Mỹ và Iran chạy nước rút

Càng gần đến thời hạn 30/6 để ký thỏa thuận cuối cùng về vấn đề hạt nhân của Iran, mỗi bên trong cuộc đàm phán giữa Iran với Nhóm P5+1 (gồm 5 nước Ủy viên Thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc là Mỹ, Anh, Pháp, Nga, Trung Quốc và Đức) càng tăng cường sức ép để đạt được một thỏa thuận làm hài lòng mình nhất.

Ngoại trưởng Mỹ Kerry (phải) và người đồng cấp Iran Zarif (trái) tại vòng đàm phán hạt nhân ở Geneva ngày 30/5. Ảnh: AFP/TTXVN


Duy trì sức ép cho đến phút cuối cùng lên các bên đối thoại để mình chỉ phải nhượng bộ ít nhất có thể, đó là chiến lược của Iran trong những ngày qua. Iran đã nêu lên khả năng về một sự kéo dài mới các cuộc thương lượng do những khó khăn trong việc đạt được “một thỏa thuận tốt”. Chiến lược này đã khiến các nước phương Tây lo ngại, nhất là Mỹ, nước mong muốn đạt được thỏa thuận để “tô điểm” lại hình ảnh của mình trên trường quốc tế.

Theo các nước phương Tây, khả năng kéo dài là không thể cho dù những bất đồng vẫn “không thiếu”. Hai vấn đề chính làm bầu không khí cuộc gặp mới nhất ở Geneva (Thụy Sĩ) giữa Ngoại trưởng Mỹ John Kerry và Ngoại trưởng Iran Javad Zarif vẫn ảm đạm là lịch trình hủy bỏ những sự trừng phạt của phương Tây áp đặt đối với Iran và việc thanh sát các địa điểm hạt nhân của quốc gia Hồi giáo này. Các cuộc mặc cả gay gắt giữa hai nhà ngoại giao này vẫn không san lấp được những bất đồng để thúc đẩy các cuộc thương lượng.

Những bất đồng vẫn còn đó, nhất là vấn đề thanh sát các địa điểm hạt nhân của Iran. Tehran bác bỏ mọi cáo buộc cho rằng nước này muốn phát triển bom nguyên tử, và luôn quả quyết rằng chương trình hạt nhân của họ chỉ nhằm mục đích dân sự. Chính vì thế, Iran kiên quyết không chấp nhận mọi sự thanh sát các địa điểm quân sự. Tuy nhiên, trong lần thương lượng mới đây, để giữ hòa khí, Iran đã tỏ thái độ ôn hòa khi nói rằng sẽ chấp nhận sự tiếp cận các địa điểm này của các chuyên gia nước ngoài theo qui chế của nghị định thư bổ sung hiệp ước không phổ biến vũ khí hạt nhân. Văn kiện này cho phép Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) thanh sát các địa điểm hạt nhân và cả các địa điểm khác, kể cả các địa điểm quân sự. Nhưng theo Iran, hướng tiếp cận như vậy phải theo qui định và phải được giải thích, chứng minh đầy đủ sự cần thiết, có sức thuyết phục, và đương nhiên phải được chủ nhà đồng ý cho từng chuyến thanh sát.

Tuy nhiên, Pháp - nước có lập trường cứng rắn nhất trong nhóm P5+1 - lo ngại rằng Mỹ quá nhượng bộ với Iran. Ngoại trưởng Pháp Laurent Fabius tuyên bố rằng sẽ không có sự chấp nhận của Pháp nếu việc thanh sát tất cả các cơ sở của Iran, kể cả quân sự, là không chắc chắn.

Theo các nhà phân tích, việc ký một thỏa thuận với Iran không chỉ là ưu tiên của Tổng thống Barack Obama mà nó còn nằm trong một mục tiêu tham vọng hơn nhiều: Đến một lúc nào đó, tất nhiên là sau khi ký thỏa thuận này, sẽ xúc tiến quá trình hòa giải giữa Mỹ và Iran với hy vọng xoa dịu các cuộc xung đột dai dẳng và vô cùng đẫm máu ở Trung Đông. Tuy nhiên, để làm được điều đó, ông Obama đang đứng trước một loạt thách thức, bị chỉ trích tại Quốc hội với đa số thuộc đảng Cộng hòa, kiên quyết phản đối một thỏa thuận hạt nhân với Iran và chính họ là những người có quyền xem xét lại văn bản cuối cùng. Ngoài ra, cũng không nên quên ảnh hưởng của Israel, nước đã và đang không bỏ lỡ một cơ hội nào để phản đối một thỏa thuận như vậy với Iran, cho rằng nó sẽ mang lại "những hậu quả khôn lường".

Tuy nhiên, về phần mình, vì lo ngại 20 tháng thương lượng và những nỗ lực không mệt mỏi vừa qua sẽ bị uổng phí vào phút chót, chính quyền Mỹ đã tỏ ra cương quyết, khẳng định thời hạn cuối cùng (để ký thỏa thuận) phải là ngày 30/6 tới, chứ không tính đến việc kéo dài các cuộc thương lượng thêm một lần nữa. Trong khi đó, nhiều nhà phân tích cho rằng một thỏa thuận như vậy “chắc chắn là sẽ có lợi cho cả hai bên”, và rằng cả Mỹ lẫn Iran đều không muốn bỏ lỡ cơ hội lịch sử này, và tất cả họ đều đang chạy nước rút để có được một thỏa thuận tốt nhất có thể cho mình.
Phạm Phú Phúc (Theo tờ "Chính trị Thế giới")
Iran sẽ tham gia Con đường tơ lụa mới
Iran sẽ tham gia Con đường tơ lụa mới

Iran sẽ tham gia vào một mắt xích trong dự án Con đường tơ lụa mới của Trung Quốc, được kỳ vọng sẽ vận chuyển hơn 12 triệu tấn hàng hóa mỗi năm nếu trở thành hiện thực.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN