Danh mục 77 lĩnh vực không sử dụng lao động nữ chưa sát với thực tế, khó kiểm tra, giám sát việc thực thi, thậm chí còn “gây khó” cho một số lao động nữ... Đó là những ý kiến của nhiều người dân sau khi Thông tư số 26/2013 của Bộ LĐ-TB&XH có hiệu lực từ 15/12/2013.
Mò vớt gỗ là một trong những công việc phụ nữ không được làm. |
Ông Bùi Đức Nhưỡng (ảnh), Phó Cục trưởng Cục An toàn lao động, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, đã trả lời phỏng vấn báo Tin Tức xung quanh vấn đề này.
´Sau khi Thông tư 26/2013/TT - BLĐTBXH (Thông tư 26) có hiệu lực dư luận có phản ứng khá trái chiều về danh mục 77 nghề phụ nữ không được làm, ông đánh giá như thế nào về vấn đề này?
Thông tư 26 được xây dựng trên cơ sở kế thừa chính sách đã được ban hành nhằm phù hợp với thực tế, trên quan điểm bảo vệ sức khỏe của lao động nữ, đảm bảo tuổi thọ lao động, phòng tránh những rủi ro sức khỏe lao động nữ, thai nhi và em bé, cũng như xem xét đến cơ hội việc làm của lao động nữ. Về cơ bản, Thông tư 26 không bổ sung thêm các chức danh mới không được sử dụng lao động nữ so với Danh mục được ban hành tại Thông tư số 40/2011/TTLT - BLĐTBXH - BYT (Thông tư 40). Trong quá trình soạn thảo Thông tư số 26, chúng tôi cũng thực hiện việc lấy ý kiến rộng rãi các bộ, ngành và người lao động qua website của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, từ tháng 6 - 8/2013. Tuy nhiên, các các văn bản gửi về cũng chưa đặt vấn đề như một số phương tiện thông tin đã nêu.
Vì vậy, khi có ý kiến của báo chí cũng như người lao động quan tâm đến danh mục, đặc biệt là đối với các chức danh đã bị cấm từ năm 1986 nay được mổ xẻ, tranh luận (lái ô tô có trọng tải trên 2,5 tấn, mang vác vật nặng trên 50 kg, nạo vét cống ngầm), thì chúng tôi rất mừng và rất hoan nghênh những ý kiến phản hồi đó. Điều này chứng tỏ người sử dụng lao động, người lao động đã ngày càng quan tâm hơn đến quy định pháp luật, rất có ý nghĩa cho việc xây dựng và hoàn thiện các văn bản pháp luật, tăng khả thi của văn bản; đồng thời đây cũng là cơ hội để chúng tôi thông tin, chia sẻ kinh nghiệm và giải thích rõ hơn quy định của pháp luật.
´Nhiều phụ nữ được phóng viên Tin tức phỏng vấn cho rằng: Thông tư 26 chưa sát với thực tế, bởi nhiều doanh nghiệp có thể lợi dụng thông tư này để không tuyển nữ hoặc không ký hợp đồng và vô tình gây thiệt hại cho nữ giới trong việc đảm bảo các quyền lợi lao động?
Tôi xin khẳng định lại danh mục cấm sử dụng lao động nữ nói chung được xây dựng trên cơ sở kế thừa những chức danh, quy định được ban hành từ các quy định năm 19; qua 4 lần sửa, đến nay số lượng chức danh nghề không được sử dụng lao động nữ nói chung chỉ giảm đi mà không hề tăng thêm; riêng đối với các chức danh không được sử dụng lao động nữ đang mang thai và nuôi con duới 12 tháng tuổi thì ngày càng được cụ thể hơn dựa trên những điều kiện lao động có hại đã quy định tại Thông tư 09 - TT - LB năm 1986, Thông tư 03 năm 1994 và Thông tư 40 năm 2011 - Đây cũng là xu hướng chung các quy định trên thế giới về việc hạn chế không sử dụng lao động nữ đang mang thai.
Xét về lý thuyết, khi không tăng thêm các chức danh nghề, công việc đã bị cấm so với giai đoạn trước thì không gây nguy cơ tăng tỷ lệ thất nghiệp.
´Việc xây dựng Thông tư 26 có dựa trên đánh giá hoặc nghiên cứu khoa học nào không và trong thời gian dự thảo, các địa phương có ý kiến ra sao về vấn đề này, thưa ông?
Để ban hành Thông tư, chúng tôi phải xem xét trên nhiều khía cạnh khác nhau, từ khoa học tới thực tiễn. Bởi vậy, tôi xin khẳng định việc đưa ra Danh mục này hoàn toàn không do cảm quan của cơ quan quản lý nhà nước. Trên cơ sở kế thừa các quy định tại Thông tư liên tịch số 40; sau khi lấy ý kiến rộng rãi của của các bộ, ngành và địa phương, cũng như tham khảo các điều ước quốc tế... bản Danh mục công việc không được sử dụng lao động nữ tại Thông tư 26 đã được điều chỉnh phù hợp so với thực tiễn.
´Vậy công tác kiểm tra và chế tài đối với đơn vị vi phạm sẽ thực hiện như thế nào, thưa ông?
Trong Thông tư 26 đã quy định rõ Sở Lao động, Thương binh và Xã hội có trách nhiệm phối hợp với Sở Y tế, Liên đoàn Lao động địa phương thường xuyên đôn đốc, kiểm tra, giám sát việc thực hiện Thông tư này tại các cơ sở sử dụng lao động nữ; tăng cường thanh tra, phát hiện và xử lý kịp thời các trường hợp vi phạm quy định của pháp luật về sử dụng lao động nữ, lao động nữ có thai hoặc đang nuôi con dưới 12 tháng tuổi.
Bên cạnh đó, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 95/2013/NĐ - CP ngày 22/8/2013 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực lao động, bảo hiểm xã hội và đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng; trong đó quy định tại điểm g, khoản 2 Điều 18 vi phạm quy định về sử dụng lao động làm công việc không được sử dụng lao động nữ theo quy định tại điều 160 của Bộ luật lao động với mức phạt từ 10 - 20 triệu đồng.
Xin cảm ơn ông!
Danh mục công việc không được sử dụng lao động nữ này không áp dụng với tất cả chủ sử dụng lao động hay tất cả đối tượng lao động nữ mà chỉ áp dụng với những trường hợp có quan hệ lao động, sử dụng lao động như doanh nghiệp, hợp tác xã... Nghĩa là những lao động nữ làm việc tự do, không có hợp đồng lao động thì không thuộc đối tượng bị điều chỉnh bởi danh mục này. |
Xuân Cường (thực hiện)