Sâu máy tính do thám đàm phán hạt nhân Iran

Ngày 10/6, các nhà nghiên cứu thuộc công ty an ninh mạng Kaspersky Lab (Nga) thông báo vừa phát hiện sâu máy tính phiên bản mới, lợi hại hơn được dùng để do thám các cuộc thương lượng hạt nhân giữa Iran với các cường quốc thế giới.

Trong một tuyên bố, Kaspersky Lab cho hay giới chuyên gia của họ đã phát hiện dấu vết của một phần mềm virus được nhiều người cho là đã từng được Israel sử dụng trước đây để tiến hành các hoạt động gián điệp tinh vi.

Đàm phán giữa Iran và Nhóm P5 +1 (gồm năm thành viên thường trực HĐBA LHQ là Mỹ, Trung Quốc, Pháp, Anh, Nga cùng với Đức) tại thủ đô Vienna (Áo)ngày 24/4. Ảnh: AFP/ TTXVN


Kaspersky đã tiến hành một cuộc điều tra và kết quả cho thấy công ty này đã trở thành mục tiêu của "phiên bản cải tiến" Duqu - một loại phần mềm gián điệp mà các quan chức Mỹ cho rằng đã từng được Israel sử dụng để đột nhập vào các hệ thống máy tính.

Khi các chuyên gia của Kaspersky tiến hành kiểm tra hàng triệu hệ thống máy tính trên toàn thế giới, họ phát hiện Duqu 2.0 cũng đã được sử dụng để "do thám" ba khách sạn ở châu Âu vốn là địa điểm tổ chức các cuộc đàm phán hạt nhân giữa Iran và Nhóm P5+1 (gồm 5 nước ủy viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc và Đức). Theo họ, Israel rất có thể là nước chịu trách nhiệm về một loạt các hoạt động gián điệp này.

Các nhà nghiên cứu mô tả Duqu là công cụ do thám tương tự sâu Stuxnet vốn bị phát hiện trước đó nhiều năm. Không chỉ do thám mạng máy tính của Kaspersky Lab, Duqu còn mở rộng phạm vi tấn công nhằm vào các hệ thống mạng của các nước phương Tây, Trung Đông và châu Á.

Bên cạnh đó, các tin tặc còn sử dụng Duqu 2.0 để do thám giới chính khách tham dự sự kiện kỷ niệm 70 năm giải phóng trại tập trung Auschwitz-Birkenau.

Duqu được kích hoạt năm 2011, song được cho là bị "tiêu diệt" vào năm 2012. Mới đây, các nhà phân tích công nghệ của Kaspersky Lab đã phát hiện những đợt tấn công mới, trong đó có những cuộc tấn công do sâu máy tính Duqu phiên bản cập nhật thực hiện.

Kaspersky Lab cho hay Duqu 2.0 hoạt động rất tinh vi, dễ qua mắt các chuyên gia máy tính do không để lại dấu vết hay thay đổi hệ thống cài đặt khi thâm nhập vào mạng máy tính. Theo Kaspersky Lab, các tin tặc sử dụng Duqu để do thám các công nghệ, nghiên cứu và quy trình mạng nội bộ của hãng.

Các chuyên gia an ninh mạng trước đó đã phát hiện nhiều virus máy tính cực mạnh như "Ngọn lửa" (Flame) và Stuxnet. Stuxnet được cho là do Mỹ và Israel bí mật tạo ra và phát tán nhằm phá hoại cơ sở hạ tầng hạt nhân của Iran, trong khi đó "Ngọn lửa" lại lợi hại hơn, chứa các mã nhiều gấp 20 lần so với Stuxnet.

Trong một diễn biến khác, với bối cảnh chỉ còn vài tuần nữa sẽ tới hạn chót ngày 30/6 để Iran và nhóm P5+1 (gồm Mỹ, Anh, Pháp, Trung Quốc, Nga và Đức) đi đến thỏa thuận hạt nhân toàn diện, giới chức Mỹ ngày 10/6 lên tiếng cảnh báo bước cuối cùng trong tiến trình đàm phán quốc tế này sẽ rất khó khăn.

Phát biểu với báo giới tại thủ đô Washington D.C., một quan chức Mỹ nhận định sau thỏa thuận khung hạt nhân đạt được tại Lausanne, Thụy Sĩ vào tháng 4 vừa qua, bước tiếp theo của tiến trình này sẽ rất khó khăn bởi các bên sẽ đi sâu vào các chi tiết của thỏa thuận, trong đó có việc cho phép điều tra viên của LHQ tiếp cận các căn cứ quân sự cũng như các nhà khoa học hạt nhân của Iran.

Giới chức Mỹ cho rằng sẽ khó đạt được thỏa thuận nếu như các bên không giải quyết vướng mắc trên. Bên cạnh đó, tiến trình đàm phán còn gặp khó khăn do một số vấn đề chưa được dàn xếp như việc gỡ bỏ từng bước các biện pháp trừng phạt đối với Iran, công tác thanh sát và các biện pháp để đảm bảo rằng Tehran không ngầm vi phạm các điều khoản trong thỏa thuận một khi văn kiện này đạt được.

Vòng đàm phán gần đây nhất tại Geneva, Thụy Sĩ đã thất bại trong việc thu hẹp bất đồng giữa Washington và Tehran, đặc biệt là liên quan đến vấn đề thanh sát các cơ sở quân sự của quốc gia Hồi giáo này.

Nhằm phá vỡ bế tắc và hướng tới thỏa thuận hạt nhân toàn diện, Giám đốc phụ trách chính trị của Liên minh châu Âu Helga Schmid cùng các nhà đàm phán Iran là Abbas Araqchi và Majid Takht-Ravanchi có cuộc gặp tại Vienna, Áo trong ngày 10/6 trước khi tiếp xúc với các nhà đàm phán khác vào cuối tuần này.

Hồi tháng 11/2013, Iran và P5+1 đã đạt thỏa thuận tạm thời, theo đó Tehran đình chỉ một số hoạt động hạt nhân nhạy cảm để đổi lấy việc dỡ bỏ một số biện pháp trừng phạt của phương Tây, nhằm tạo thuận lợi cho các nỗ lực ngoại giao thúc đẩy giải quyết tranh cãi xung quanh vấn đề hạt nhân của Iran.

Đầu tháng 4 vừa qua, hai bên đã đạt một thỏa thuận khung và ấn định hạn chót ngày 30/6 này đạt thỏa thuận cuối cùng.



TTXVN/Tin tức
Mỹ và Iran chạy nước rút
Mỹ và Iran chạy nước rút

Càng gần đến thời hạn để ký thỏa thuận cuối cùng về vấn đề hạt nhân của Iran, mỗi bên trong cuộc đàm phán giữa Iran với Nhóm P5+1 (gồm 5 nước Ủy viên Thường trực Hội đồng BALHQ là Mỹ, Anh, Pháp, Nga, Trung Quốc và Đức) càng tăng cường sức ép để đạt được một thỏa thuận làm hài lòng mình nhất.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN