Rượu vodka, văn hóa và vấn đề xã hội

Nếu bạn đặt câu hỏi “Đồ uống nào mà phần lớn đàn ông Nga chuộng nhất?” thì câu trả lời sẽ là “vodka”. Loại rượu mạnh này được xem như một thứ đồ uống truyền thống gắn liền với văn hóa của người dân xứ sở Bạch Dương.

Nga cam kết hạn chế sản xuất rượu vodka.

Vodka được sản xuất ở Nga từ thế kỷ 12, ngay tên gọi của nó cũng có nghĩa là rượu mạnh - từ “vodka” theo tiếng Nga nghĩa là “ít nước mà nhiều cồn”. Vodka du nhập đến nhiều nước khác vào thời kỳ một số người Nga di tản ra nước ngoài để tránh bị khủng bố vì chống đối Nga Hoàng. Ban đầu, vodka là thức uống của những người nông dân để giữ ấm cơ thể trong mùa đông giá rét nhưng dần dần, nó đã được mọi tầng lớp ưa chuộng và trở thành loại thức uống phổ biến.

 

Tuy nhiên, tại một đất nước có chỉ số tiêu thụ đồ uống có cồn cao nhất thế giới và người dân đam mê rượu như một phần của văn hóa, xung quanh vodka có rất nhiều vấn đề xã hội đáng quan tâm.


Tính bình quân mỗi người Nga tiêu thụ 13,5 lít rượu/năm, gấp hai lần mức trung bình trên thế giới và cao hơn nhiều so với mức nguy hiểm mà Tổ chức Y tế Thế giới đưa ra là 9 lít/năm. Tình trạng lạm dụng và tệ nghiện rượu đã gây ra nhiều hệ lụy đối với đời sống và xã hội Nga. Theo thống kê chính thức, có đến 25% đàn ông Nga tử vong trước tuổi 55 mà phần lớn nguyên nhân là do liên quan tới đồ uống có cồn. Tỷ lệ này tại Anh là 7% và ở Mỹ chỉ là 1%. Trong khi đó, một số nghiên cứu chỉ ra rằng ít nhất 3/4 số vụ giết người và gần 1/2 các vụ tự tử tại Nga đều do tác động của rượu. Theo các cơ quan tư pháp và cảnh sát, đây cũng là một trong những nguyên nhân làm tăng tỷ lệ tội phạm, bạo lực gia đình, hãm hiếp và lạm dụng tình dục trẻ em.


Hiểu rõ mối liên hệ trực tiếp giữa rượu và các vấn đề xã hội, năm 1985, Liên Xô đã đưa ra một loạt biện pháp nhằm giảm sản xuất, hạn chế bán, kèm theo những biện pháp tăng giá rượu. Điều này đã thu được những thành công ấn tượng với tỷ lệ tiêu thụ rượu giảm 25%. Tuy nhiên, sau biến cố Liên Xô sụp đổ, các biện pháp trên đã không được áp dụng tiếp và hệ quả của nó là tình trạng tiêu thụ rượu cũng như các tệ nạn xã hội liên quan tới đồ uống có cồn lại tăng mạnh.


Trong những năm gần đây, chính phủ Nga đã nỗ lực chống lại tình trạng lạm dụng rượu bằng cách ban hành các điều luật nhằm hạn chế bán và quảng cáo rượu. Theo tạp chí The Lancet, số ca tử vong do rượu ở Nga vẫn ở mức rất cao, gấp hơn bốn lần so với mức trung bình ở Tây Âu, nhưng đã giảm được 1/3 kể từ năm 2006 khi các luật trên có hiệu lực.


Giới phân tích đều nhất trí rằng nâng giá rượu là một biện pháp hữu hiệu, nhưng chính phủ cần tăng cường hơn nữa việc kiểm soát các khâu bán và quảng cáo liên quan đến đồ uống có cồn; cũng như phải đẩy mạnh tuyên truyền về tác hại của tệ nghiện rượu đối với người dân.


Chính phủ Nga đã đưa ra cam kết hạn chế sản xuất và tiếp tục tăng giá rượu vodka ít nhất là tới năm 2015 cũng như giảm mức tiêu thụ rượu bình quân theo đầu người xuống còn 8 lít/năm. Quyết tâm của chính phủ Nga là vậy, song tại một đất nước mà đa số người dân coi rượu vodka như một phần của văn hóa, khó có thể tiên đoán về mức độ thành công của các chính sách trên, như một số nhà quan sát nhận định.

 

Việt Hùng

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN