Quốc hội nhiệm kỳ khóa XII (2007 – 2011): Đáp ứng được yêu cầu đổi mới trong hoạt động

Chất vấn và trả lời chất vấn tại các kỳ họp Quốc hội khóa XII có sự đổi mới đáng kể. Ảnh: Nguyễn Dân - TTXVN

Quốc hội khóa XII được cử tri cả nước bầu ra ngày 20/5/2007 và hoạt động trong bối cảnh vừa có những thuận lợi cơ bản, vừa có những khó khăn thách thức. Công cuộc đổi mới toàn diện đất nước do Đảng Cộng sản Việt Nam khởi xướng và lãnh đạo sau hơn 20 năm đã đạt được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử.

Hoạt động lập pháp có nhiều tiến bộ cả về lượng và chất

Báo cáo “Tổng kết hoạt động của Quốc hội nhiệm kỳ khóa XII” (2007 – 2011) do Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng trình bày tại Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XII đã khẳng định: Hoạt động lập pháp tiếp tục được đẩy mạnh, có nhiều tiến bộ cả về số lượng, chất lượng và quy trình, thủ tục; cơ bản đáp ứng được yêu cầu đổi mới, xây dựng và bảo vệ đất nước.

Những tiến bộ trong hoạt động lập pháp cũng được nêu rõ: Với sự phấn đấu nỗ lực, không ngừng đổi mới, trong 4 năm, Quốc hội đã thông qua được luật, 12 nghị quyết; Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua 13 pháp lệnh và 7 nghị quyết có chứa quy phạm pháp luật. Các văn bản pháp luật được ban hành bảo đảm tính hợp hiến, hợp pháp, thống nhất, đồng bộ, đáp ứng kịp thời yêu cầu quản lý và điều hành kinh tế- xã hội của đất nước.

Nội dung các đạo luật điều chỉnh bao gồm hầu hết các lĩnh vực, từ quy trình, thủ tục ban hành văn bản quy phạm pháp luật đến các vấn đề về kinh tế, xã hội, văn hóa, giáo dục, khoa học, công nghệ, môi trường, quốc phòng, an ninh, đối ngoại, tổ chức bộ máy nhà nước, hành chính, dân sự, hình sự, tư pháp, quản lý, sử dụng tài sản nhà nước; quản lý nợ công; trưng mua, trưng dụng tài sản; thuế sử dụng đất nông nghiệp, tài nguyên, thu nhập cá nhân... Đồng thời, quan tâm sửa đổi, bổ sung kịp thời một số chế định pháp luật không còn phù hợp thuộc các lĩnh vực: Ngân hàng; tín dụng; thuế; đầu tư xây dựng cơ bản; phòng, chống tham nhũng; quốc tịch; giao thông đường bộ; xuất bản; sở hữu trí tuệ... để đáp ứng nhu cầu hội nhập, phát triển kinh tế, bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn xã hội.

Quy trình lập pháp tiếp tục được đổi mới, cải tiến theo hướng nâng cao chất lượng, tăng tính chủ động, cụ thể trong văn bản pháp luật. Một số khâu trong quy trình lập pháp đã có sự thay đổi, bảo đảm khoa học, dân chủ và chặt chẽ hơn.

Công tác thẩm tra dự án luật, pháp lệnh được tiến hành tích cực, có sự phân công rõ ràng cơ quan chủ trì, cơ quan phối hợp. Các cơ quan của Quốc hội đã chủ động nghiên cứu, khảo sát thực tế, tham khảo, lấy ý kiến đối tượng chịu sự tác động trực tiếp của văn bản, các chuyên gia, nhà khoa học, ý kiến của cử tri. Vì vậy, các báo cáo thẩm tra bảo đảm chất lượng, thể hiện rõ chính kiến, có tính phản biện cao, có cơ sở khoa học và thực tiễn hơn. Công tác chỉnh lý, hoàn thiện văn bản trước khi trình Quốc hội thông qua được Ủy ban Thường vụ Quốc hội chỉ đạo, tổ chức thực hiện nghiêm túc, thận trọng.

Các đoàn đại biểu Quốc hội đã có nhiều hình thức thảo luận, tổ chức lấy ý kiến đóng góp của các cơ quan, tổ chức hữu quan và cá nhân ở địa phương vào các dự án luật. Các đại biểu Quốc hội đã nêu cao tinh thần trách nhiệm, chủ động nghiên cứu, tích cực đóng góp ý kiến để nâng cao chất lượng văn bản ban hành.

Việc công khai dự thảo văn bản trên các phương tiện thông tin đại chúng, nhất là trên các trang thông tin điện tử đã tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp kịp thời nắm bắt được dự kiến những thay đổi về chính sách, pháp luật để đóng góp ý kiến xây dựng văn bản và chuẩn bị các điều kiện cho việc thực hiện sau này.

Đổi mới công tác giám sát

Giám sát là 1 trong 3 chức năng, nhiệm vụ của Quốc hội, tại nhiệm kỳ này được hầu hết cử tri trên cả nước đánh giá có nhiều đổi mới về cách thức tiến hành, đặc biệt là việc giám sát chuyên đề... Thông qua giám sát đã kịp thời phát hiện và có các kiến nghị nhằm điều chỉnh, bổ sung, phát huy tính tích cực, giảm thiểu những hệ lụy nảy sinh từ chính sách; chấn chỉnh kịp thời các sai sót, khuyết điểm, thúc đẩy thực hiện tốt các nhiệm vụ. Nội dung giám sát tập trung vào những vấn đề bức xúc của cuộc sống, bao quát hầu hết các lĩnh vực. Đặc biệt, Quốc hội đã tiến hành giám sát tối cao 6 chuyên đề và ra nghị quyết nêu rõ yêu cầu, nhiệm vụ cụ thể mà Chính phủ, các cơ quan liên quan phải tập trung thực hiện, trong đó có nội dung được giám sát hai lần như đầu tư xây dựng cơ bản sử dụng vốn nhà nước ở các bộ, ngành, địa phương.

Tổng Bí thư , Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng đọc Diễn văn bế mạc kỳ họp họp thứ chín, Quốc hội khoá XII. Ảnh: Trí Dũng - TTXVN


Xung quanh chất vấn và trả lời chất vấn, Báo cáo Tổng kết nhiệm kỳ cũng khẳng định tiếp tục được cải tiến mạnh mẽ theo hướng tập trung hơn, thực chất hơn, phản ánh sát thực tâm tư, nguyện vọng của cử tri và nhân dân, làm rõ thêm tình hình, nguyên nhân, chỉ ra trách nhiệm và giải pháp nhằm thúc đẩy thực hiện chủ trương, chính sách của Đảng và nghị quyết của Quốc hội. Cách thức tiến hành chất vấn được cải tiến theo nhóm vấn đề với sự tham gia của Thủ tướng, Phó Thủ tướng Chính phủ và nhiều bộ trưởng, trưởng ngành; tăng thời gian đối thoại, tạo không khí cởi mở, thẳng thắn. Sau chất vấn, các cá nhân và cơ quan có liên quan đã nghiêm túc xem xét những vấn đề đại biểu nêu lên, như rà soát quy hoạch, quản lý cấp phép sân golf; điều hành thu mua xuất khẩu gạo; xây dựng một số công trình thủy điện vừa và nhỏ; quản lý thị trường ngoại hối, thị trường vàng; chăm sóc sức khỏe nhân dân, chính sách đối với người có công...

Quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước

Có thể nói, nhiệm kỳ Quốc hội khóa XII tuy ngắn hơn các nhiệm kỳ khác, nhưng khối lượng công việc lại nhiều, rất lớn, đặc biệt là việc quyết định nhiều vấn đề quan trọng của đất nước... Và dù trong bối cảnh tình hình thế giới tác động bất lợi đến phát triển kinh tế - xã hội, Quốc hội đã nêu cao tinh thần trách nhiệm, tập trung trí tuệ, lắng nghe ý kiến, kiến nghị của cử tri; thảo luận, tranh luận thẳng thắn và đề ra những giải pháp phù hợp, góp phần làm chuyển biến tình hình, bảo đảm ổn định và phát triển đất nước. Các Nghị quyết của Quốc hội về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội hàng năm; về ưu tiên kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội, phấn đấu duy trì tăng trưởng hợp lý; về điều chỉnh mục tiêu tổng quát, một số chỉ tiêu chủ yếu (tốc độ tăng trưởng kinh tế, kim ngạch xuất khẩu, tỷ lệ bội chi ngân sách nhà nước…); phát hành trái phiếu Chính phủ để tập trung xây dựng những công trình giao thông, thủy lợi, giáo dục, y tế… phù hợp với tình hình thực tế, đã góp phần cùng Chính phủ, các cấp, các ngành khắc phục khó khăn thách thức, đạt và vượt chỉ tiêu kế hoạch đề ra...

Các Nghị quyết về ngân sách ngày càng được nâng cao về chất lượng, góp phần giữ vững các cân đối vĩ mô, cân đối ngân sách nhà nước một cách tích cực; đẩy mạnh sự phân công, phân cấp, tạo sự chuyển biến quan trọng, chủ động trong quản lý, điều hành ngân sách nhà nước. Đồng thời, bảo đảm những điều kiện vật chất để xử lý kịp thời các vấn đề cấp bách phát sinh; đẩy mạnh công tác cải cách hành chính, nhất là trong quản lý, điều hành ngân sách nhà nước.

Các quyết định về chủ trương đầu tư dự án thủy điện, điện hạt nhân; về rút ngắn nhiệm kỳ Quốc hội; kéo dài nhiệm kỳ Hội đồng nhân dân; điều chỉnh địa giới hành chính; thí điểm không tổ chức Hội đồng nhân dân huyện, quận, phường… đều được Quốc hội xem xét kỹ lưỡng, thận trọng, bảo đảm quy trình chặt chẽ, dân chủ, công khai, gắn với việc thực hiện chức năng giám sát, nhất là quy trình thông qua các vấn đề kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước…

Tiếp tục tăng cường năng lực và chất lượng hoạt động của Quốc hội

Theo phương hướng trong thời gian tới, nhiệm kỳ khóa XIII, Quốc hội sẽ tiếp tục tăng cường năng lực và nâng cao hơn nữa chất lượng hoạt động lập pháp của Quốc hội, bảo đảm tốt hơn tính dân chủ, pháp chế, công khai, minh bạch của hệ thống pháp luật…; nâng cao hơn nữa chất lượng, hiệu lực, hiệu quả giám sát của Quốc hội…; đề cao hơn nữa trách nhiệm và nâng cao chất lượng quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước, nhất là các vấn đề về kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước, tổ chức và nhân sự bộ máy nhà nước, bảo đảm lợi ích chung của quốc gia, phù hợp với ý chí và nguyện vọng của nhân dân…; đẩy mạnh hoạt động đối ngoại của Quốc hội, góp phần thực hiện có kết quả chính sách đối ngoại rộng mở, đa phương hóa, đa dạng hóa các quan hệ đối ngoại của Đảng, Nhà nước và nhân dân; tăng cường công tác thông tin đối ngoại của Quốc hội; tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Phát huy vai trò của Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội theo hướng nâng cao hơn nữa trách nhiệm của các cơ quan này…; tăng cường đại biểu Quốc hội chuyên trách, thành viên chuyên trách các cơ quan của Quốc hội. Có cơ chế thích hợp để đại biểu Quốc hội thực hiện tốt hơn nhiệm vụ đại diện cho nhân dân ở đơn vị bầu cử và nhân dân cả nước…

NC

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN