Rừng trên "Cao nguyên đá" đang thêm xanh

Vào những ngày giữa đông, chúng tôi có dịp về thăm 4 huyện vùng cao núi đá Quản Bạ, Yên Minh, Mèo Vạc, Đồng Văn thuộc "Cao nguyên đá" Đồng Văn của tỉnh Hà Giang.


Dọc theo quốc lộ 4C quanh co, đèo dốc, vẫn nhận thấy màu xanh của cây rừng đang ẩn hiện sau những cao nguyên đá sẫm màu đặc trưng của Hà Giang.

Cán bộ kiểm lâm kiểm tra, xác định tọa độ rừng trong một chuyến tuần tra bảo vệ. Ảnh: Lê Bá Liễu - TTXVN


Trên đường đi, không hề thấy hình bóng người dân đua nhau gánh củi về đun nấu, sưởi ấm trong những ngày giá rét; cũng không thấy những bó củi được bày bán hai bên đường như thường gặp ở một số tỉnh miền núi khác. Điều này là một minh chứng cho việc công tác quản lý, bảo vệ rừng tại đây đã có nhiều chuyển biến tích cực.

Anh Nguyễn Viết Xuân, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm Mèo Vạc cho biết: Huyện có gần 18.500 ha rừng tự nhiên và rừng trồng. Do địa bàn rộng, nhân lực thiếu nên mỗi cán bộ kiểm lâm của hạt phải phụ trách từ 3 - 4 xã.


Để việc quản lý và bảo vệ rừng ngày một thêm vững chắc, ngoài việc tuần tra kiểm soát, đội ngũ cán bộ kiểm lâm còn tích cực đến từng thôn, bản, từng nhà người dân để tuyên truyền các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về công tác quản lý và bảo vệ rừng cho đồng bào.


Công tác phòng, chống chữa cháy rừng (PCCCR) được đội ngũ cán bộ kiểm lâm Mèo Vạc đặc biệt quan tâm.

Vào những tháng trọng điểm mùa khô này, cán bộ của hạt thường bám địa bàn "cùng ăn, cùng ở, cùng kiểm tra rừng" không biết ngày lễ, Tết là gì vì luôn canh cánh lo rừng bị cháy.


Mà nếu sự cố đó xảy ra thì có "trời cứu", bởi địa hình có rừng nơi đây thường rất hiểm trở, nước ăn còn phải mua 100.000 đồng/m3, lấy đâu nước để chữa cháy rừng.

Rừng keo của gia đình bà Mồng Thị Vượng, thôn Dung, xã Vô Điếm, huyện Bắc Quang (Hà Giang). Ảnh: Đình Na - TTXVN


Ngay từ đầu vụ khô hanh, hạt đã tham mưu cho UBND huyện củng cố và kiện toàn 18/18 ban chỉ huy PCCCR cấp xã, 87 tổ, đội PCCCR thôn, bản cấp phát dụng cụ PCCCR, kiểm tra giám sát công tác PCCCR theo phương châm 4 tại chỗ: "Lực lượng tại chỗ, chỉ huy tại chỗ, phương tiện tại chỗ, hậu cần tại chỗ". Từ đầu năm đến nay, các vụ cháy rừng hầu hết chỉ là những bụi cỏ, không có những vụ cháy lớn trên diện tích rộng.

Theo ông Sùng Thế Mĩ, Phó Chủ tịch UBND huyện Mèo Vạc, dự án đầu tư, bảo vệ và phát triển rừng tại 4 huyện vùng cao núi đá Quản Bạ, Yên Minh, Mèo Vạc, Đồng Văn giai đoạn 2008 - 2015 được đồng bào nhiệt tình ủng hộ, góp phần thực hiện tốt công tác khoanh nuôi bảo vệ và phát triển rừng.

Từ đầu năm đến nay, riêng Ban quản lý dự án của Mèo Vạc đã phối hợp các cơ quan chức năng, UBND xã trong vùng dự án cấp phát gần 150 tấn gạo hỗ trợ người dân tham gia khoanh nuôi, bảo vệ, chăm sóc rừng.


Để nâng cao tỷ lệ che phủ rừng, năm nay huyện trồng mới trên 1.300 ha, đạt gần 108% kế hoạch đặt ra, trong đó rừng sản xuất gần 770 ha, rừng phòng hộ trồng được 550 ha.


Công tác thực hiện chăm sóc rừng trồng các năm trên diện tích gần 1.000 ha đảm bảo đúng yêu cầu, kỹ thuật. Việc thực hiện bảo vệ rừng các năm, khoanh nuôi phục hồi rừng đảm bảo 100% kế hoạch.

Không chỉ Mèo Vạc làm tốt công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng, nhiều địa phương tại Hà Giang cũng thực hiện khá tốt công việc này.


Hiện trong tỉnh Hà Giang đã thành lập được 207 ban chỉ đạo PCCCR các cấp, gần 1.150 tổ, đội quần chúng bảo vệ rừng, trên 13.000 người ký cam kết bảo vệ rừng, giúp cho các cánh rừng trên vùng cao núi đá này ngày càng phát triển bền vững.

Thanh Tuấn, Minh Tâm - TTXVN

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN