Nhiều nhà lãnh đạo thế giới đã tiếp tục lên tiếng trước những diễn biến phức tạp của dịch Ebola. Chủ tịch quốc tế của Tổ chức "Bác sĩ không biên giới" (MSF) Joanne Liu ngày 2/9 cảnh báo thế giới "đang thua trận" trong cuộc chiến kiểm soát dịch Ebola kéo dài 6 tháng qua.
Ebola đang diễn biến phức tạp tại các quốc gia Tây Phi. Ảnh: Dailyslave |
Bà Joanne Liu kêu gọi cộng đồng quốc tế phản ứng trên quy mô toàn cầu đối với một thảm họa sinh học, tăng cường gửi hàng hóa cứu trợ và chuyên gia y tế tới Tây Phi. Phó Tổng Thư ký LHQ Jan Eliasson cũng nhấn mạnh dịch Ebola không chỉ là một cuộc khủng hoảng về y tế mà còn về phát triển, nhân quyền và an ninh.
Giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) Margaret Chan thừa nhận đây là đợt bùng phát dịch Ebola "lớn nhất, nghiêm trọng nhất và phức tạp nhất trong gần 40 năm lịch sử căn bệnh này", tuy nhiên "có thể và sẽ được kiểm soát" do WHO hiểu rõ những điều cần thiết cũng như các phương pháp ngăn chặn dịch bệnh.
Trong khi đó, Tổng thống Mỹ Barack Obama cảnh báo người dân Tây Phi rằng công tác ngăn chặn dịch Ebola "sẽ không dễ dàng". Ông Obama nhấn mạnh để ngăn chặn bệnh Ebola lây nhiễm, điều quan trọng chính là các biện pháp phòng bệnh cơ bản khi xử lý bệnh nhân Ebola cũng như chôn cất thi thể những người tử vong.
Theo Giám đốc Trung tâm Kiểm soát và phòng chống dịch bệnh Mỹ (CDC) Tom Frieden, số trường hợp nhiễm chủng virus này "tiếp tục gia tăng và hiện đang tăng nhanh chóng". Ông Frieden hối thúc thế giới lập tức hành động trong bối cảnh Tây Phi cần nhiều hơn nữa các trang thiết bị, các chuyên gia y tế cũng như một phương án tiếp cận thống nhất và phối hợp toàn cầu nhằm ứng phó với dịch Ebola.
TTG