Tại phiên thảo luận, hai bộ trưởng Cao Đức Phát và Vũ Huy Hoàng đã phát biểu cung cấp thêm thông tin về những vấn đề mà các đại biểu băn khoăn, kiến nghị.
Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát: Nâng giá trị nông sản
Để cải thiện nền nông nghiệp, Bộ đã tìm mọi cách thúc đẩy tăng trưởng nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và bền vững. Bộ NN&PTNT đã và đang thực hiện đề án tái cơ cấu trên cơ sở xem xét lại cơ cấu các ngành hàng, tập trung các cây, con có thể tăng giá trị, thu nhập cho nông dân. Điều chỉnh cơ cấu đầu tư, chính sách, kế hoạch khuyến nông, đào tạo và chấn chỉnh lại công tác quản lý Nhà nước. Thực tế, Bộ đã có các đề án cụ thể và cùng với các địa phương triển khai.
Trong việc quy hoạch đất lúa, Bộ NN&PTNT và Bộ Tài nguyên Môi trường đã tập trung vào xây dựng thông tư theo tinh thần giữ đất lúa nhưng người dân có thể chuyển đổi sang những cây trồng có thu nhập cao hơn. Dự kiến thông tư này được ban hành vào tuần sau.
Cá tra là ngành chúng ta có lợi thế. Việc quản lý kinh doanh và xuất khẩu cá tra sẽ hướng tới ngăn chặn tình trạng phá giá, phá uy tín, cạnh tranh không lành mạnh giữa các doanh nghiệp. Về lâu dài, Bộ sẽ điều chỉnh quy hoạch và chính sách để quản lý sản xuất kinh doanh cá tra, sản xuất theo mô hình chuỗi liên kết.
Với vấn đề cao su ở các tỉnh miền Trung, Bộ đã rất nghiêm túc rà soát lại toàn bộ. Thực tế, cây cao su đã được trồng ở miền Trung từ những năm 60 của thế kỷ trước. Trên cơ sở đó, chúng tôi đã trình và được Chính phủ phê duyệt hai lần về đề án trồng cây cao su. Chủ trương này cũng đã được đông đảo nhân dân và doanh nghiệp hưởng ứng. Thực tế, cây cao su đã cải thiện đời sống của người dân.
Nhưng vừa qua, cơn bão số 11 mạnh đã ảnh hưởng tới 22.000/58.000 ha cao su ở miền Trung. Nguyên nhân là do một số nơi trồng quá gần biển, trồng cây năng suất cao, nhưng cây cao nên dễ gãy… Do đó, chúng tôi đã nghiên cứu và đề xuất với Chính phủ hỗ trợ cho người trồng cao su ở những nơi phù hợp và có thể triển khai bảo hiểm cây cao su cho người dân.
Trong việc xây dựng thương hiệu, ví dụ cây lúa, trước đây chúng ta nghiên cứu và triển khai trồng nhiều giống lúa khiến năng suất, chất lượng không đồng đều trên cùng một địa phương. Do vậy, tôi đã chỉ đạo chọn lại một số giống lúa có năng suất cao, cho năng suất đồng nhất để tập trung xuất khẩu. Bên cạnh đó, Bộ NN&PTNT sẽ phối hợp với Bộ Công Thương để triển khai cụ thể công tác xây dựng các thương hiệu ngành hàng.
Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng: Mở thêm thị trường xuất khẩu
Về xuất khẩu gạo, Chính phủ đã điều chỉnh theo tinh thần tạo điều kiện cho các doanh nghiệp đáp ứng đủ tiêu chí: có kho tạm trữ, máy xay xát, có thể tiếp cận được thị trường và có hợp đồng với bà con nông dân có thể tham gia xuất khẩu gạo. Đặc biệt, doanh nghiệp hai năm liền không xuất khẩu được 10.000 tấn gạo trở lên sẽ bị rút giấy phép xuất khẩu.
Do vậy, từ năm 2012, chúng ta có 100 đầu mối xuất khẩu, đến nay đã tăng lên 200 doanh nghiệp có thể tham gia xuất khẩu gạo. Nhìn chung, các địa phương đều đồng tình với cơ chế chính sách xuất khẩu gạo.
Về vai trò thương lái, việc hoạt động của thương lái với tư cách là một bộ phận của doanh nghiệp là thực tế tồn tại nhiều năm. Thương nhân, thương lái cũng có vai trò trong việc bảo đảm an ninh lương thực, đảm bảo bình đẳng giữa các thành phần kinh tế từ sản xuất tới tiêu thụ. Do vậy, vai trò của thương lái cũng cần được đánh giá đúng mức.
Thực tế, từ lâu nay, phần lớn người nông dân trữ lúa ở khu vực sản xuất (trên cánh đồng), ít có kho bãi. Như vậy, việc tiêu thụ trông vào thương lái, trong khi các doanh nghiệp xuất khẩu lớn chưa có đủ điều kiện vươn tới các ngõ ngách. Nhưng vấn đề là làm sao duy trì và phát huy được vai trò của đội ngũ thương lái, hạn chế hiện tượng ép giá nông dân và có chính sách hỗ trợ trực tiếp người nông dân.
Trong việc tìm kiếm thị trường xuất khẩu, đặc biệt lúa gạo, thanh long, rau, quả. Chính phủ đã rất nỗ lực để thúc đẩy các hiệp định xuất khẩu với các nước, ví dụ xuất khẩu sang Indonesia 1,5 triệu tấn gạo/năm, Philippines 1 triệu tấn gao/năm, Cuba 200.000 tấn gạo/năm… tổng cộng khoảng 3,5 - 4 triệu tấn gạo, bằng một nửa lượng gạo xuất khẩu của Việt Nam.
Bên cạnh đó, Chính phủ cũng thúc đẩy đàm phán các hiệp định tự do thương mại với các nước, trong đó yêu cầu mở cửa thị trường nhập khẩu gạo, nông sản với EU, Hiệp định TPP, Liên minh Hải quan với Nga, Kazakhstan… những hiệp định này có thể đạt được năm 2014, giúp mặt hàng nông sản có thêm thị trường tiêu thụ.
Ngoài ra, các nền kinh tế đều có rào cản thương mại, nhưng với sự phối hợp nhịp nhàng giữa các bộ, ngành, chúng ta đã hạn chế được rào cản, ví dụ với sản phẩm tôm tại thị trường Mỹ đã không bị áp thuế, khiến xuất khẩu thị trường tôm tăng mạnh tại Hoa Kỳ.
Phi Sơn (ghi)