Ngày nay, xa quê biền biệt, cứ mỗi lần Tết đến Xuân về, tôi lại nhớ về quê ngoại yêu dấu với những ký ức không bao giờ quên. Có đêm, trong giấc mơ chập chờn hiện về đoàn người rước kiệu trên cánh đồng làng; nghe tiếng chiêng trống đánh vang rền khi tế lễ...
Quê ngoại tôi họ Nguyễn, ở làng cổ Túy Loan (xã Hòa Phong, huyện Hòa Vang), nằm về hướng Tây Nam của thành phố Đà Nẵng. Cứ đi theo quốc lộ 14B khoảng 15 km sẽ đến địa phận làng cổ. Dòng sông quê ngoại tôi mang cùng tên làng “Túy Loan” uốn lượn, ôm ấp lấy làng. Phong cảnh ở đây rất nên thơ, mộc mạc, hữu tình và tiềm ẩn nhiều điều thú vị. Thời thơ ấu, cứ vào sáng mùng chín Tết, cậu Sáu dẫn các anh em “con cô con cậu” chúng tôi về làng Túy Loan để thăm ông bà bên ngoại.
Từ thôn Đông Lâm chúng tôi đi qua các thôn Hòa Phước, An Tân, men theo con đường đất hẹp, gồ ghề vắt qua triền đồi, phía dưới một bên là dòng sông Túy Loan êm ả chảy về xuôi. Đi bộ gần 2 tiếng đồng hồ, qua mấy mép rừng, cánh đồng và những đoạn sông, bầu trời trong xanh, hai bên đường hoa dại đua nở. Trời đã vào Xuân, cảnh trí nơi tươi đẹp, dù mệt và mỏi chân nhưng anh em chúng tôi vẫn rất phấn kích.
Nhà thờ tộc Nguyễn đứng rêu phong cổ kính bên những cây xoài cổ thụ. Sau nghi lễ thắp hương ông bà, cậu đưa chúng tôi đi từng nhà bà con để thắp hương. Nhà nào cũng sạch sẽ từ cổng đến vườn, sân. Trên bàn thờ, nhà nào cũng có hoa quả và nhiều loại bánh như bánh tét, bánh in, bánh khô…
Chúng tôi thấy có loại một bánh được đựng trong giỏ tre, xa trông như một tổ chim lại gần thì sực nức hương gừng. Chúng tôi đòi ăn, người bà con chiều mấy vị khách “tí hon” bèn đem vào bếp xắt ra và chiên với dầu phụng. Ôi những lát bánh tổ thơm, nóng, ngọt ngào với hương vị thanh thoát hòa quyện với mùi hương, trầm và hương hoa vạn thọ nở rộ trong tiết xuân, giữa không gian se lạnh của tiết lập xuân quê ngoại.
Sáng mùng Mười, cậu tôi đưa chúng tôi xem lễ hội cúng đình làng cổ Túy Loan nằm bên dòng sông Túy thơ mộng. Cậu cho biết, đình làng Túy Loan là nơi thờ tự năm vị tiền hiền Đặng, Lâm, Nguyễn, Trần, Lê. Khi xưa, năm vị tuân chiếu vua Lê Thánh Tôn đi mở mang bờ cõi về phương Nam (năm Hồng Đức nguyên niên, 1470), thấy nơi đây phong cảnh hữu tình, đất đai màu mỡ, chư vị đã dừng chân để lập nghiệp khai khẩn làm ăn, đặt tên là làng Túy Loan. Trải qua bao thăng trầm của thời gian, đình cổ Túy Loan vẫn giữ được nét uy nghi trầm mặc, cổ kính rêu phong. Đình làng Túy Loan được xây dựng lần cuối cùng vào năm Thành Thái thứ nhất (1889).
Trước mắt tôi, người người nô nức kéo về đây trẩy hội, đông vui trên bến dưới thuyền. Đẹp nhất là lễ rước sắc phong đi quanh cánh đồng, làng mạc sau đó rước kiệu về đình để tế lễ đầu Xuân, cầu cho quốc thái dân an, mưa thuận gió hòa, mùa màng tươi tốt. Dưới dòng sông thì tổ chức đua ghe, hai bên bờ vang lên tiếng trống dục người reo; trong sân đình còn có nhiều trò chơi dân gian vui nhộn như bịt mắt bắt vịt, đẩy gậy, kéo co...; thi chế biến các món ăn đặc sản như mì Quảng, bánh tét, bánh tráng, bánh khô... thơm ngon nổi tiếng. Buổi tối, mọi người nô nức kéo về đình xem hát bội.