CH Serbia và Kosovo (tỉnh thuộc Serbia đơn phương tuyên bố độc lập năm 2008) đã không thể đạt được thỏa thuận tại vòng đàm phán lần thứ sáu vừa diễn ra ngày 4/3 tại thủ đô Brussels (Bỉ), nhằm bình thường hóa quan hệ song phương. Thủ tướng CH Serbia Ivica Dacic đã xác nhận như trên với giới báo chí, sau khi tham gia vòng đàm phán với người đứng đầu chính quyền Kosovo Hashim Thaci và Đại diện cấp cao phụ trách chính sách an ninh và đối ngoại Liên minh châu Âu (EU) Catherine Ashton, người đóng vai trò trung gian trong cuộc đàm phán ba bên này.
Serbia và Kosovo không đạt được thỏa thuận sau vòng đàm phán thứ sáu. Ảnh: Internet. |
Cụ thể, Serbia và Kosovo vẫn bất đồng quan điểm về vấn đề phức tạp và nhạy cảm nhất trong quan hệ hai bên, là quyền về chính trị và kinh tế của cộng đồng người Serbia tại Kosovo, đặc biệt là của khoảng 40.000 người thiểu số Serbia ở miền bắc Kosovo, vốn không công nhận chính quyền Pristina. Phía Serbia đề xuất hợp nhất 9 cơ quan chính quyền đô thị tự trị của người Serbia tại Kosovo thành một thể chế chính quyền thống nhất, có bộ phận lập pháp và hành pháp riêng, và có mối liên hệ chặt chẽ với chính quyền CH Serbia.
Phía Kosovo chấp nhận thành lập thể chế này, song với điều kiện nó không có quyền hạn gì. Thủ tướng Dacic cũng bác bỏ tuyên bố của người đứng đầu chính quyền Kosovo Thaci cho rằng có một thỏa thuận miệng về việc các cơ cấu an ninh của người Serbia tại khu vực bắc Kosovo sẽ ngừng hoạt động. Ông Dacic khẳng định Serbia không có bất cứ cơ cấu an ninh nào tại khu vực trên.
Ông Dacic lưu ý rằng thời gian để Serbia giải quyết vấn đề bình thường hóa quan hệ với Kosovo không còn nhiều, tuy nhiên không vì thế mà
Belgrade đưa ra những quyết định vội vàng gây tổn hại lợi ích quốc gia. Ông Dacic nêu rõ ЕU rất quan trọng đối với Serbia, song nước này sẽ không từ bỏ những nguyên tắc mang tính nền tảng vốn là cơ sở để giải quyết vấn đề Kosovo một các công bằng.
Thủ tướng Serbia Dacic cho rằng hai bên có thể đạt được sự đồng thuận vào khoảng trung tuần tháng 4 tới, khi Ủy ban châu Âu đệ trình báo cáo về tiến trình đàm phán giải quyết căng thẳng trong quan hệ
Belgrade - Pristina, để tiếp đó vào tháng 6 tới Hội đồng châu Âu sẽ dựa vào báo cáo này để ấn định thời điểm tiến hành đàm phán về việc hội nhập và liên kết của Serbia vào EU.
TTXVN/Tin tức