của gia đình chị Thao đã xuất bán được 12 cặp nhím giống con, với giá thị trường 6 -7 triệu đồng/cặp, vợ chồng chị thu hơn 100 triệu đồng.
Nguồn thu từ nuôi nhím đã góp phần giúp gia đình chị Thao cải thiện kinh tế, vươn lên làm giàu chính đáng và còn tạo điều kiện cho các hộ gia đình có nhu cầu chăn nuôi được vay vốn, cung ứng con giống, dành thời gian chia sẻ kinh nghiệm làm ăn, hướng dẫn kỹ thuật trồng và chăm sóc đến với từng người. Nhờ sự chia sẻ của chị Thao, đến nay trên địa bàn xã Nam Trạch và các xã của huyện Bố Trạch đã có hàng chục hộ nuôi nhím sinh sản cung cấp giống và thịt thương phẩm cho thị trường trong và ngoài tỉnh, góp phần nâng cao thu nhập cho người dân.
Chị Thao cho biết, trên thị trường, giá giống nhím bố mẹ hiện từ 30 - 40 triệu đồng/cặp, nuôi từ 1 - 1,5 năm là nhím có thể sinh sản được. Nhím mẹ mỗi năm sinh sản khoảng 2 lần và mỗi lần có thể sinh từ 1 đến 3 con. Nhím lớn nhanh, chỉ 2 tháng tuổi đã nặng từ 2 - 3,5 kg, sau một năm có thể lên tới 10 kg. Nhím giống con khoảng 2 tuổi có thể xuất bán với giá từ 6 - 7 triệu đồng/cặp; từ 3 - 5 tháng tuổi giá từ 13 - 15 triệu đồng/cặp. Nhím là động vật hoang dã, ăn tạp, có sức đề kháng cao, dễ thích nghi với môi trường, ít bị bệnh. Khi đầu tư xây dựng chuồng trại cần phải thoáng mát, sạch sẽ, thức ăn cho nhím cũng dễ mua, dễ kiếm, chủ yếu là các loại rau, củ, quả. Một ngày có thể cho nhím ăn 3 lần, nhưng do nhím là loài động vật ăn đêm nên bữa ăn tối là bữa ăn chính. Nhím cũng không nên nuôi quá béo, vì béo quá nhím khó sinh sản được, một chuồng có thể nuôi 2 nhím cái, 1 nhím đực sẽ mang lại hiệu quả cao hơn.
Bài và ảnh: Võ Thị Dung