Sở dĩ vấn đề này được đưa ra vì hiện có nhiều nhà đầu tư cho rằng, quy định bộ quản lý ngành, UBND cấp tỉnh quyết định phương án bán cổ phần theo lô tại công ty cổ phần do mình làm đại diện chủ sở hữu sau khi có ý kiến tham gia của Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã khiến cho thủ tục hành chính thêm rườm rà.
Ông Hiền khẳng định: Quy định lấy ý kiến của 2 cơ quan này nhằm tạo cơ chế giám sát việc thoái vốn Nhà nước tại các doanh nghiệp, ngăn chặn thất thoát tài sản của Nhà nước. Theo Cục tài chính doanh nghiệp, chính sách này sẽ giúp cho doanh nghiệp bán được hết vốn đang đầu tư trong một lần, tránh tình trạng chỉ bán được một phần và phải tổ chức nhiều cuộc đấu giá mới bán hết số cổ phần cần bán. Đồng thời tránh xảy ra trường hợp tỷ lệ vốn đầu tư còn lại sau khi bán đấu giá quá ít khiến doanh nghiệp mất nhiều thời gian theo dõi và quản lý tiếp phần vốn còn lại.
Theo Bộ Tài chính, để tạo thuận lợi cho việc đấu giá cổ phần hóa tại các doanh nghiệp, Quyết định 41 còn cho phép bán cổ phần theo lô có thể chia thành nhiều lô khác nhau để bán đấu giá tùy theo số lượng cổ phần và tình hình thị trường nhưng mỗi một phiên đấu giá chỉ bán một lô cổ phần (trọn lô), số lượng cổ phần của một lô không thấp hơn 5% vốn điều lệ của công ty cổ phần.
Khi cho phép bán cổ phần theo lô, Chính phủ cũng tính đến các giải pháp nhằm hạn chế sự thông thầu giữa bên bán và nhà đầu tư để nảy sinh lợi ích nhóm. Do đó, nhà đầu tư được mua cổ phần theo lô phải đáp ứng các điều kiện sau: Phải có năng lực tài chính; có cam kết gắn bó lợi ích lâu dài với doanh nghiệp; có phương án tiếp tục sử dụng lao động hiện có; hỗ trợ doanh nghiệp nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động sản xuất kinh doanh và sức cạnh tranh của doanh nghiệp.