Đến nay, huyện đang có 5 bếp ăn tập thể được công nhận bếp ăn an toàn, 1 cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm, 3 cửa hàng được cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm.
Là huyện miền núi khó khăn, Quan Hóa có địa hình hiểm trở, nhiều khu vực có người dân tộc thiểu số sinh sống thường xảy ra tình trạng mất an toàn vệ sinh thực phẩm. Do đó, để đảm bảo sức khỏe cho người dân, giai đoạn 2017-2019, huyện Quan Hóa đã chỉ đạo 18 xã, thị trấn thực hiện tốt công tác đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, đồng thời treo 118 băng rôn, thành lập 109 tổ giám sát cộng đồng, tập huấn về an toàn thực phẩm cho các hộ sản xuất, chế biến, kinh doanh.
Hiện trên địa bàn huyện đang có 510 cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm, trong đó có 17 cơ sở được cấp giấy xác nhận nguồn gốc xuất xứ đối với sản phẩm. Huyện Quan Hóa cũng đã xây dựng các mô hình sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm an toàn, trong đó mô hình chuỗi cung ứng rau, củ, quả sạch đang mang lại hiệu quả cao. Huyện đã hỗ trợ 26 hộ dân sống tại xã Xuân Phú và thị trấn Quan Hóa tham gia mô hình về kỹ thuật gieo trồng, chăm bón, thu hái, vận chuyển đến khu chợ tập trung để tiêu thụ đảm bảo sản phẩm; đồng thời các hộ dân cũng ký cam kết không sử dụng chất cấm trong sản xuất.
Ngoài ra, tại bản Khiêu, xã Xuân Phú, UBND huyện Quan Hóa đã xây dựng vùng sản xuất rau an toàn với diện tích hơn 5.000 m2. Nhờ thực hiện tốt mô hình chuỗi cung ứng rau, củ, quả an toàn, trong 6 tháng đầu năm 2019, số lượng rau, củ, quả an toàn được tiêu thụ tăng lên 3.900 kg, trong đó, rau các loại 1.500 kg, 1.350 kg củ các loại, quả các loại là 1.050 kg, sức khỏe của người dân đã ổn định hơn nhờ được sử dụng nguồn thực phẩm an toàn.
Tại thị trấn Quan Hóa, để xây dựng mô hình chuỗi cung ứng rau, của, quả an toàn, UBND thị trấn Quan Hóa đã hỗ trợ giống cây, khoa học kĩ thuật cho 13 hộ dân trồng rau, quả, thực phẩm sạch để cung cấp ra địa bàn. Tất cả rau, quả đều được trồng tự nhiên trong rừng nên rất đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.
Bà Nguyễn Thị Luận, tiểu khu 5, thị trấn Quan Hóa cho hay, năm 2018 bà được UBND thị trấn Quan Hóa hỗ trợ khoa học kĩ thuật, tập huấn kiến thức về trồng rau, củ, quả sạch. Sau đó, bà đã xây dựng mô hình trồng rau, củ sạch kết hợp trồng rừng, bà nhập các giống rau muống, mùng tơi, mướp, bưởi, cam về trồng trọt. Nhờ cố gắng trong công việc, tới nay bà đã có 1 ha trồng các loại rau, quả sạch, 1,5 ha trồng rừng và nuôi 100 con gà, hiện thu nhập gia đình bà vào khoảng 60 triệu/năm, tất cả sản phẩm rau, củ, quả sạch của bà đều được các cửa hàng thực phẩm sạch thu mua và bán ra thị trường miền núi.
Chị Hoàng Thị Hồng, trú tại tiểu khu 2, thị trấn Quan Hóa cho biết, chị mở cửa hàng buôn bán thực phẩm sạch, kết hợp bán hàng tạp hóa từ năm 2018 và được UBND huyện Quan Hóa cấp giấy chứng nhận cửa hàng thực phẩm sạch. Hiện các sản phẩm trong cửa hàng gồm trứng, bầu, mướp, đậu, rau muống, tất cả đều được nhập từ chuỗi cung ứng rau, quả sạch trên địa bàn huyện và được bán cho người dân miền núi quanh vùng, chủ yếu là các xã Xuân Phú, xã Hồi Xuân và thị trấn Quan Hóa, hiện nhu nhập của gia đình trị khoảng 70 triệu/năm nhờ kinh doanh thực phẩm an toàn.
Theo bà Hoàng Thị Hoa, Phó Ban chỉ đạo An toàn vệ sinh thực phẩm thị trấn Quan Hóa cho biết, thị trấn đang tiếp tục duy trì mô chuỗi cung ứng rau, củ, quả sạch để cung cấp cho người dân nguồn thực phẩm chất lượng. Thời gian tới, thị trấn sẽ tiếp tục tăng cường quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm, tổ chức các lớp bồi dưỡng, tập huấn về kỹ năng, chuyên môn cho đội ngũ cán bộ chuyên trách về an toàn vệ sinh thực phẩm.
Mặc dù đạt được những thành công ban đầu, nhưng công tác đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm sạch vẫn còn nhiều hạn chế do việc triển khai các kế hoạch xuống cơ sở chưa kịp thời, công tác kiểm tra, xử lý vi phạm chưa chặt chẽ, trong khi việc xây dựng các mô hình sản xuất an toàn vẫn còn khó khăn do đặc thù vùng miền, địa hình đồi núi phức tạp.
Ông Cao Quyết Tiến, Trưởng phòng Y tế huyện Quan Hóa cho biết, Những năm tiếp theo, huyện Quan Hóa sẽ xây dựng thêm 2 mô hình chuỗi giá trị sản phẩm an toàn, 16 mô hình cửa hàng kinh doanh thực phẩm an toàn và hoàn thành 100% bếp ăn tập thể an toàn thực phẩm. Đồng thời, đẩy mạnh công tác kết nối cung cầu tiêu thụ nông sản, thực phẩm an toàn, đưa phần mềm kết nối cung cầu rộng khắp các địa bàn các xã, thị trấn.
Cùng với đó, huyện sẽ tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của cấp ủy Đảng từ huyện xuống xã về công tác đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, phấn đấu xây dựng 9 xã, thị trấn đạt tiêu chí an toàn thực phẩm trong năm 2019 và 9 xã còn lại hoàn thành vào năm 2020. Qua đó, giúp người dân miền núi có nguồn thực phẩm sạch sử dụng, đảm bảo sức khỏe.