Sản xuất thực phẩm chức năng... chờ quy định chuẩn

Liên tiếp các vụ bắt giữ thực phẩm chức năng giả với số lượng lớn mang nhãn hiệu nước ngoài thời gian gần đây cho thấy việc sản xuất thực phẩm chức năng ở Việt Nam đang diễn ra hết sức dễ dàng, công thức và thành phần trong sản phẩm còn tùy tiện, thiếu các quy định, hướng dẫn sản xuất chuẩn.


Trong số những vi phạm về thực phẩm chức năng, thì vi phạm về quảng cáo chiếm tỷ lệ cao nhất.


Điều này cũng đặt ra yêu cầu cấp thiết phải có quy trình, thực hành sản xuất tốt thực phẩm chức năng để đảm bảo sức khoẻ cho người tiêu dùng.

Theo Hiệp hội Thực phẩm chức năng Việt Nam, thị trường Việt Nam đang có sự phát triển rất mạnh về thực phẩm chức năng.

Nếu năm 2000, Việt Nam chỉ có 13 cơ sở sản xuất với 63 sản phẩm thì đến năm 2010, Việt Nam đã có 1.626 cơ sở sản xuất với 3.721 sản phẩm và đến năm 2013, có 3.512 cơ sở sản xuất với hơn 6.800 sản phẩm thực phẩm chức năng. Trong đó, sản phẩm thực phẩm chức năng sản xuất trong nước chỉ là 1.333, còn lại hơn 5.500 sản phẩm là nhập khẩu.

Tuy nhiên, theo PGS TS. Trần Đáng, Chủ tịch Hiệp hội Thực phẩm chức năng Việt Nam, ở nước ta có thực tế là ai sản xuất thực phẩm chức năng cũng được, các quy định quản lý vẫn còn thiếu.

Sản phẩm lưu hành trên thị trường chỉ dựa vào công bố hợp quy hoặc công bố phù hợp quy định an toàn thực phẩm; việc đánh giá tính hiệu quả chủ yếu dựa vào bằng chứng kinh nghiệm thông qua tiếp xúc, từng trải trong áp dụng, mà thiếu những đánh giá về hàm lượng hoạt chất, độ tinh khiết, các mối nguy hại, độc tính gây ra..

PGS. TS Trần Đáng cho biết, sản xuất thực phẩm chức năng ở Việt Nam bùng nổ mạnh mẽ, nhưng cho đến nay, vẫn chưa ban hành được tiêu chuẩn nào về thực phẩm chức năng. Các văn bản quản lý chưa đầy đủ và còn nhiều khiếm khuyết, quy định chung chung cho cả các loại thực phẩm.

Yêu cầu điều kiện vệ sinh với các cơ sở sản xuất cũng rất đơn giản, từ nhà xưởng, trang thiết bị dụng cụ đến con người, không cần có trình độ kỹ thuật cao, cũng vẫn có thể sản xuất, chế biến... Do vậy, cần thiết phải có quy định về điều kiện nguồn nguyên liệu, cơ sở sản xuất, trang thiết bị dụng cụ, về quy trình công nghệ và cơ sở thí nghiệm.

Theo TS. Nguyễn Thanh Phong, Cục An toàn thực phẩm – Bộ Y tế, trong số khoảng 10.000 sản phẩm thực phẩm chức năng đang lưu thông trên thị trường hiện nay, chỉ khoảng 50% được người tiêu dùng chấp nhận. Nhiều loại sản phẩm được doanh nghiệp quảng cáo không đúng với chức năng và chất lượng.

Trong số những vi phạm về thực phẩm chức năng, thì vi phạm về quảng cáo chiếm tỷ lệ cao nhất, với hơn 53% số lượng doanh nghiệp vi phạm. Trong 6 tháng năm 2015, tổng số tiền phạt về những hành vi sai phạm trong quảng cáo liên quan đến thực phẩm chức năng mà Cục xử lý là 1,6 tỷ đồng ở 77 doanh nghiệp vi phạm.

Có thể nhận thấy, lợi nhuận từ việc buôn bán thực phẩm chức năng giả, kém chất lượng, cùng với việc thiếu các chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất thực phẩm chức năng trong nước, từ khâu nuôi trồng dược thảo đến cơ sở sản xuất, trang thiết bị cũng như các quy định về quản lý, đánh giá nguy cơ, bằng chứng khoa học… đang khiến ngành thực phẩm chức năng phát triển “tự do”, thiếu định hướng và người tiêu dùng không khỏi lo ngại về chất lượng thực sự của các sản phẩm này.

Để quản lý chất lượng thực phẩm chức năng, theo PGS TS. Trần Đáng, sản phẩm phải được công bố hợp quy hoặc công bố phù hợp quy định an toàn thực phẩm theo 3P: cơ sở nhà xưởng, thiết bị máy móc, quy trình công nghệ, nhân viên sản xuất (GMP); nguyên liệu, cây trồng (GAP); nghiên cứu trong phòng thí nghiệm để đánh giá tính chất lượng, an toàn và hiệu quả (GLP).

PGS TS Trần Đáng cho hay, áp dụng thực hành sản xuất tốt thực phẩm chức năng (GMP) là một phương pháp sản xuất cần tuân thủ ở từng công đoạn từ khâu tiếp nhận nguyên liệu đến thành phẩm cuối cùng. Đồng thời việc áp dụng cũng đáp ứng yêu cầu của tiến trình hòa nhập và đòi hỏi của thị trường WTO, TPP…

Bởi hiện các nước như Canada, Nhật Bản, Australia, Thái Lan, EU… đều quy định áp dụng bắt buộc áp dụng GMP cho sản xuất thực phẩm chức năng và thực phẩm chức năng muốn nhập khẩu phải có chứng nhận GMP.

Cùng quan điểm này, ông Nguyễn Thanh Phong cũng cho rằng, áp dụng GMP không chỉ đảm bảo cho sản phẩm thực phẩm chức năng được sản xuất an toàn, hiệu quả mà còn là công cụ để sàng lọc, loại bỏ các cơ sở sản xuất thực phẩm chức năng không đủ điều kiện, giảm thiểu hàng giả, hàng lậu. Đồng thời xây dựng ngành thực phẩm chức năng ở Việt Nam trở thành ngành kinh tế - y tế, phát triển bền vững, lành mạnh vì sức khỏe của người tiêu dùng.

Thông tin từ Cục An toàn thực phẩm – Bộ Y tế cho biết, sau khi xin ý kiến các bộ, ngành, tiêu chuẩn về Thực hành sản xuất tốt thực phẩm chức năng sẽ được áp dụng vào năm 2018, khi đó chỉ những doanh nghiệp có đầu tư bài bản mới tồn tại được trên thị trường. Trong thời gian từ nay đến năm 2018, Cục sẽ tiếp tục phối hợp các ngành chức năng liên quan để tập trung rà soát, kiểm tra, xử lý mạnh tay các đơn vị vi phạm, công bố để người tiêu dùng được biết.

Ngoài ra, để siết chặt việc quản lý, kinh doanh mặt hàng thực phẩm chức năng, Chính phủ đã ban hành Công điện nhằm phát động cao điểm chống buôn lậu sản xuất kinh doanh dược phẩm, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng giả.

Qua kiểm tra trong gần 8 tháng năm 2015, lực lượng lượng quản lý thị trường đã xử lý gần 2.000 vụ vi phạm. Riêng đợt cao điểm từ 15/7-15/8, lực lượng Quản lý thị trường đã xử lý trên 600 vụ, phạt hành chính 3,2 tỷ đồng, trị giá hàng thu giữ 10 tỷ đồng.

Đức Dũng (TTXVN)
Cẩn trọng với thực phẩm chức năng
Cẩn trọng với thực phẩm chức năng

“Thực phẩm chức năng (TPCN) bán đắt hơn cả thuốc, cung không đủ cầu”, đó là chia sẻ của một chủ cửa hàng thuốc tây. Thật vậy, hầu hết các nhà thuốc tây hiện nay đều có bán thực phẩm chức năng với tỉ lệ 1/3 so với thuốc.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN