Xã Định Hòa, huyện Gò Quao, tỉnh Kiên Giang là một trong 11 xã điểm xây dựng nông thôn mới của quốc gia đã triển khai thực hiện thành công mô hình sản xuất lúa theo hướng công nghiệp hóa và đang được nhân rộng.
Tiến sĩ Nguyễn Xuân Niệm, Phó Giám đốc Sở Khoa học - Công nghệ Kiên Giang cho biết: Mô hình sản xuất lúa theo hướng công nghiệp hóa tại Định Hòa thực hiện trong hai năm (2011 - 2012) thuộc dự án Chương trình Nông thôn - Miền núi. Mô hình này áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật và cơ giới hóa trong sản xuất, với tổng diện tích gần 200 ha, lúa chất lượng cao đạt tiêu chuẩn chế biến xuất khẩu gạo. Ngoài việc mang lại lợi nhuận cao, tăng giá trị sản xuất trên đơn vị diện tích đất nông nghiệp, dự án đã chuyển giao hai quy trình sản xuất lúa hàng hóa chất lượng cao và lúa giống cấp xác nhận cho nông dân. Trang bị hỗ trợ các phương tiện, thiết bị máy móc phục vụ sản xuất nông nghiệp, xây dựng nhãn hiệu và thiết kế mẫu bao bì sản phẩm “Lúa giống Định Hòa” cho địa phương. Dự án góp phần cung cấp kiến thức khoa học kỹ thuật cho nông dân thông qua công tác đào tạo, tập huấn, tham quan các mô hình điểm, kiểu mẫu để ứng dụng vào thực tế sản xuất.
Người dân Giang Thành (Kiên Giang) thu hoạch lúa bằng máy gặt đập liên hợp. Lê Sen - TTXVN |
Theo đó, mô hình sản xuất lúa chất lượng cao có tổng diện tích 120 ha canh tác hai vụ/năm, năng suất đạt 13,5 tấn/ha, lợi nhuận bình quân 36 triệu đồng/ha. Nông dân tham gia dự án được hướng dẫn ứng dụng đồng bộ các biện pháp khoa học kỹ thuật như: Chọn giống mới năng suất, chất lượng cao gieo trồng; sử dụng phân bón và cách bón phân hợp lý, hiệu quả; chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh và cơ giới hóa trong làm đất, gieo sạ, bơm tát, phun thuốc bảo vệ thực vật, thu hoạch, bảo quản làm nên những mùa vàng bội thu, nâng cao trình độ sản xuất so với trước đây. Ông Danh Kha Miêu, Trưởng ấp Hòa Út, xã Định Hòa cho biết: “Nếu như vài ba năm trước, sản xuất lúa ở đây chỉ khoảng 8 - 9 tấn/ha/năm thì nay năng suất tăng lên 12 - 14 tấn/ha/năm nhờ ứng dụng khoa học kỹ thuật, phương tiện máy móc vào gieo cấy. Phần lớn nông dân thay đổi tập quán sản xuất truyền thống bằng phương thức sản xuất mới thông qua các lớp khuyến nông, tập huấn kỹ thuật nông nghiệp do ngành chức năng của huyện, của tỉnh tổ chức”.
Tăng trưởng của ngành nông nghiệp Kiên Giang 5 năm qua có sự tác động tích cực của khoa học - công nghệ, nhất là việc ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất lúa đã đưa Kiên Giang liên tiếp trong 2 năm (2011 - 2012) dẫn đầu cả nước về sản lượng lúa, trong đó năm 2012 đạt hơn 4,2 triệu tấn và dự kiến năm 2013 trên 4,4 triệu tấn. Tỉnh xây dựng vùng lúa chuyên canh chất lượng cao 120.000 ha cung ứng nguyên liệu cho chế biến xuất khẩu gạo trên cơ sở tổ chức sản xuất thành công, hiệu quả mô hình cánh đồng mẫu lớn hướng đến sản xuất nông nghiệp công nghệ, chất lượng cao. |
Đối với mô hình sản xuất lúa giống có diện tích 80 ha, sản xuất hai vụ/năm, năng suất đạt 11,5 tấn/ha, lợi nhuận 34 triệu đồng/ha, đồng thời xây dựng nhãn hiệu hàng hóa cho sản phẩm lúa giống Định Hòa bao gồm: Logo, quy chế sử dụng, đăng ký bảo hộ... Ông Phạm Thanh Hải, Phó Chủ tịch UBND xã Định Hòa cho biết: Thực hiện mô hình sản xuất lúa theo hướng công nghiệp hóa đã giúp cho xã đào tạo, nâng cao trình độ chuyên môn cho cán bộ, kỹ thuật viên nông nghiệp cơ sở; tổ chức các đợt tham quan, học tập kinh nghiệm mô hình thí điểm, kiểu mẫu cho hơn 30 nông dân tham gia dự án và 10 lớp tập huấn sâu kỹ thuật trồng lúa cho trên 450 lượt nông dân trong và ngoài dự án. Nông dân vùng dự án có sự thay đổi nhận thức rõ nét trong canh tác như: Áp dụng sạ hàng 100% diện tích đối với sản xuất lúa giống và hơn 95% đối với lúa chất lượng cao, 100% sử dụng giống lúa mới, năng suất, chất lượng cao gieo trồng, làm đất, thu hoạch bằng máy gặt đập liên hợp. Dự án còn trang bị cho địa phương máy phun thuốc trừ sâu, dụng cụ sạ hàng, lò sấy lúa giống và hỗ trợ lúa giống, vật tư nông nghiệp cho nông dân.
Mô hình sản xuất lúa theo hướng công nghiệp hóa tại xã Định Hòa còn gắn với thực hiện thí điểm liên kết “4 nhà” trong sản xuất và tiêu thụ lúa gạo hàng hóa đạt kết quả tốt. Sản phẩm nông sản hàng hóa được các doanh nghiệp bao tiêu nên đầu ra tiêu thụ lúa của nông dân ổn định. Doanh nghiệp gắn với nông dân, xây dựng vùng nguyên liệu theo hướng sản xuất nông nghiệp công nghệ, chất lượng cao.
Theo Tiến sĩ Nguyễn Xuân Niệm, Phó Giám đốc Sở Khoa học - Công nghệ Kiên Giang, mô hình sản xuất lúa theo hướng công nghiệp hóa tại xã Định Hòa có sự tác động khá lớn của khoa học - công nghệ. Hiệu quả tích cực của mô hình này là nâng cao về mặt nhận thức, thay đổi tập quán sản xuất lúa của nông dân, góp phần làm thay đổi diện mạo nông thôn. Thúc đẩy nhanh ứng dụng khoa học - công nghệ và chuyển giao tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp phục vụ phát triển nông thôn; nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của sản phẩm hàng hóa trên thị trường; góp phần tham gia thị trường khoa học - công nghệ; huy động các nguồn lực xã hội, góp phần phát triển sản xuất hàng hóa, tăng thu nhập, tạo thêm việc làm cho nông dân, thực hiện mục tiêu tăng trưởng và xóa đói, giảm nghèo; đào tạo và bồi dưỡng cho cán bộ kỹ thuật cơ sở và nông dân... tạo đà cho Kiên Giang xây dựng, phát triển một nền sản xuất nông nghiệp theo hướng công nghệ chất lượng cao.
Lê Huy Hải