Phát biểu tại trụ sở HĐBA ở New York (Mỹ), ông Murray McCully, Ngoại trưởng New Zealand, nước giữ chức chủ tịch luân phiên HĐBA, kêu gọi tất cả các bên thực thi đầy đủ thỏa thuận một cách tích cực. Ông McCully, người chủ trì phiên họp HĐBA, nhấn mạnh New Zealand hy vọng thỏa thuận lịch sử về vấn đề hạt nhân Iran có thể tạo nền tảng xây dựng lòng tin và mở ra một chương mới hợp tác ở Trung Đông.
Toàn cảnh phiên bỏ phiếu của HĐBA LHQ ở New York ngày 20/7. Ảnh: AFP/TTXVN |
Các Đại sứ tại LHQ có mặt trong phiên họp trên cho rằng những nỗ lực trong nhiều năm qua để giải quyết vấn đề hạt nhân Iran cần phải trở thành một hình mẫu để thế giới giải quyết các cuộc khủng hoảng khác, như tại Syria và Yemen hiện nay. Đại sứ Mỹ Samantha Power nhận định: "Khi các quốc gia thực sự đoàn kết đương đầu với các cuộc khủng hoảng toàn cầu, tầm ảnh hưởng của chúng ta sẽ tăng theo cấp số nhân".
Đại sứ Nga Vitaly Churkin khẳng định: "Chúng ta không chỉ lật một trang mà mở ra một chương mới trong công việc của HĐBA bằng cách tạo ra một thực tế mới". Đại sứ Trung Quốc Lưu Kết Nhất kêu gọi thực thi hiệu quả thỏa thuận hạt nhân vừa ký kết, đồng thời khẳng định tiến trình thực thi thỏa thuận trong 10 năm tới sẽ rất quan trọng. Đánh giá về thỏa thuận, ông Lưu cho rằng với việc ký kết văn kiện này, cơ chế không phổ biến vũ khí hạt nhân của quốc tế đã được đảm bảo, quan hệ của Iran với tất cả các bên cũng sang một trang mới.
Về phần mình, Đại sứ Iran Gholamali Khoshroo nhấn mạnh: "Đây là lúc để bắt đầu phối hợp với nhau chống lại các thách thức chung và lớn, mà trên hết là chống chủ nghĩa cực đoan bạo lực". Ông khẳng định Tehran sẵn sàng "cam kết đầy đủ" với các nước láng giềng trong khu vực.
Cùng ngày, tại Brussels (Bỉ), Hội đồng Đối ngoại của Liên minh châu Âu (EU) đã ra tuyên bố ủng hộ hoàn toàn nghị quyết trên của LHQ và kêu gọi tất cả các bên nỗ lực để thực hiện thỏa thuận vừa đạt được. Tuyên bố cho biết các cam kết và hành động của EU liên quan đến dỡ bỏ trừng phạt kinh tế và tài chính sẽ được tiến hành phụ hợp với thời gian biểu và theo phương thức đã xác định trong thỏa thuận. Hội đồng nêu rõ việc dỡ bỏ các trừng phạt sẽ diễn ra ngay khi IAEA xác nhận rằng Iran đã thực thi các cam kết của mình. Hội đồng cũng bày tỏ hy vọng diễn biến tích cực này sẽ mở đường cho việc cải thiện quan hệ giữa Iran với EU và từng quốc gia thành viên, cũng như cải thiện quan hệ của Iran trong khu vực và trên thế giới, qua đó góp phần tạo nền tảng cho một khu vực ổn định và an toàn hơn.
Trước khi nghị quyết trên được đưa ra bỏ phiếu tại HĐBA, Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu đã lên tiếng phản đối HĐBA ủng hộ "nước đã vi phạm các quyết định của HĐBA và từng kêu gọi phá hủy Israel, một thành viên của LHQ". Ông Netanyahu cho rằng thỏa thuận hạt nhân giữa Iran và nhóm P5+1 sẽ "đem chiến tranh đến gần hơn". Ông cũng gửi thư tới Quốc hội Mỹ kêu gọi không dỡ bỏ trừng phạt Iran.
Trong khi đó, chính quyền Iran khẳng định quyết tâm thúc đẩy hòa bình và ổn định trong khu vực, đồng thời tuyên bố sẵn sàng hợp tác với quốc tế cũng như các nước láng giềng chống lại chủ nghĩa khủng bố và cực đoan.
Theo phóng viên TTXVN tại Trung Đông, trong tuyên bố, Tehran nêu rõ sẽ tiếp tục theo đuổi chương trình hạt nhân hòa bình của mình, cũng như các hoạt động nghiên cứu và phát triển liên quan theo thỏa thuận Vienna, đồng thời cam kết hợp tác chặt chẽ với các đối tác nhằm đạt tất cả các mục tiêu mà thỏa thuận hướng đến. Ngoài ra, Tehran cũng cam kết tham gia tích cực vào mọi sáng kiến ngoại giao và pháp lý quốc tế nhằm bảo vệ nhân loại trước các nguy cơ phổ biến vũ khí hạt nhân.
Bộ Ngoại giao Iran cho biết nghị quyết của LHQ nói trên không liên quan đến khả năng quân sự của nước này, trong đó có chương trình phát triển tên lửa đạn đạo. Tehran cũng khẳng định sẽ tiếp tục tăng cường khả năng quốc phòng nhằm bảo vệ đất nước trước các âm mưu xâm lược cũng như các mối đe dọa khủng bố trong khu vực.
Tuy nhiên, người đứng đầu lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran (IRGC) Mohammed Ali Jafari cho rằng nghị quyết của HĐBA LHQ vi phạm "giới hạn đỏ" do nhà lãnh đạo tinh thần tối cao Iran Ayatollah Ali Khamenei đặt ra, đặc biệt là về khả năng quân sự của Iran, và tuyên bố không bao giờ chấp nhận điều này. Các nhà ngoại giao cứng rắn ở Iran lo ngại thỏa thuận trên có thể mở đường cho các thanh sát viên LHQ tiếp cận các căn cứ quân sự nhạy cảm của Iran.
Theo luật pháp Iran, thỏa thuận hạt nhân vừa đạt được phải nhận được sự phê chuẩn của Hội đồng An ninh Quốc gia Iran và lãnh tụ Khamenei trước khi có hiệu lực.