Tại Hội nghị Thủ tướng Chính phủ với doanh nghiệp (DN) do Văn phòng Chính phủ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam tổ chức hôm qua (28/4), cộng đồng DN đã bày tỏ mong muốn Chính phủ tiếp tục cải thiện môi trường kinh doanh, tạo thuận lợi cho hoạt động của DN.
DN vẫn than khó tiếp cận vốn
Trên cơ sở diễn biến kinh tế vĩ mô, đặc biệt là lạm phát giảm, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã điều chỉnh giảm mạnh lãi suất điều hành, trần lãi suất cho vay đối với một số lĩnh vực ưu tiên. Trong đó, lãi suất huy động giảm 8 - 10%, lãi suất cho vay giảm 9 - 12% so với thời điểm năm 2012. Thậm chí, lãi suất cho vay ngắn hạn bằng VNĐ đối với một số lĩnh vực ưu tiên của Chính phủ cũng giảm từ 15%/năm xuống còn 8%/năm.
Tuy nhiên, tại Hội nghị Thủ tướng Chính phủ với DN năm 2014, đại diện cộng đồng DN cho rằng, do hoạt động sản xuất kinh doanh khó khăn nên cần tiếp tục giảm lãi suất cho vay và có thêm nhiều cơ chế chính sách hỗ trợ DN tiếp cận tín dụng.
Chính sách thuế đã có nhiều cải tiến theo hướng đơn giản thủ tục hành chính cho doanh nghiệp. Ảnh: Hoàng Hùng-TTXVN |
Ông Tô Hoài Nam, Phó Chủ tịch Đại diện Hiệp hội DN nhỏ và vừa (DNNVV) cho biết: Khó khăn nhất với DNNVV là tiếp cận vốn vay. “Các ngân hàng hiện nay rất thận trọng cho DNNVV vay, thủ tục cho vay ngày càng khắt khe, các doanh nghiệp mới thành lập càng khó khăn khi vay vốn, chính sách bảo lãnh cho SME càng khó khăn... Hơn nữa, mặt bằng lãi suất ngân hàng còn cao so với khả năng sinh lời của doanh nghiệp…”, ông Nam nói.
Ông Thái Tuấn Chi, Tổng Giám đốc Tập đoàn Thái Tuấn cũng cho rằng, Chính phủ đã tháo gõ khó khăn bằng việc giảm lãi vay cho DN, qua đó giúp DN hạ giá thành để cạnh tranh. Tuy nhiên, để phát triển, DN cần sự hỗ trợ mở rộng đầu tư. Trong khi năng lực vốn của DN còn yếu nên rất cần sự hỗ trợ đầu tư bằng nguồn vốn tín dụng trung và dài hạn với lãi suất thấp và ổn định.
Chính sách về tín dụng cũng là 1 trong 8 kiến nghị chính mà ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) thay mặt cộng đồng DN đề xuất với Chính phủ: “Chúng tôi đề nghị cần được tiếp tục tháo gỡ chính sách về tín dụng theo hướng cải thiện điều kiện tiếp cận tín dụng cho doanh DN”.
Theo ông Vũ Tiến Lộc, thời gian qua, Chính phủ đã thành công trong việc kiểm soát lạm phát, đồng thời các ngân hàng đã giảm mạnh lãi suất cho vay. Lãi suất đã xuống tương đối thấp trong tương quan với mức lạm phát kỳ vọng (đặc biệt là các chương trình cho vay ưu đãi).Tuy nhiên, do chưa xử lý được vấn đề nợ xấu và điều kiện cho vay còn ngặt nghèo, nên nhiều DN vẫn không thể tiếp cận được vốn ngân hàng và nhất là không thể tiếp cận được với mức lãi suất quy định vì phải trả thêm các khoản chi phí không chính thức.
Ông Vũ Tiến Lộc đề nghị cần tiếp tục đơn giản hóa thủ tục và điều kiện cho vay, thực hiện những hình thức cho vay mới như cho vay theo các chuỗi sản xuất và cung ứng, phát triển hình thức bảo lãnh tín dụng qua Ngân hàng Phát triển Việt Nam và mạng lưới quỹ bảo lãnh tín dụng cần được tổ chức ở tất cả các cấp, mở rộng hình thức cho vay tín chấp, cho vay theo dự án sản xuất kinh doanh chứ không chỉ dựa vào tài sản thế chấp, khẩn trương đưa quỹ phát triển DNNVV vào hoạt động. Chính phủ cũng cần cân nhắc các kế hoạch phát hành trái phiếu để tạo áp lực buộc các ngân hàng phải tìm biện pháp đẩy mạnh cho vay đối với khu vực DN. Khuyến khích các ngân hàng thương mại dành tỷ lệ tín dụng thích đáng cho vay đối với khu vực DNNVV.
Đơn giản thủ tục hành chính
Trong những năm qua, công tác cải cách thủ tục hành chính (TTHC) được Chính phủ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính, Tổng cục Thuế, Tổng cục Hải quan xác định là một trong những nhiệm vụ trọng tâm.
Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Đặng Huy Đông cho biết, thủ tục đăng ký thành lập DN đã được cải thiện đáng kể thông qua việc áp dụng công nghệ thông tin vào quản lý, qua đó, DN được hưởng cơ chế đăng ký kinh doanh thống nhất, áp dụng cho mọi loại hình DN. Thời gian đăng ký thành lập DN đã giảm từ 15 ngày năm 2018 xuống còn 3,5 ngày hiện nay. Tổng cục Thuế cho biết, 43 TTHC đã được bãi bỏ, 2 TTHC đã được bổ sung theo hướng đơn giản hóa và tạo thuận lợi cho các cá nhân và tổ chức tham gia thực hiện TTHC. Ngành hải quan cũng cho biết đang tích cực đưa vào vận hành hệ thống thông quan điện tử để rút ngắn thời gian thông quan. Theo đánh giá chung, Chính phủ rất nỗ lực trong việc xây dựng môi trường kinh doanh thân thiện, tiết kiệm thời gian, giảm chi phí, giảm bớt rủi ro tham nhũng trong các giao dịch giữa các DN với cơ quan công quyền.
Tuy nhiên, theo đánh giá của cộng đồng DN, thủ tục hành chính trong nhiều lĩnh vực vẫn còn rườm rà và gây khó cho hoạt động của DN. Ông Vũ Tiến Lộc đề xuất: “Chúng tôi đề nghị tiếp tục đơn giản hóa thủ tục, giảm chi phí và thời gian thực hiện TTHC của tất cả các bộ, ngành đạt mức trung bình so với của các nước trong khu vực. Thực hiện tin học hóa quy trình thực hiện thủ tục hành chính giữa DN và cơ quan công quyền, trước hết là trong các lĩnh vực có nguy cơ nhũng nhiễu cao như đăng ký thành lập DN, thuế, hải quan, đất đai, đầu tư, xây dựng… để tạo thuận lợi cho doanh nghiệp và góp phần phòng chống tham nhũng. Tiến tới xây dựng Bộ Luật thống nhất về thủ tục hành chính liên quan đến doanh nghiệp”.
Ông Vũ Tiến Lộc cũng đề nghị sau khi ban hành Luật Doanh nghiệp và Luật Đầu tư sửa đổi sắp tới phải thực hiện ngay việc tổng rà xét các quy định pháp luật liên quan đến hoạt động của DN như Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư, Luật Xây dựng, Luật Bảo vệ môi trường, Luật Lao động, Luật Công nghệ cao, Luật kinh doanh bất động sản, Luật Nhà ở... để bảo đảm sự thống nhất, đồng bộ với các quy định của Luật Doanh nghiệp và Luật Đầu tư. Loại bỏ những văn bản pháp lý chồng chéo, đặc biệt là chồng chéo về thủ tục hành chính và ngăn chặn cho được tình trạng ban hành các giấy phép con dưới mọi hình thức, cản trở quyền tự do kinh doanh của DN.
Theo bà Nguyễn Thị Cúc, Chủ tịch Hiệp hội Tư vấn thuế Việt Nam, trong năm 2013 và đầu năm 2014, chính sách thuế đã có nhiều cải cách theo hướng giảm mức thuế và giải quyết vướng mắc về TTHC cho doanh nghiệp. Tuy nhiên, theo bà Cúc, tinh thần tháo gỡ khó khăn cho DN thường giảm dần từ cấp cao và mất đi ở cấp cơ sở. Thậm chí, có những quy định về thuế không rõ ràng nên gây hiểu khác nhau ở các cấp, giữa cục thuế này và cục thuế kia… Do đó, các bộ, ngành khi xây dựng chính sách thì cần căn cứ trên tình hình thực tế của DN.
Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình: “Nếu có cơ hội sẽ tiếp tục giảm lãi suất” Việc giảm lãi suất cũng là mục tiêu mà cơ quan này đặt ra trong suốt hai năm vừa qua. Chính vì vậy, NHNN đã kiên định và kiên trì đưa mặt bằng lãi suất thấp hơn rất nhiều so với cách đây 1,5 - 2 năm. Việc điều chỉnh giảm lãi suất hơn nữa là điều được doanh nghiệp mong muốn nhưng phải phụ thuộc vào diễn biến của nền kinh tế vĩ mô. Ngay vừa rồi, việc giảm lãi suất huy động xuống 6% và giảm lãi suất cho vay thêm 1 - 2% cũng đã là một quyết định đầy khó khăn và nhiều rủi ro với những người làm công tác quản lý. Do vốn của hệ thống ngân hàng là vốn vay từ nền kinh tế, vay của dân nên nếu hạ lãi suất xuống thấp nữa thì phải giải quyết được vấn đề dân còn gửi tiền vào ngân hàng nữa hay không. Nếu dân không gửi tiền vào ngân hàng nữa thì sẽ xảy ra rất nhiều vấn đề: Dân sẽ đầu tư vào các lĩnh vực khác mà Chính phủ không khuyến khích như USD, ngoại tệ, vàng... Do vậy, phải cân đối làm sao đảm bảo được giá trị tiền đồng, đảm bảo được nguồn vốn của nền kinh tế vận hành, đảm bảo thanh khoản của nền kinh tế nói chung và của hệ thống ngân hàng nói riêng. NHNN sẽ theo dõi sát sao, phân tích kỹ lưỡng, thậm chí 10 - 15 ngày phải xem xét lại một lần để nếu có bất kỳ cơ hội nào mà có thể giảm được lãi suất thì sẽ tiến hành ngay. Tuy nhiên, việc giảm lãi suất phải bền vững, tránh việc chính sách "giật cục", "nay xuống mai lên". Chỉ khi chính sách ổn định thì mới nâng cao được niềm tin của người dân, của doanh nghiệp vào chính sách; và bản thân các DN mới có thể yên tâm sản xuất với những phương án kế hoạch đã lập ra.
Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam Vũ Tiến Lộc: Doanh nghiệp phải đổi mới mô hình tăng trưởng Cho đến thời điểm hiện tại, trong số hơn 500.000 DN đang hoạt động, các DN cỡ lớn chỉ chiếm khoảng 2% và cũng ngần ấy phần trăm các DN cỡ vừa. Còn lại 95 - 96% là các DN nhỏ và siêu nhỏ. Riêng DN siêu nhỏ (với tiêu chí của ta là dưới 10 lao động) đã chiếm tới 66 - 67%. Nếu tính cả các hộ kinh doanh cá thể đang hoạt động trong nền kinh tế thì tỷ lệ DN siêu nhỏ có thể chiếm tới trên 99,9%…. Nói một cách hình ảnh, theo các nhà kinh tế, “đội thuyền thúng” DN Việt Nam đang đứng trước thách thức phải ra biển lớn khi thời điểm hội nhập lớn của đất nước đang cận kề. Yêu cầu có tính chất sống còn của cộng đồng DN là phải tái cấu trúc, phải đổi mới mô hình tăng trưởng. DN Việt Nam phải lớn lên về quy mô, cao hơn về công nghệ, vươn tới các chuẩn mực quốc tế về quản trị để đủ sức tham gia vào các chuỗi cung ứng toàn cầu và tạo ra được các thương hiệu và chuỗi cung ứng của chính các DN Việt. |
Thu Hường - Minh Phương thực hiện