Ông Trịnh Đức Lập, Trạm trưởng Trạm Bảo vệ thực vật huyện Mèo Vạc, Chủ nhiệm đề tài Sản xuất rau an toàn theo hướng VietGAP trên Cao nguyên đá Đồng Văn, cho biết: Mô hình trồng rau an toàn theo hướng VietGAP, được triển khai tại xã Pả Vi và thị trấn Mèo Vạc (huyện Mèo Vạc), là giải pháp tối ưu đối với Cao nguyên đá Đồng Văn - nơi luôn khan hiếm nước.
Mèo Vạc là một trong 4 huyện nằm trên Cao nguyên đá Đồng Văn, là huyện vùng cao gặp rất nhiều khó khăn về giao thông, địa hình chia cắt, trình độ dân trí còn nhiều hạn chế, thiên nhiên khắc nghiệt. Đặc biệt, ở đây thường bị thiếu nước phục vụ sinh hoạt và sản xuất nông nghiệp. Thực hiện mô hình liên kết "4 nhà" (nhà nông, nhà khoa học, doanh nghiệp và Nhà nước) trong sản xuất nông nghiệp, huyện Mèo Vạc đã triển khai có hiệu quả dự án sản xuất rau an toàn theo hướng VietGAP tại xã Pả Vi và thị trấn Mèo Vạc (huyện Mèo Vạc) từ tháng 7/2011 - 7/2012, trên diện tích 10.000 m2.
Sau 12 tháng thực hiện, mô hình đã tiến hành trồng các loại rau vụ đông xuân, rau vụ hè thu, rau vụ xuân hè; kết quả đã thu hoạch được 59,35 tấn rau sạch, đạt gần 300 triệu đồng, tăng gần 190 triệu đồng so với trồng rau thông thường.
Theo ông Nguyễn Chí Thường, Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Mèo Vạc: Mô hình trồng rau an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP ngoài việc tiết kiệm nước tưới, công sức, năng lượng, nguyên liệu; còn giúp tăng năng suất và nâng cao chất lượng sản phẩm. Trong thời gian tới, Mèo Vạc sẽ tiếp tục triển khai nhân rộng mô hình sản xuất rau an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP tại các xã, góp phần nâng cao thu nhập cho bà con nông dân các dân tộc thiểu số.