Quốc hội tiếp tục phiên chất vấn và trả lời chất vấn

Ngày 13/6, tiếp tục phiên chất vấn và trả lời chất vấn, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao & Du lịch Hoàng Tuấn Anh và Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh & Xã hội Phạm Thị Hải Chuyền đã trả lời nhiều câu hỏi được các đại biểu Quốc hội quan tâm.

 

Khắc phục những tồn tại, yếu kém thúc đẩy phát triển du lịch


Trả lời chất vấn của các đại biểu Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hoàng Tuấn Anh tập trung làm rõ 3 vấn đề: Các giải pháp xây dựng nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, nâng cao phẩm chất đạo đức xã hội; biện pháp khắc phục những tồn tại, yếu kém thúc đẩy phát triển du lịch Việt Nam, thương hiệu du lịch Việt Nam; đẩy mạnh phong trào thể dục, thể thao, rèn luyện thân thể của toàn dân góp phần nâng cao thể chất, sức khỏe, trí tuệ của người Việt Nam.


Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hoàng Tuấn Anh. Ảnh: Nhan Sáng – TTXVN

 

Trả lời câu hỏi của đại biểu Nguyễn Hoài Phương (Tây Ninh) về những giải pháp "chặt chém" khách du lịch, chất lượng sản phẩm du lịch kém hấp dẫn, Bộ trưởng Hoàng Tuấn Anh thừa nhận vẫn tồn tại tình trạng nêu trên mà nguyên nhân là do sự phối hợp liên ngành chưa tốt; thiếu kiểm tra, giám sát những điểm du lịch có nguy cơ mất trật tự, "chặt chém" du khách; các văn bản liên quan để xử lý vi phạm, các mức độ xử phạt còn nhẹ. Giải quyết vấn đề này, Bộ trưởng cho biết, sắp tới bộ sẽ báo cáo Thủ tướng Chính phủ để ban hành Nghị định tăng mức xử phạt.


Trả lời câu hỏi của đại biểu Nguyễn Thanh Hải (Hòa Bình) về những giải pháp khắc phục yếu kém nội tại, đưa ngành du lịch phát triển tương xứng với tiềm năng, Bộ trưởng Hoàng Tuấn Anh cho rằng: Tiềm năng du lịch của Việt Nam là rất lớn, nhưng để tiềm năng trở thành hiện thực đòi hỏi một quá trình tích lũy kinh nghiệm, nâng cao nhận thức của người dân…


Chưa tán thành câu trả lời này, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng đề nghị, Bộ trưởng trả lời dứt điểm câu hỏi của đại biểu: Đến năm 2020 theo chiến lược phát triển 10 năm thì du lịch Việt Nam có ngang tầm khu vực không? Bộ trưởng Hoàng Tuấn Anh một lần nữa khẳng định: Để đạt mục tiêu này, đòi hỏi phải phấn đấu nhiều, nỗ lực nhiều và cần có sự chung tay góp sức của người dân, của chính quyền các cấp và đặc biệt là các doanh nghiệp.


Về các giải pháp tăng cường quản lý nhà nước về du lịch, Bộ trưởng cho biết cần hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật. Sắp tới Bộ sẽ sửa đổi Luật Du lịch và Nghị định xử phạt vi phạm hành chính về du lịch, triển khai quy hoạch vùng… Bộ trưởng mong muốn các địa phương phối hợp trong việc quy hoạch phát triển du lịch…


Trả lời câu hỏi của đại biểu Nguyễn Trung Thu (Long An) xung quanh vấn đề đời sống xã hội hiện nay đang thiếu vắng các tác phẩm hay, tác phẩm đỉnh cao, Bộ trưởng Hoàng Tuấn Anh cho biết: Tiềm lực của đội ngũ sáng tác, nghiên cứu, lý luận và phê bình còn yếu; chính sách cho lực lượng này chưa thật tốt; lĩnh vực nghệ thuật biểu diễn, đặc biệt là điện ảnh hay sân khấu, nghệ thuật truyền thống gặp nhiều khó khăn. Bộ VH,TT&DL đang cùng các bộ, ngành khác xây dựng 5 đề án liên quan đến lĩnh vực này. Mới đây nhất, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 844 về đấu thầu, đặt hàng các tác phẩm. Sắp tới sẽ có sự đặt hàng, lựa chọn tác phẩm và có chính sách khuyến khích để nghệ sỹ cống hiến. Bộ sẽ phối hợp với Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội và Bộ Nội vụ sửa hai quyết định về tiền nhuận bút và tiền bồi dưỡng luyện tập.


Trả lời câu hỏi của các đại biểu về công tác chuẩn bị nhân lực, vật lực, đặc biệt là sử dụng các công trình phục vụ thể thao ở các thành phố lớn phục vụ cho ASIAD 2019, Bộ trưởng Hoàng Tuấn Anh khẳng định: Ý nghĩa của đăng cai ASIAD 2019 không chỉ về chính trị và ngoại giao mà có ý nghĩa về kinh tế, văn hóa. Sự kiện này cũng thể hiện việc tăng cường đầu tư của Nhà nước cho thể thao cũng như tăng cường mở rộng đẩy mạnh phong trào thể thao quần chúng cũng như thể thao đỉnh cao. Bộ trưởng tin tưởng với kinh nghiệm đã tổ chức những lần Đại hội thể dục thể thao của Đông Nam Á và châu Á, Việt Nam sẽ tổ chức thành công ASIAD 2019.

 

Tăng cường quản lý xuất khẩu lao động, dạy nghề, tạo việc làm


Ngay sau phiên chất vấn và trả lời chất vấn của Bộ trưởng Văn hóa - Thể thao và Du lịch Hoàng Tuấn Anh, các đại biểu tiến hành chất vấn Bộ trưởng Lao động - Thương binh và Xã hội Phạm Thị Hải Chuyền.


Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Phạm Thị Hải Chuyền. Ảnh: Nhan Sáng – TTXVN

 

Nội dung trả lời chất vấn của Bộ trưởng tập trung vào các nhóm vấn đề: Giải pháp nhằm triển khai có hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia về việc làm và dạy nghề giai đoạn 2011-2015; khắc phục những tồn tại, hạn chế trong công tác đào tạo nghề gắn với giải quyết việc làm cho lao động ở nông thôn; biện pháp tăng cường hiệu lực quản lý nhà nước đối với hoạt động xuất khẩu lao động, việc xử lý các doanh nghiệp xuất khẩu lao động trái phép, hướng giải quyết vấn đề người lao động Việt Nam làm việc bất hợp pháp tại nước ngoài…


Đánh giá về công tác dạy nghề trong thời gian qua, Bộ trưởng Phạm Thị Hải Chuyền nhấn mạnh, vấn đề dạy nghề cho lao động nói chung và lao động nông thôn nói riêng là một trong những mục tiêu của Đảng, Nhà nước ta. Công tác dạy nghề đã được quan tâm, đầu tư từ trước, tuy nhiên sau khi có Chiến lược phát triển nguồn nhân lực Việt Nam thời kỳ 2011 - 2020, lĩnh vực dạy nghề đã được tăng cường hơn. Hiện đã có trên 1.000 cơ sở dạy nghề, trong đó, có 800 cơ sở dạy nghề công lập.


Đối với vấn đề hiện nay số lượng trường nghề nhiều nhưng số học sinh học nghề còn ít, Bộ trưởng Phạm Thị Hải Chuyền đánh giá nguyên nhân là do tư tưởng của người dân về học nghề vẫn chưa được thông suốt. Người dân thường muốn thi vào các trường trung cấp chuyên nghiệp, đại học, chứ chưa chú trọng đến việc vào học tại các trường dạy nghề, vì vậy tỷ lệ học sinh vào các trường dạy nghề chưa nhiều. Bên cạnh đó, hiện nay có nhiều doanh nghiệp mới thành lập với nhiều ngành nghề mới trong khi các trường dạy nghề vẫn đang đào tạo những nghề thông thường.


Đề cập đến trách nhiệm của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đối với việc đào tạo nghề chưa đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp, Bộ trưởng Phạm Thị Hải Chuyền cho hay, trong thời gian tới, Bộ sẽ tham mưu, đề xuất với Chính phủ sơ kết 3 năm đào tạo nghề cho lao động nông thôn; đồng thời chỉ đạo hệ thống ngành dọc trực thuộc Bộ gắn công tác đào tạo nghề đối với thị trường lao động. Theo Bộ trưởng, các cơ sở dạy nghề cũng cần hình thành bộ phận tư vấn, tiếp thị nhằm nắm được nhu cầu thị trường, để có thể dạy nghề phù hợp với nhu cầu doanh nghiệp.


Trả lời câu hỏi của đại biểu Nguyễn Minh Lâm (Long An) về việc nâng cao chất lượng công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn, Bộ trưởng Phạm Thị Hải Chuyền cho biết: Nước ta có hơn 70% người dân sống ở nông thôn, phần đông chưa qua đào tạo, vẫn làm việc bằng kinh nghiệm sẵn có. Để khai thác cơ sở vật chất sẵn có rất cần sự hỗ trợ của Nhà nước, giúp người lao động có kỹ năng nghề nhất định. Hiện nay, ở nông thôn đã xuất hiện nhiều sản phẩm dịch vụ, người lao động cần được đào tạo để làm các sản phẩm dịch vụ đó. Bên cạnh đó, vùng nông thôn cũng có rất nhiều làng nghề. Đáp ứng yêu cầu đào tạo đó, Chính phủ đã ban hành Quyết định 1956/QĐ-TTg về Phê duyệt đề án đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020. Để đánh giá việc thực hiện Quyết định 1956/QĐ-TTg, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã tổ chức 3 Hội nghị tổng kết ở 3 vùng và trong tháng 6/2013 sẽ tổ chức tổng kết 3 năm thực hiện Quyết định nhằm rút kinh nghiệm trong việc thực hiện.


Trả lời chất vấn của đại biểu Lý Kiều Vân (Quảng Trị) về trách nhiệm quản lý người Việt Nam làm việc bất hợp pháp ở nước ngoài, Bộ trưởng Phạm Thị Hải Chuyền cho biết: Hiện Việt Nam có 500.000 lao động đang làm việc ở nước ngoài, trong khi chỉ có 8 ban quản lý lao động ở các nước còn phần đông là do các cơ quan đại diện ngoại giao ở các nước có trách nhiệm bảo vệ quyền lợi cho người lao động. Luật đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài đã quy định rất rõ trách nhiệm của doanh nghiệp đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài đúng hợp đồng, nếu có vấn đề thì doanh nghiệp đó phải phối hợp với doanh nghiệp nước ngoài đã ký hợp đồng để tháo gỡ. Khẳng định Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội có trách nhiệm phối hợp với Bộ Lao động và doanh nghiệp nước sở tại để bảo vệ quyền lợi cho người lao động Việt Nam, tuy nhiên Bộ trưởng Phạm Thị Hải Chuyền đề nghị người lao động khi quyết định đi làm việc ở nước ngoài cần xem xét, tìm hiểu về doanh nghiệp xuất khẩu lao động và những quyền lợi của mình khi đi làm việc ở nước ngoài.


Về việc thí điểm đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài tại 62 huyện nghèo, Bộ trưởng Phạm Thị Hải Chuyền cho biết, Bộ đã tổ chức cho 12.000 lao động đi học ngoại ngữ, văn hóa, phong tục tập quán của các nước để chuẩn bị cho việc đi xuất khẩu lao động. Đến nay đã có hơn 10.000 lao động tại các huyện nghèo đi làm việc tại nước ngoài. Tuy nhiên, hiện nay có một số người lao động về trước thời hạn. Nguyên nhân của tình trạng này là do ý thức và sự chịu đựng của các lao động ở huyện nghèo, đặc biệt là ở những vùng sâu, vùng xa chưa được tốt.

 

TTN

 

Đại biểu Trần Khắc Tâm (Sóc Trăng): Nông dân mong muốn hỗ trợ trực tiếp

 

Ghi nhận về những giải trình của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT) Cao Đức Phát tại phiên chất vấn trong kỳ họp thứ 5, Quốc hội Khóa XIII, đại biểu Trần Khắc Tâm (Sóc Trăng) đánh giá cao những giải pháp mà Bộ trưởng Bộ NN&PTNT đưa ra. Cử tri rất kỳ vọng ở những giải pháp của Bộ NN&PTNT. Tôi nghĩ nếu thực hiện tốt được những giải pháp này rất cần có sự phối hợp của các bộ, ngành liên quan như Bộ Công Thương, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Ngân hàng Nhà nước… Tại phiên chất vấn này, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước cũng cam kết sẽ phối hợp chặt chẽ cùng Bộ NN&PTNT để đề ra các giải pháp tích cực trên mặt trận nông nghiệp, nông dân, nông thôn.

 

Tôi đánh giá cao vai trò của Bộ NN&PTNT trong việc bao tiêu sản phẩm cho người nông dân. Tuy nhiên trong quá trình thực hiện cần tiếp tục bám sát giải pháp mà Bộ trưởng đã nêu ra.

 

Đối với việc xây dựng thương hiệu cho nông sản Việt Nam, theo tôi Bộ NN&PTNT cần tích cực phối hợp các bộ, ngành và địa phương để xây dựng được thương hiệu cho nông sản của Việt Nam, đặc biệt là lúa gạo. Ở Sóc Trăng đã có bộ tiêu chí để xây dựng thương hiệu gạo Sóc Trăng, nếu được Bộ NN&PTNT áp dụng, tôi nghĩ thương hiệu gạo Sóc Trăng sẽ vang xa trên thị trường quốc tế. Ở góc độ tái cơ cấu ngành nông nghiệp, tôi cho rằng phạm trù này rất rộng, nếu tái cơ cấu được hết thì quá tốt. Tuy nhiên, tôi nghĩ phải từng bước. Ở tỉnh Sóc Trăng, nếu tái cơ cấu ngành nông nghiệp được thì tôi quan tâm đến việc tái cơ cấu ngành thủy sản, làm sao tạo điều kiện tốt nhất để nông dân làm giàu được từ nuôi trồng thủy sản. Nhiều lần đi tiếp xúc cử tri, nhân dân Sóc Trăng mong muốn ngành nông nghiệp hỗ trợ trực tiếp đến bà con nông dân. Nhưng theo tôi Bộ NN&PTNT cần đưa ra nhữung giải pháp cụ thể, làm sao đáp ứng được nguyện vọng của cử tri là hỗ trợ trực tiếp cho bà con nông dân.

 

Viết Tôn

 

Đại biểu Nguyễn Sĩ Cương, Ủy viên Thường trực Uỷ ban Pháp luật của Quốc hội: Không hài lòng về phần trả lời chất vấn của Bộ trưởng Văn hóa, Thể thao và Du lịch

 

Theo nhận định của tôi, phần trả lời chất vấn của Bộ trưởng Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VH,TT&DL) Hoàng Tuấn Anh khiến nhiều đại biểu Quốc hội không hài lòng. Đặc biệt, phần ý kiến chất vấn của tôi không nhận được câu trả lời nên tôi phải đăng ký để hỏi lại.

 

Vấn đề mà tôi quan tâm là mỗi năm chúng ta tổ chức quá nhiều lễ hội, song nhiều lễ hội bị thương mại hóa, gây phiền toái cho người dân… Do đó, yêu cầu đặt ra là ngành VH,TT&DL cần phải sắp xếp lại và quy định rõ trong năm thì có những lễ hội nào cần được tổ chức và sẽ tổ chức ở cấp nào (cấp quốc gia hay cấp tỉnh); các địa phương chỉ chịu trách nhiệm liên quan đến việc tổ chức từng lễ hội một như thế nào mà thôi. Có như vậy thì mới tránh được tình trạng lãng phí từ việc tổ chức quá nhiều lễ hội như hiện nay, bởi kinh phí tổ chức các lễ hội đều từ nguồn ngân sách, nếu không của Trung ương thì là của địa phương.

 

Ngoài ra, trong ngành VH,TT&DL còn tồn tại nhiều bất cập khác như: Sản phẩm du lịch kém chất lượng, khó thu hút khách du lịch nước ngoài quay trở lại Việt Nam hay hiện tượng chèo kéo, đeo bám, “chặt chém” đối với khách du lịch… Đó là chưa nói đến tình trạng băng đĩa lậu tràn lan. Tất nhiên có thể nói việc quản lý băng đĩa lậu cũng thuộc trách nhiệm của địa phương, các sở văn hóa nhưng về nguyên tắc trách nhiệm “cầm trịch”, quản lý chính vẫn thuộc về Bộ VH,TT&DL. Vậy nên, tôi cho rằng Bộ VH,TT&DL chưa làm tròn trách nhiệm của mình.

 

Phương Liên (ghi)

 

Đưa những dự án thủy điện không bảo đảm ra khỏi quy hoạch

 

Trả lời câu hỏi của đại biểu Trương Văn Vở (Đồng Nai) về trách nhiệm thuộc thẩm quyền của Bộ trong việc chỉ đạo thực hiện việc đánh giá tác động môi trường trong quá trình lập dự án thủy điện Đồng Nai 6 và 6A, Bộ trưởng Bộ TN&MT Nguyễn Minh Quang, cho biết: Theo quy định pháp luật hiện hành về bảo vệ môi trường, việc đánh giá tác động môi trường (TĐMT) đối với các dự án thủy điện Đồng Nai 6 và 6A thuộc trách nhiệm của chủ dự án, Bộ TN&MT có trách nhiệm xem xét báo cáo đánh giá TĐMT của các dự án thủy điện Đồng Nai 6 và 6A.

 

Thực hiện quy định này, sau khi nhận được báo cáo đánh giá TĐMT của các dự án thủy điện Đồng Nai 6 và 6A gửi kèm các văn bản số 141/TGĐ-ĐN và số 142/TGĐ-ĐN ngày 27/6/2012 của Công ty cổ phần Đức Long Gia Lai, Bộ TN&MT đã thành lập Hội đồng thẩm định để xem xét các báo cáo đánh giá TĐMT này. Thông qua kết quả làm việc của Hội đồng và khảo sát thực tế tại hiện trường, Hội đồng nhận thấy một số mặt tích cực của các dự án như: Sẽ sản xuất ra 929,16 triệu KWh và nộp thuế hàng năm cho ngân sách khoảng 300 tỷ đồng; phát triển hạ tầng giao thông và các điều kiện kinh tế - xã hội, đời sống cộng đồng dân cư khu vực thực hiện dự án; điều hòa dòng chảy của đoạn sông Đồng Nai sau khi qua công trình thủy điện Đồng Nai 5. Tuy nhiên, trong báo cáo đánh giá TĐMT của các dự án chưa làm rõ được một số vấn đề môi trường gây ra bởi các dự án thủy điện Đồng Nai 6 và 6A, cũng như một số biện pháp giảm thiểu những tác động xấu của các dự án đến Vườn quốc gia Cát Tiên và môi trường ở hạ du các dự án này chưa được thuyết phục, thiếu tính khả thi. Chính vì vậy, Bộ TN&MT đã có văn bản trả lại hồ sơ báo cáo đánh giá TĐMT đề nghị Công ty cổ phần Đức Long Gia Lai bổ sung, làm rõ. Cho đến nay, Bộ TN&MT chưa nhận được báo cáo đánh giá TĐMT đối với các dự án này của Công ty cổ phần Tập đoàn Đức Long Gia Lai gửi lại sau khi hoàn thiện, nên chưa có cơ sở xem xét kết luận về mức độ tác động đối với môi trường của các dự án thủy điện Đồng Nai 6 và 6A.

 

Đối với việc rà soát các dự án thủy điện trong Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia, Thủ tướng Chính phủ đã giao cho Bộ Công Thương chủ trì phối hợp với các bộ, ngành, địa phương thực hiện, với quan điểm chỉ đạo phải tuân thủ 5 nguyên tắc: Phải đảm bảo an toàn hồ đập, phải thực hiện tốt chính sách tái định cư, không được ảnh hưởng lớn đến môi trường, phải tính đến hiệu quả tổng thể, và phải tuân thủ các quy định pháp luật. Bộ TN&MT sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Bộ Công Thương trong quá trình rà soát này để xem xét đưa những dự án thủy điện không bảo đảm các tiêu chí ra khỏi quy hoạch.

 

Viết Tôn

 

Bà Nguyễn Kim Thanh, tổ dân phố số 8, phường Hàng Đào (Hoàn Kiếm, Hà Nội): Chưa đi vào vấn đề cử tri quan tâm

 

Các phiên chất vấn luôn được cử tri mong đợi. Tuy nhiên, phần trả lời chất vấn của các bộ trưởng lần này vẫn chưa đi thẳng vào những vấn đề mà cử tri mong muốn, kiến nghị gửi tới Quốc hội. Các Bộ trưởng vẫn còn trả lời chung chung, chủ yếu trích dẫn các quy định của pháp luật, nghị quyết, nghị định của Chính phủ mà chưa đề ra được các giải pháp, lộ trình giải quyết.

 

Trong phiên Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hoàng Tuấn Anh trả lời chất vấn, nhiều cử tri chưa hài lòng với những giải trình của Bộ trưởng về vai trò quản lý nhà nước của Bộ đối với những bất cập hiện nay trong lĩnh vực văn hóa như sự “xuống cấp” về văn hóa trong xã hội; sự thiếu chặt chẽ trong hoạt động cấp phép biểu diễn; biện pháp khắc phục những hạn chế trong công tác bảo tồn, tôn tạo di tích lịch sử văn hóa gắn với du lịch, tình trạng lễ hội tràn lan gây lãng phí cho ngân sách của các địa phương.

 

Còn nhiều vấn đề mà cử tri mong muốn các vị lãnh đạo đầu ngành trả lời như việc doanh nghiệp vẫn khó tiếp cận nguồn vốn vay; tình trạng giá vàng trong nước chênh lệch quá lớn với giá vàng thế giới, doanh nghiệp nhà nước sản xuất, kinh doanh thua lỗ...

 

Nguyễn Tiến

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN