Theo PGS. TS Nguyễn Công Khanh, Giám đốc Trung tâm đảm bảo chất lượng giáo dục và khảo thí (ĐH Sư phạm Hà Nội), thay chấm điểm bằng đánh giá là phù hợp với sự phát triển của trẻ, đồng thời thay đổi mục đích học tập, việc học thêm sẽ tự giảm.
Giờ tập viết của học sinh lớp 1, trường Tiểu học Sông Hiến I, TP Cao Bằng, tỉnh Cao Bằng. Ảnh:Minh Quyết - TTXVN |
´Quy định khuyến khích không chấm điểm học sinh lớp 1 của Bộ GD- ĐT hiện có nhiều ý kiến trái chiều trong dư luận, ông đánh giá về vấn đề này như thế nào?
Tôi hoàn toàn ủng hộ quan điểm không chấm điểm học sinh lớp 1, vì có cơ sở khoa học. Khi trẻ bước vào tiểu học, hoạt động vui chơi dần dần chuyển sang hoạt động học tập, trong bối cảnh ấy, việc đánh giá bằng điểm số sẽ ít nhiều ảnh hưởng đến tâm, sinh lý của trẻ. Nếu trẻ bị điểm kém sẽ rất buồn. Những trải nghiệm thất bại đầu tiên ấy sẽ dẫn đến những phản ứng tiếp theo là sự bất lực. Đứa trẻ không tự tin vào bản thân và nghĩ mình không có khả năng trong việc học hành, dần dần suy giảm hứng thú. Nên xét ở góc độ lợi ích phát triển tâm lý của trẻ thì lứa tuổi tiểu học, đặc biệt là lớp 1, 2, xu hướng chung nên là đánh giá bằng nhận xét tích cực.
Khi đánh giá bằng nhận xét sẽ đòi hỏi giáo viên phải làm việc kỹ lưỡng hơn và nắm bắt tâm lý của trẻ hơn. Đồng thời khi không chấm điểm thì phụ huynh sẽ không chú trọng vào điểm số nữa, mà sẽ quan tâm đến nội dung con mình học được, trải nghiệm và tương tác của trẻ, là tiền đề để đứa trẻ kết nối tâm lý với cha mẹ, gia tăng tự tin, tình yêu thương và hứng thú học tập.
Đồng thời, triết lý đánh giá mới này, sẽ làm thay đổi mục đích học tập. Học sinh sẽ không phải là học để đáp ứng thi cử, ứng thí, thi xong là quên hết như hiện nay mà mục đích học tập là nuôi dưỡng hứng thú học đường, gia tăng sự tự tin cho trẻ thì việc học thêm để làm chủ kỹ thuật giải bài toán, bài văn cụ thể không cần thiết nữa. Từ đó, việc học thêm sẽ tự giảm đi.
´Nhưng, thưa ông nhiều ý kiến phụ huynh lo ngại, nếu không chấm điểm, họ sẽ không biết học lực của con mình ra sao, chất lượng học như thế nào?
Nói đánh giá bằng nhận xét không có nghĩa là phủ nhận sự đánh giá bằng điểm số. Điểm số vẫn song song tồn tại nhưng chỉ thực hiện khi đánh giá giữa kỳ và cuối kỳ bằng bài kiểm tra chính thức. Thực tế, có nhiều cách đánh giá khác nhau như: đánh giá bằng hồ sơ học tập, đánh giá bằng quan sát, đánh giá bằng điểm số… giáo viên phải làm chủ nhiều cách đánh giá khác nhau và tích hợp chúng lại. Đánh giá bằng điểm số có thể là cách nhanh nhất đem lại kết quả nhưng lại khiến người được đánh giá không phân biệt được sự khác biệt trong nội hàm sự đánh giá đó. Khi đánh giá bằng nhận xét thì phụ huynh sẽ phải trao đổi nhiều hơn với giáo viên để hiểu con mình. Những nhận xét của giáo viên chính là bằng chứng cho phụ huynh biết được con mình tiến bộ như thế nào hơn là một điểm số.
´Vậy theo ông, để thực hiện tốt việc đánh giá thì cần phải làm những gì?
Theo tôi, khi Bộ đưa ra chủ trương thì cần có tài liệu hướng dẫn chi tiết và phải có những khóa tập huấn, sử dụng những chuyên gia đã làm chủ được những kỹ thuật này. Ngoài việc được tập huấn, giáo viên có thể học trên mạng, qua tài liệu sách vở… Khi đánh giá thì từng bước phải nhận được phản hồi từ phía người học, cuối cùng của kết quả đánh giá phải làm cho học sinh hứng thú đến trường, nuôi dưỡng sự tự tin và làm cho đứa trẻ thay đổi. Đó là mục tiêu của đánh giá.
Việc đánh giá bằng nhận xét đòi hỏi giáo viên phải hiểu bản chất thì mới áp dụng. Nhưng không phải trường nào cũng có thể làm ngay được vì không thể cùng một lúc tiến hành quá nhiều hoạt động đó và còn phải trên cơ sở nguồn lực nữa. Trường nào cảm thấy đủ cơ sở, giáo viên đủ trình độ thì có thể áp dụng được. Hoặc các trường có thể mời chuyên gia về dạy hoặc liên kết với các trường sư phạm có đủ năng lực.
Xin trân trọng cảm ơn ông!
Thu Trang (thực hiện)