Sắc xuân ở xã đặc biệt khó khăn

Chương trình 135 đã và đang từng ngày, từng giờ mang mùa xuân tới cho đồng bào vùng sâu, vùng xa trên khắp mọi miền đất nước.


Khởi sắc ở Hang Kia


Ngược quốc lộ 6, chúng tôi đến với Hòa Bình, để đến xã Hang Kia, một xã đặc biệt khó khăn của huyện Mai Châu, tỉnh Hòa Bình. Dẫn chúng tôi đi thăm một vòng quanh xã, đồng chí Khà Văn Váu, Chủ tịch xã Hang Kia chia sẻ: "Cơ sở hạ tầng của xã được như ngày hôm nay cũng là nhờ Chương trình 135 đấy.

Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc, Hà Hùng thăm trường tiểu học ở xã Hang Kia.

Trước kia đường vào xã, đường đến các thôn bản nhỏ gập ghềnh lắm. Từ khi triển khai thực hiện Chương trình 135, mỗi năm xã được cấp khoảng 800 - 900 triệu đồng để cải tạo và làm mới những tuyến đường giao thông liên thôn giúp người dân đi lại thuận lợi hơn trước. Tính riêng trong năm 2013, với số kinh phí 900 triệu đồng, xã đã bê tông hóa được trên 300 m đường và xây nhà bếp, tường bao cho trường mầm non của xã".
Mới đây, người dân xã Hang Kia càng vui mừng hơn khi được nhận 3 bể chứa nước có tổng dung tích 12.000 m3 với số vốn đầu tư trên 26 tỷ đồng. Kể từ khi bể chứa nước sạch đi vào sử dụng, hơn hai phần ba trên tổng số 3.662 nhân khẩu của xã không còn chịu cảnh thiếu nước sinh hoạt triền miên mỗi khi mùa khô đến. Cùng với các chương trình, dự án đầu tư khác, Chương trình 135 đang tạo ra động lực mạnh mẽ giúp xã Hang Kia phát triển kinh tế, xã hội, nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân.


Dừng chân trước dãy nhà 2 tầng của trường tiểu học Hang Kia, tiếng đọc bài của các cháu nhỏ vọng ra rành rọt. Thấy chúng tôi tới thăm trường, thầy giáo hiệu trưởng Hà Công Hùng, hồ hởi bắt tay thật chặt. Thầy Hùng cho biết, những năm trước đây, tình trạng học sinh bỏ học diễn ra thường xuyên, đặc biệt sau những đợt nghỉ lễ, Tết, nghỉ hè dài ngày. Thầy cô giáo trong trường phải tới từng nhà vận động nhưng cũng khó có thể đảm bảo được 100% sỹ số lớp. Thật đáng mừng là từ khi có chính sách hỗ trợ cho học sinh con em đồng bào dân tộc thiểu số thì tỷ lệ học sinh đến trường cao hơn hẳn, số tiền hỗ trợ tuy không lớn nhưng cũng phần nào giảm bớt khó khăn cho bố mẹ các cháu, giúp họ yên tâm cho con em đến trường. Nhìn các em nhỏ đang cặm cụi bên những con chữ, chúng tôi cảm nhận một mùa xuân khác đang đến với Hang Kia, mùa xuân đến từ quá trình “trồng người” nhọc nhằn bằng một quyết tâm cháy bỏng để giũ bỏ đói nghèo, lạc hậu.


Cách làm hay ở Đại Sơn


Tạm biệt Hang Kia, chúng tôi tiếp tục hành trình ngược lên xã Đại Sơn, huyện Văn Yên, tỉnh Yên Bái. Ông Lý Văn Minh, Chủ tịch xã Đại Sơn hồ hởi cho biết: "Năm năm qua, được sự quan tâm của Nhà nước, Đại Sơn có được nguồn lực quan trọng để phát triển kinh tế xã hội của địa phương. Nhờ nguồn vốn Chương trình 135 giai đoạn II mà nhiều tuyến đường dân sinh được mở giúp người dân đi lại thuận lợi hơn rất nhiều. Cụ thể, bình quân mỗi năm xã được cấp từ 800 - 900 triệu đồng vốn xây dựng cơ sở hạ tầng, với số tiền đó chúng tôi đã huy động người dân đóng góp công sức, hiến đất để làm mới hơn chục km đường. Nếu không được sự hỗ trợ từ Nhà nước, không biết tới bao giờ người dân mới có đường để đi".


Tổng kết Chương trình 135 giai đoạn II, tỷ lệ hộ nghèo ở các xã, thôn, bản đặc biệt khó khăn giảm từ 47% xuống 28,8%.

Dẫn tôi đi thăm một số công trình của xã, ông Lý Văn Minh thông tin thêm: Đối với nguồn vốn Chương trình 135 giai đoạn II, căn cứ các quyết định đầu tư và các văn bản hướng dẫn của cấp trên về việc đầu tư các hạng mục của chương trình, dự án, lãnh đạo xã đã họp thống nhất về quan điểm, đồng thời tiến hành triển khai lập dự kiến các nội dung dầu tư hỗ trợ. Sau đó, các bí thư chi bộ thôn, trưởng thôn tiến hành họp dân, phổ biến để người dân được biết, từ đó thu thập ý kiến, nguyện vọng của dân để ưu tiên hỗ trợ theo nhu cầu thiết thực của họ. Bởi vậy khi xã họp thông báo mở đường giao thông, đồng bào phấn khởi, ủng hộ nhiệt tình, rất nhiều hộ còn hiến cả vài ha đất để làm đường.


Trên đường đi, dọc hai bên là những đồi quế xanh mướt, ông Minh chia sẻ: "Những đồi quế này đều do người dân địa phương trồng đấy. Mỗi hộ có chừng 2 - 3 ha quế, là loại cây trồng để lấy tinh dầu phục vụ thị trường trong nước cũng như xuất khẩu. Giá tinh dầu quế loại tốt trung bình dao động khoảng 200.000 đồng/lít. Đây là nguồn thu không nhỏ đối với người dân địa phương. Tuy nhiên, muốn nâng cao giá tinh dầu, nhất thiết phải đầu tư mở đường ô tô để các thương lái vào thu mua sản phẩm của bà con, hiện tại hệ thống đường dân sinh chỉ đáp ứng được nhu cầu đi lại nhưng giao thương thì không tiện lợi. Hiện nay xã còn 3 thôn là thôn Gốc Sấu, thôn Đá Đứng và thôn Làng Bang Thượng là vẫn chưa có đường giao thông và chưa có điện lưới. Bởi vậy xã thống nhất sẽ tiếp tục sử dụng vốn hỗ trợ xây dựng cơ sở hạ tầng của Chương trình 135 giai đoạn III để đầu tư cho các thôn trên.


Mùa xuân đã về bên bậc cửa mỗi gia đình. Chia tay người dân Đại Sơn, tôi mang về Hà Nội những nét xuân của miền Tây Bắc.


Bài và ảnh: Mạnh Hà

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN