Hàng ngàn người xin trả lại hồ sơ, giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCNQSDĐ) do phải trả tiền sử dụng đất vượt quá khả năng tài chính của họ, ngay cả khi Nhà nước cho nợ tiền sử dụng đất, nhưng khoản lãi chậm nộp lại quá cao, lên tới 0,05%/ngày, tương đương 18%/năm là thực tế đã và đang diễn ra tại TP Hồ Chí Minh và nhiều địa phương trên cả nước. Xung quanh vấn đề này, Bộ trưởng Tài nguyên và Môi trường Nguyễn Minh Quang đã giải thích rõ trong chương trình “Dân hỏi, Bộ trưởng trả lời”, Đài Truyền hình Việt Nam, Cổng thông tin điện tử Chính phủ, Thông tấn xã Việt Nam và một số cơ quan truyền thông khác.
Theo Bộ trưởng Tài nguyên và Môi trường Nguyễn Minh Quang, sau khi có Nghị quyết 30 của Quốc hội, Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Tài Nguyên và Môi trường, các bộ, ngành liên quan và các địa phương có các biện pháp đẩy nhanh tiến độ cấp GCNQSDĐ. Một số địa phương làm tốt việc cấp GCNQSDĐ như: TP Hồ Chí Minh, Khánh Hòa, Tuyên Quang, Lai Châu, Thừa Thiên - Huế, bên cạnh đó, một số tỉnh chỉ đạo chưa quyết liệt. Hiện còn 22 tỉnh có tỷ lệ cấp GCNQSDĐ thấp, do gặp phải một số vướng mắc. Bộ TN&MT cũng đã họp bàn với các địa phương để cùng tháo gỡ khó khăn, đồng thời đề nghị lãnh đạo các địa phương tăng cường chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ cấp GCNQSDĐ. Sơ kết 5 tháng đầu năm, Bộ sẽ “điểm mặt, chỉ tên” những địa phương chậm tiến độ cấp GCNQSDĐ để có chỉ đạo quyết liệt hơn, nhằm hoàn thành chỉ tiêu năm 2013”, Bộ trưởng Nguyễn Minh Quang nhấn mạnh.
Giải thích về hệ số K, một trong những “thủ phạm” khiến người dân ở TP Hồ Chí Minh và một số địa phương khác trả lại GCNQSDĐ; Bộ trưởng Nguyễn Minh Quang khẳng định: Hệ số K là hệ số điều chỉnh giá đất để tính toán thu tiền sử dụng đất lần đầu. Hệ số K sẽ do địa phương quy định cho phù hợp với thực tế. Bộ trưởng thừa nhận, tình trạng xin trả lại GCNQSDĐ ở TP Hồ Chí Minh và một số địa phương thời gian qua một phần liên quan đến hệ số K. Thực tế, tại TP Hồ Chí Minh, hệ số K dao động từ 2 - 4,5 lần so với giá quy định là tương đối cao, trong khi điều kiện kinh tế khó khăn của mỗi hộ gia đình, cũng như nền kinh tế chung hiện nay họ rất khó có thể nộp được khoản tiền này để lấy GCNQSDĐ. Theo Bộ trưởng, để khắc phục tình trạng trên, Bộ TN&MT đã bàn với Bộ Tài chính và đề nghị TP Hồ Chí Minh và các tỉnh khác tính hệ số K theo hướng tạo điều kiện thuận lợi nhất để cấp GCNQSDĐ đối với diện tích đất vượt quá hạn mức để người dân có thể nộp tiền theo quy định.
Nhà nước đã có chính sách cho người dân nợ tiền sử dụng đất, nhưng lại tính lãi chậm nộp cao lên đến 18%/năm, về vấn đề này, Bộ trưởng giải thích: Thông tư 93 của Bộ Tài chính quy định, khi cấp GCNQSDĐ, người được cấp giấy sẽ phải nộp một khoản tiền. Tuy nhiên, sau khi có quyết định thu tiền mà chậm nộp theo thời hạn quy định, thì phải chịu nộp phạt 0,05%/ngày. Bên cạnh đó, Nghị định 120 của Chính phủ cho phép người dân khi chưa có tiền để trả phí cấp GCNQSDĐ có thể ghi nợ trong thời hạn 5 năm và sẽ được tính giá theo thời điểm cấp giấy. Như vậy, theo Bộ trưởng, có thể người dân chưa biết chính sách này, hoặc địa phương chưa triển khai. Vì vậy, các địa phương nên phổ biến rộng rãi để người dân nắm được, các cơ quan chuyên môn cần giải thích rõ để người dân thực hiện.
Một số cán bộ làm nhiệm vụ cấp GCNQSDĐ cũng băn khoăn về việc chỉ tiêu cấp giấy được giao năm nay cao gấp hơn hai lần so với những năm trước cộng lại, nhưng kinh phí thì không tăng, kể cả kinh phí đo đạc. Bộ trưởng Nguyễn Minh Quang, chia sẻ, kinh phí đo đạc giữ vai trò quan trọng đến tỷ lệ cấp GCNQSDĐ ở các địa phương. Năm 2012 và 2013 yêu cầu về chỉ tiêu cấp GCNQSDĐ cao, nhưng tiền thu từ việc này rất ít, trong khi diện tích lại rất lớn, nhất là ở các tỉnh trung du, miền núi. Bộ trưởng cũng cho biết, năm 2012, Chính phủ đã hỗ trợ 1.000 tỷ cho hơn 42 tỉnh, nhưng năm nay do điều kiện kinh tế khó khăn, nên chưa có kinh phí cho việc này. Bộ TN&MT cũng đã bàn với Bộ Tài chính kiến nghị với Quốc hội, Chính phủ dành nguồn kinh phí hỗ trợ cho các tỉnh hoàn thành chỉ tiêu cấp GCNQSDĐ năm 2013.
Trọng Thủy