Thời gian qua, số ca mắc sởi tại Hà Nội chiếm 1/3 số ca mắc của cả nước; đặc biệt, số ca tử vong do sởi hoặc liên quan đến sởi trên địa bàn cũng chiếm tới 45% số ca tử vong của toàn quốc. Chính vì vậy, UBND thành phố Hà Nội đang tập trung chỉ đạo để sớm khống chế dịch sởi.
Phân tuyến để giảm quá tải
“Trong 3 tháng, bệnh nhân mắc sởi thường xuất hiện rải rác tại các địa phương, trung bình mỗi xã, phường có 2 - 3 bệnh nhân. Trong đó, tháng 3 là tháng có bệnh nhân sởi cao nhất với 543 trường hợp. Đến nay, khoảng 85% bệnh nhân đã khỏi và ra viện”, ông Hoàng Đức Hạnh, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội cho biết.
Bệnh nhân điều trị sởi tại Bệnh viện Đống Đa (Hà Nội). |
Nhưng theo khảo sát của phóng viên báo Tin Tức tại một số bệnh viện Hà Nội có khoa Nhi cho thấy vẫn diễn ra tình trạng quá tải bệnh nhân mắc sởi và các bệnh đường hô hấp… Tại Bệnh viện Xanh Pôn, số giường thực kê tại khoa Nhi là 145 giường nhưng các cán bộ nơi đây thường phải điều trị cho số bệnh nhân gấp đôi số giường hiện có. Các bệnh nhi đều phải nằm ghép 2, thậm chí 3 trẻ/giường; Bệnh viện đa khoa Thường Tín có 40 giường bệnh cũng tiếp nhận điều trị cho khoảng 70 bệnh nhân; Bệnh viện đa khoa Hà Đông có 70 giường bệnh nhưng cũng đang điều trị cho hơn 100 bệnh nhi....
Để giảm tải và chống lây chéo cho các bệnh nhi sởi, Sở Y tế Hà Nội đã chỉ đạo triển khai phân tuyến điều trị đối với những ca mắc sởi. Theo đó, bệnh nhân có biểu hiện mắc bệnh sởi thông thường sẽ khám ở trạm y tế xã, phường; nếu có biến chứng hô hấp lên trung tâm y tế tuyến quận, huyện; trường hợp suy hô hấp sẽ chuyển lên tuyến bệnh viện thành phố...
Theo ông Hoàng Đức Hạnh: Nhằm giảm tình trạng quá tải tại khoa Nhi, Bệnh viện Xanh Pôn đã triển khai thêm 100 giường điều trị nhi tại khu điều trị Nội, đồng thời, cũng thiết lập khu điều trị cách ly cho bệnh nhân sởi, thực hiện phân tuyến bệnh nhân ngay từ tuyến dưới, hạn chế tối đa chuyển lên tuyến trên gây quá tải, tránh lây nhiễm chồng chéo.
Sở Y tế Hà Nội cũng phối hợp với Bệnh viện Nhi Trung ương tập huấn lại phác đồ điều trị sởi cho các bác sỹ khoa Nhi và khoa Truyền nhiễm của các bệnh viện trong và ngoài công lập. Bệnh viện Nhi Trung ương, Bệnh viện Bạch Mai cũng đã trực tiếp hỗ trợ chuyên môn cho Bệnh viện Xanh Pôn, Bệnh viện Đống Đa và Bệnh viện Thanh Nhàn. Bên cạnh đó, Sở Y tế cũng đã chỉ đạo Trung tâm y tế dự phòng cấp vitamin A cho các bệnh viện để điều trị cho các bệnh nhân sởi nặng có nguy cơ thiếu vitamin A.
Tiêm vét vắcxin triệt để
Điều tra dịch tễ về những ca mắc sởi tại Hà Nội từ đầu năm đến nay cho thấy, có tới hơn 90% trường hợp mắc bệnh chưa tiêm chủng hoặc tiêm chủng chưa đầy đủ; trong số 14 trường hợp tử vong do sởi có tới 13 trẻ em chưa được tiêm vắcxin sởi và 1 trẻ mới tiêm được 5 ngày. “Điều đó cho thấy, bên cạnh công tác điều trị thì việc tiêm vắcxin sởi phòng bệnh là giải pháp căn bản cần khẩn trương triển khai nhằm sớm khống chế dịch sởi ”, bà Nguyễn Thị Bích Ngọc, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội khẳng định.
Theo Sở Y tế Hà Nội, thành phố còn khoảng 70.000 - 100.000 trẻ dưới 5 tuổi có nguy cơ mắc sởi, do mỗi năm có từ 2 - 5% số trẻ trong độ tuổi chưa được tiêm chủng; đồng thời, do hiệu lực bảo vệ của vắcxin đạt 90 - 95% nên thực tế có một lượng trẻ dù đã tiêm vắcxin nhưng vẫn chưa có miễn dịch với sởi. Do đó, để giảm số ca mắc sởi, biện pháp tiêm phòng được đặt lên hàng đầu.
“Ngành y tế với chính quyền xã, phường cần nắm bắt đối tượng chưa tiêm chủng và phân tích tại sao chưa tiêm? Để từ đó có giải pháp tuyên truyền, vận động các bậc phụ huynh đưa con đi tiêm chủng đầy đủ. Còn nếu thiếu bác sĩ hay vắcxin thì ngành phải bố trí cho đủ. Các địa phương phải thực hiện tốt kế hoạch tiêm vét, nếu khó khăn phải báo cáo ngay với chính quyền để sớm có chỉ đạo”, bà Nguyễn Thị Bích Ngọc nhấn mạnh.
Cũng theo bà Nguyễn Thị Bích Ngọc: “Số ca mắc sởi tăng 150% so với cùng kỳ và có mặt tại ở 30 quận, huyện nên cần sự vào cuộc quyết liệt của các cấp chính quyền. Để xảy ra dịch thì trách nhiệm trước hết thuộc về Chủ tịch UBND quận, huyện. Các địa phương đẩy mạnh tuyên truyền để người dân hiểu đầy đủ về bệnh sởi và cách phòng tránh. Các cấp chính quyền cơ sở, tổ chức đoàn thể, nhất là hội phụ nữ phải vào cuộc quyết liệt; tuy nhiên cũng không cần chú ý để không gây tâm lý hoang mang cho người dân. Thành phố Hà Nội không công bố dịch nhưng sử dụng kinh phí như khi chống dịch để khống chế dịch sởi”.
Tích lũy từ đầu năm đến ngày 21/4, Hà Nội ghi nhận 1.285 bệnh nhân sởi, phân bố rải rác ở 358/584 xã, phường của 30 quận, huyện. Quận Hai Bà Trưng có số bệnh nhân mắc sởi cao nhất với 153 ca, tiếp theo là quận Đống Đa và Hoàng Mai với 118 ca... |
Để phòng, chống sởi cho số trẻ này, từ ngày 20 - 22/4, Sở Y tế Hà Nội đã tổ chức điểm tiêm vắcxin miễn phí tại số 70 Nguyễn Chí Thanh và 30 điểm tại quận, huyện, thị xã cho trẻ từ 9 tháng đến dưới 6 tuổi chưa được tiêm vắcxin phòng sởi. Trung tâm y tế dự phòng Hà Nội đề nghị Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương cấp bổ sung vắcxin để đáp ứng đủ nhu cầu tiêm vắcxin phòng bệnh cho trẻ. Trung tâm đã cử 42 cán bộ trực tiếp đi hỗ trợ công tác phòng, chống dịch và đôn đốc tiêm vắcxin phòng sởi tại 30 quận, huyện, thị xã và 4 đoàn đi kiểm tra công tác tiêm chủng phòng, chống dịch. Tính đến ngày 21/4, tỷ lệ tiêm vắcxin sởi toàn thành phố đạt 91,2% và phấn đấu đến ngày 24/4 đạt tỷ lệ trên 95% để đảm đảo mức dự phòng cộng đồng, không bùng phát thành dịch.
Thời gian qua, Sở Y tế phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo triển khai các biện pháp phòng chống dịch bệnh trong nhà trường. Các trường báo ngay cho các đơn vị y tế khi phát hiện có trẻ mắc bệnh để phối hợp xử lý; các trường mẫu giáo, mầm non tổ chức các buổi nói chuyện trực tiếp với phụ huynh học sinh về các biện pháp phòng và nhận biết bệnh sởi để chủ động cách ly, điều trị kịp thời.
Để nhanh chóng dập dịch sởi, UBND thành phố Hà Nội đã quyết định 75 tỷ đồng mua sắm bổ sung máy móc, tiêm phòng vắcxin, hỗ trợ chế độ cho nhân viên y tế tham gia phòng chống dịch sởi... Dự báo đến tháng 5, tháng 6, khi thời tiết ấm lên thì Hà Nội có thể đẩy lùi được dịch sởi”, ông Hoàng Đức Hạnh cho biết.
Ông Phan Đăng Long, Phó Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội: Một trong những giải pháp hiện nay của Hà Nội là tăng cường công tác tuyên truyền để người dân hiểu rõ về bệnh sởi, từ nguyên nhân đến cách phòng bệnh. Hoạt động này đòi hỏi nỗ lực của các cấp, các ngành, đoàn thể cùng vào cuộc để việc triển khai tiêm vét vắcxin đạt yêu cầu. Hiện nay, ngành y tế và các cấp chính quyền cơ sở đang tập trung nguồn lực để xử lý triệt để; không để dịch lây lan; hạn chế thấp nhất tỷ lệ mắc và tỷ vong do sởi. TS Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế: Nếu Hà Nội giải quyết tốt phòng, chống sởi thì sẽ ảnh hưởng tích cực tới cả nước vì đây là ổ bệnh dễ lan đi các nơi do nhiều người đến Hà Nội. Chỉ có tiêm chủng mới giải quyết được vì cách ly bệnh nhân sởi rất khó. Nhưng việc điều tra triển khai tiêm vắcxin sởi cho trẻ nhỏ gặp rất nhiều khó khăn; ở làng xã thì dễ nhưng ở các quận trung tâm, nhiều nơi khó quản lý vì dân sống ở những khu vực dự án chưa bàn giao. Vậy nên, dù tỉ lệ tiêm chủng tại Hà Nội đã đạt hơn 91% nhưng không nên chủ quan. Bác sĩ Phạm Bá Hiền, Trưởng khoa Truyền nhiễm, Bệnh viện Đống Đa: Từ đầu tháng 1 đến nay, Bệnh viện Đống Đa tiếp nhận hơn 500 ca sởi và sốt phát ban nghi sởi. Trong đó, hơn 300 ca phải nằm viện điều trị, còn lại cho điều trị ở nhà. Chỉ có 4 bệnh nhân nặng được chỉ định chuyển lên Bệnh viện Nhi Trung ương. Bệnh viện cũng lập hẳn một khu điều trị ban ngày, chủ yếu giành cho người lớn mắc sởi. Tại Bệnh viện Đống Đa, bệnh nhân đến khám nhận được tư vấn ngay từ đầu: nếu nặng mới nhập viện, không nặng được điều trị ngoại trú, bệnh nhân được cung cấp số điện thoại của bác sĩ để tham vấn khi có nhu cầu. Ở đây không có tình trạng bệnh nhân nằm ghép. Để tránh những biến chứng đáng tiếc, các bậc cha mẹ lưu ý, trên mỗi đơn thuốc kê ngoại trú đều có những dấu hiệu mà cha mẹ cần biết để đưa trẻ tái khám kịp thời. Đồng thời, bác sĩ phải cho gia đình số điện thoại di động, để họ tiện trao đổi khi trẻ có biểu hiện bất thường. |
Xuân Minh - Bích Ngọc