Tuy nhiên, sự lựa chọn thanh long của các thị trường này không giống nhau. Vì vậy, để sản xuất thanh long mang lại hiệu quả cao và đồng bộ ở những vùng sản xuất thanh long của Việt Nam, người sản xuất thanh long cũng cần có một nguồn thông tin, sự liên kết tiêu thụ ổn định, để tránh hiện tượng chênh lệch quá lớn về giá trị của các vùng trồng thanh long trong nước.
Thị trường ngày càng khắt khe
Câu chuyện thanh long trái vụ hiện nay ở một số nơi như tỉnh Bình Thuận, Bà Rịa - Vũng Tàu thương lái mua với giá thấp (khoảng 5.000 - 7.000 đồng/kg), làm cho người sản xuất thanh long không thu được lợi nhuận vẫn thường diễn ra nhiều năm nay.
Ông Nguyễn Văn Em, chủ vườn thanh long tại huyện Bắc Bình, Bình Thuận cho biết, thông thường, thanh long sản xuất trái vụ chỉ có một đợt rớt giá do trùng với những vườn sản xuất chính vụ. Tuy nhiên, sản xuất thanh long trái vụ năm nay chưa ra đợt trùng chính vụ mà vẫn bị rớt giá là do sức tiêu thụ chậm. Bên cạnh đó, phía Trung Quốc cũng đang tiến hành kiểm tra, kiểm dịch nghiêm ngặt khiến cho các xe hàng thanh long phải chờ lâu hơn thời điểm trước. Bởi vậy mà lượng thanh long tại cửa khẩu lưu thông chậm, các doanh nghiệp thu mua tồn hàng nên đã thu mua thanh long vụ này thấp hơn trước.
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bình Thuận, tỉnh hiện có khoảng 30.000 ha thanh long với sản lượng hơn 550.000 tấn/năm; trong đó, hơn 10.000 ha được cấp chứng nhận VietGap, 1.500 ha được xác nhận mã số vùng trồng đủ tiêu chuẩn xuất khẩu vào thị trường Hoa Kỳ, hơn 260 ha được chứng nhận GlobalGap. Hơn nữa, cây thanh long vốn đã được người trồng điều tiết phù hợp với yêu cầu thu mua của doanh nghiệp, không có tình trạng nông dân tự mở rộng diện tích sản xuất thanh long, thiếu kiểm soát trong phát triển cây trồng này để dẫn đến cung vượt cầu.
Qua khảo sát, các hộ sản xuất thanh long, hoặc chuyển đổi sang trồng thanh long trên đất lúa của người dân Tiền Giang, Long An, có thể thấy, những năm qua, cây thanh long đã giúp nhiều nông dân khấm khá hơn so với làm lúa và các loại rau màu khác. Ông Cao Văn Hóa, Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Tiền Giang chia sẻ, tỉnh Tiền Giang cũng đã xác định thanh long là một trong những cây chủ lực, nên chú trọng quy hoạch vùng trồng, cơ sở hạ tầng để hỗ trợ nông dân. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Tiền Giang cũng hỗ trợ, khuyến khích người trồng thanh long ứng dụng khoa học kỹ thuật tiên tiến vào trồng trọt. Tỉnh đang định hướng tổ chức lại sản xuất theo hướng liên kết chuỗi giá trị, tăng cường quảng bá, xúc tiến thương mại, đa dạng hóa thị trường tiêu thụ… để người sản xuất “sống khỏe” với cây thanh long.
Để giữ được quy hoạch này, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Tiền Giang cũng đã kêu gọi các doanh nghiệp chế biến và xuất khẩu thanh long đi các thị trường khó tính như Công ty TNHH Chế biến nông sản thực phẩm Cát Tường, Công ty TNHH Thương mại Dịch vụ Xuất Nhập Khẩu Vina T&T, Công ty TNHH Kim Nhung Đồng Tháp,… liên kết, hợp tác trực tiếp với nông dân, để hướng dẫn nông dân sản xuất thanh long quy trình nghiêm ngặt của thị trường khó tính.
Chính vì sự liên kết sản xuất ổn định, giá thu mua cao, khiến cho diện tích thanh long tại 2 tỉnh Long An và Tiền Giang phát triển mạnh trong 2 năm gần đây. Cụ thể, diện tích thanh long tại tỉnh Tiền Giang đã tăng thêm 2.500 ha so với năm 2017, đạt 8.500 ha. Còn tại tỉnh Long An, diện tích thanh long cũng đang được mở rộng lên gần 5.000 ha.
Theo khảo sát, diện tích thanh long mở rộng này vẫn có thể sản xuất được lúa chất lượng cao, hoặc có thể thả nuôi tôm cho hiệu quả kinh tế cao. Tuy nhiên, nhiều người dân vẫn kiên quyết lựa chọn chuyển đổi sang cây thanh long, bởi nuôi tôm và sản xuất lúa thơm cũng rất bấp bênh. Cho dù có liên kết với doanh nghiệp thu mua nhưng thị trường rớt giá, người sản xuất vẫn phải tự chịu. Trong khi sản xuất tôm phải mất nhiều chi phí đầu tư, còn sản xuất lúa thơm đúng yêu cầu của thị trường khó tính lại vượt quá sức đầu tư của người dân ở đây.
Đầu tư giống mới để đáp ứng thị trường
Nhiều doanh nghiệp chế biến và xuất khẩu thanh long đi thị trường khó tính chia sẻ, độ chín của trái thanh long hiện nay diễn ra rất nhanh. Chỉ cần qua 2 ngày, thanh long sẽ không còn giữ được độ tươi xanh. Do đó, khâu xử lý trái thanh long để vượt thời gian nửa tháng đến các thị trường ở xa như: Hoa Kỳ, châu Âu quả thực rất tốn kém. Đồng thời, việc giữ được vỏ thanh long còn được độ tươi ngon như mới hái cũng trải qua quy trình xử lý và giữ lạnh chặt chẽ. Vì vậy, người sản xuất thanh long và cả doanh nghiệp hiện rất cần một giống thanh long có thể duy trì được độ tươi ngon lâu hơn hiện nay.
Tiến sĩ Michael Lay – Yee, Viện Nghiên cứu Cây trồng và Thực phẩm New Zealand chia sẻ, muốn phát triển sản phẩm thanh long theo hướng bền vững, Việt Nam cần có chiến lược nghiên cứu, lai tạo các giống thanh long mới có chất lượng cao, màu sắc và hương vị hấp dẫn. Đồng thời, người sản xuất phải cải tiến kỹ thuật canh tác cũng như công nghệ xử lý sau thu hoạch. Trong 7 năm qua, Viện nghiên cứu cây trồng và thực phẩm New Zealand phối hợp với các đơn vị thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam nghiên cứu và sản xuất giống thanh long mới chất lượng cao theo hướng bền vững cho người sản xuất thanh long Việt Nam.
Bà Trần Thị Oanh Yến, Phó Viện trưởng Viện cây ăn quả miền Nam phân tích, ngành sản xuất và chế biến thanh long thế giới đang trên đà tăng trưởng nhanh. Việt Nam là quốc gia có điều kiện tự nhiên phù hợp với cây thanh long. Tuy nhiên, do giống thanh long hiện nay chưa phù hợp với điều kiện bảo quản dài ngày để vào thị trường khó tính. Do đó, sản phẩm thanh long muốn giữ được độ tươi ngon khi đến tay người tiêu dùng, doanh nghiệp phải mất nhiều chi phí đầu tư công nghệ xử lý, bảo quản.
Sau kết quả phối hợp nghiên cứu giống thanh long mới cho nông dân Việt Nam của Viện cây ăn quả miền Nam và Viện Nghiên cứu Cây trồng và Thực phẩm New Zealand, đến nay, một số giống thanh long mới đang được sản xuất thử nghiệm. Các giống mới cao cấp được lựa chọn bảo hộ để thương mại hóa, có kiểm soát nhằm gia tăng hiệu quả kinh tế cho đơn vị sở hữu giống và cả người trồng thanh long. Đồng thời, Viện cũng hỗ trợ người sản xuất thanh long khu vực đồng bằng song Cửu Long thay đổi kỹ thuật canh tác cũng giúp cho trái thanh long đạt được độ tươi ngon hơn so với cách sản xuất truyền thống. Bên cạnh đó, Viện cũng khuyến cáo các doanh nghiệp chế biến và xuất khẩu thanh long cũng thay đổi dây chuyền xử lý sản phẩm thanh long như sử dụng máy rửa quả áp lực cao thay thế lao động thủ công và nâng cấp hệ thống bảo quản. Có như vậy trái thanh long Việt Nam mới có thể đi được đoạn đường xa hơn, tươi ngon dài ngày hơn và đáp ứng được các yêu cầu kiểm dịch của tất cả các thị trường, kể cả thị trường Trung Quốc.
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, hiện nay cả nước có 57.000 ha sản xuất thanh long, tập trung chủ yếu ở Bình Thuận, Long An và Tiền Giang. Sản lượng khoảng 1 triệu tấn/năm, đóng góp hơn 36% giá trị xuất khẩu trái cây Việt Nam, khoảng 1,1 tỷ USD.