Ngay sau khi Ủy ban Bầu cử Tối cao Ai Cập ngày 26/12 xác nhận gần 64% cử tri đã ủng hộ bản dự thảo hiến pháp mới nhiều tranh cãi, Thủ tướng nước này Hisham Qandil đã ra tuyên bố kêu gọi "tất cả các lực lượng chính trị hợp tác với chính phủ" nhằm vãn hồi nền kinh tế trong nước.
Nhiều người dân Ai Cập đang tích trữ đồng USD vì lo ngại tình trạng chính trị bất ổn kéo dài sẽ khiến đồng nội tệ nhanh chóng mất giá. Ảnh: Internet |
Lịch sử Ai Cập có thể bước sang trang mới sau khi Tổng thống Mohamed Morsi ký sắc lệnh thực thi hiến pháp mới ngay trong ngày 26/12. Chưa có gì đảm bảo rằng cơn sóng gió trên chính trường Ai Cập đã qua đi nhưng một điều chắc chắn, nền kinh tế quốc gia Bắc Phi này đang chìm sâu trong cuộc khủng hoảng trầm trọng.
Căng thẳng chính trị leo thang đã ảnh hưởng đến nền kinh tế Ai Cập, vốn đã suy giảm nghiêm trọng kể từ khi cựu Tổng thống Hosni Mubarak bị lật đổ tháng 2/2011. Hãng xếp hạng tín nhiệm Standard & Poor's (S&P) hôm 24/12 đã hạ mức tín nhiệm dài hạn của Ai Cập từ "B" xuống "B - " và cảnh báo sẽ có thể hạ mức tín nhiệm thấp hơn nữa trong tương lai.
S&P nêu rõ mức độ tín nhiệm dài hạn của Ai Cập bị hạ do cuộc khủng hoảng chính trị "đã làm suy yếu khuôn khổ thể chế của Ai Cập và diễn biến chính trị ngày càng phân cực ở Ai Cập có thể làm giảm tác động của quá trình hoạch định chính sách". Theo dự đoán của S&P, khủng hoảng sẽ tiếp tục leo thang vì hiện chưa có dấu hiệu nào cho thấy các phe nhóm đối lập nhau sẽ đi đến một sự thống nhất, nhằm cùng nhau giải quyết các thách thức đối với Ai Cập.
Sự phản ứng của phe đối lập, với những cam kết sẽ phản đối đến cùng bản hiến pháp mới và chương trình của Tổng thống Mohamed Morsi, cho thấy thực tế là tình trạng bất ổn tại Ai Cập sẽ không kết thúc như nhiều người dân nước này, đặc biệt là hàng chục triệu người nghèo đang khát khao ổn định, từng hy vọng. Hàng triệu người dân Ai Cập đã bỏ phiếu ủng hộ bản dự thảo hiến pháp với mong muốn được hưởng một cuộc sống ổn định, có công ăn việc làm và kinh tế phát triển. Với lượng dự trữ ngoại tệ chỉ bằng một nửa so với hai năm trước và doanh thu từ du lịch bị ảnh hưởng nặng do bất ổn chính trị quay trở lại, nền kinh tế Ai Cập đang ở trong tình trạng suy sụp từ nhiều tháng nay. Hàng loạt cuộc biểu tình liên tiếp cộng với những đòi hỏi tăng lương và cải thiện phúc lợi đang làm trầm trọng thêm cơn khốn khó về kinh tế ở đất nước này.
Theo tuyên bố gần đây của Thủ tướng Qandil, thâm hụt ngân sách Ai Cập ở mức báo động. Trong khi đó, các báo cáo chính thức khác cho rằng mức thâm hụt này có thể dao động từ 30 đến 32,5 tỷ USD trong năm tài chính hiện nay nếu tình hình hỗn loạn tại Ai Cập còn tiếp tục. Ai Cập hiện đang cố gắng để nhận được khoản vay 4,8 tỷ USD từ Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), nhưng những bất ổn hiện nay của Ai Cập đang đe dọa thỏa thuận vay này.
Nhưng cũng có ý kiến lạc quan khi dự đoán rằng, việc thông qua hiến pháp mới sẽ giúp khôi phục nền kinh tế đang gặp khó khăn của Ai Cập. Giáo sư kinh tế Hamdy Abdel - Azeem thuộc Đại học Cairô cho rằng hiến pháp mới sẽ góp phần thúc đẩy sự ổn định, giúp giành lại lòng tin của khách du lịch và giới đầu tư nước ngoài. Tuy nhiên, ông Abdel - Azeem cảnh báo rằng tình hình kinh tế Ai Cập trong tương lai gần sẽ tùy thuộc vào phe đối lập. Ông cho rằng phe đối lập nên "chấp nhận kết quả trưng cầu dân ý" bởi nền kinh tế Ai Cập thực sự đang lâm vào cảnh khó khăn.
Hồng Hạnh - Trần Long (Tổng hợp)