Ông Lê Đắc Vinh, nông dân xã Dương Xuân Hội, huyện Châu Thành, tỉnh Long An cho biết, trước đây, thanh long xuất khẩu đi nước ngoài khá dễ nhưng hiện việc xuất khẩu đang gặp khó. Quả thanh long phải đóng thùng và có truy xuất nguồn gốc rõ ràng. Ông Đắc Vinh đã tham gia hợp tác xã để liên kết với doanh nghiệp, tạo đầu ra sản phẩm ổn định. Đồng thời, ông có điều kiện tiếp cận khoa học kỹ thuật trong sản xuất giúp nâng chất lượng sản phẩm đạt lợi nhuận cao.
Ông Nguyễn Hữu Gia, Giám đốc Hợp tác xã Dương Xuân, huyện Châu Thành cho biết, hợp tác xã chuẩn bị chu đáo để đáp ứng tiêu chí truy xuất nguồn gốc đối với quả thanh long. Hợp tác xã phổ biến tới xã viên tham gia tổ VietGAP, thực hiện nghiêm ngặt yêu cầu về đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, chất lượng thanh long xuất khẩu.
Ông Đắc Vinh chia sẻ: “Thực hiện việc truy xuất nguồn gốc có ý nghĩa thiết thực vì sẽ đảm bảo được sản xuất thanh long an toàn và thuận lợi. Ngoài ra, xã viên trồng thanh long có những sản phẩm VietGAP đều được tạo điều kiện về kỹ thuật, cách chăm sóc phân bón hữu cơ… không phải lo lắng về thị trường tiêu thụ”.
Hiện Hợp tác xã Dương Xuân có 110 thành viên với 70 ha thanh long và 14 tổ hợp tác cung ứng sản phẩm. Hợp tác xã thường xuyên phổ biến hiệu quả về chương trình thanh long ứng dụng công nghệ cao cho các thành viên hợp tác xã, kể cả người dân quanh hợp tác xã. Hợp tác xã chuẩn bị nền tảng, từng bước đưa người trồng thanh long trở thành thành viên hợp tác xã, từ đó cung cấp lượng hàng lớn, chất lượng cao cho các công ty xuất khẩu.
Theo ông Võ Thanh Hồng, Phó Chủ tịch UBND huyện Châu Thành, quả thanh long của địa phương chủ yếu tiêu thụ tại thị trường Trung Quốc, khoảng 80%. Gần đây, Trung Quốc yêu cầu thanh long Việt Nam có truy xuất nguồn gốc. Huyện triển khai sản xuất 2.000 ha thanh long ứng dụng công nghệ cao theo Nghị quyết của tỉnh ủy Long An.
Ông Hồng cho biết, huyện Châu Thành tổ chức thành lập tổ hợp tác, hợp tác xã thu mua quả thanh long đạt chuẩn chất lượng. Phần lớn người trồng thanh long phấn khởi trước việc sản xuất theo hướng ứng dụng công nghệ cao; trong đó, trên 300 ha thanh long có giấy chứng nhận VietGAP. Huyện đặt mục tiêu cuối năm 2019, địa phương đạt 750 ha thanh long, được cấp giấy chứng nhận. Các hợp tác xã đăng ký mã số, mã vạch, nhằm truy xuất nguồn gốc của quả thanh long.
“Truy xuất nguồn gốc là cầu nối từ khâu sản xuất đến khâu tiêu thụ. Ở mỗi điểm trong chuỗi giá trị, người dân phải cung cấp các thông tin rõ ràng, minh bạch, gắn kết từng chuỗi giá trị với nhau để nâng giá trị sản phẩm. Hiện địa phương có bước chuẩn bị để sản phẩm tiếp cận với những thị trường khác, người dân có ý thức trong việc sản xuất thanh long sạch", ông Võ thanh Hồng cho biết thêm.
Thời gian tới, huyện Châu Thành sản xuất 2.000 ha thanh long ứng dụng công nghệ cao để đạt chỉ tiêu đề ra. Giai đoạn 2020 - 2025, địa phương nhân rộng khoảng 2/3 diện tích thanh long trong toàn huyện. Huyện tuyên truyền, vận động người dân tham gia sản xuất thanh long đạt chuẩn VietGAP, GlobalGAP, nông nghiệp hữu cơ; phát triển tổ hợp tác, hợp tác xã để liên kết sản xuất hàng hóa, chất lượng đồng đều.
Huyện đề xuất lãnh đạo tỉnh hỗ trợ tạo điều kiện để doanh nghiệp xuất khẩu thanh long triển khai truy xuất nguồn gốc sản phẩm, xây dựng tài liệu, đoạn phim quảng cáo, giới thiệu quả thanh long Châu Thành với các nước trên thế giới, tham gia xúc tiến thương mại, đồng thời liên kết với doanh nghiệp tiêu thụ chuỗi liên kết bền vững.
Huyện Châu Thành hiện có hơn 9.000 ha thanh long, chiếm trên 80% diện tích trồng thanh long toàn tỉnh; trong đó, hơn 2.500 ha thanh long ruột trắng, gần 5.500 ha ruột đỏ. Diện tích thanh long cho quả gần 7.000 ha với tổng sản lượng gần 280.000 tấn/năm.