Phó Trưởng Bộ môn Vi sinh, Trường ĐH Y Hà Nội nói về việc Việt Nam đã xuất hiện nhóm "siêu vi khuẩn" NDM-1 có khả năng kháng nhiều loại thuốc kháng sinh (lây lan từ Ấn Độ, Pakixtan sang Anh).
PGS.TS Nguyễn Vũ Trung (ảnh), Phó Trưởng Bộ môn Vi sinh, Trường ĐH Y Hà Nội, đồng thời là Trưởng Khoa Xét nghiệm, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới trung ương, đã trao đổi với Tin Tức xung quanh vấn đề siêu vi khuẩn kháng thuốc- một vấn đề đang làm nhiều người dân lo lắng.
´Đến nay, Việt Nam đã xuất hiện “siêu vi khuẩn” kháng thuốc NDM-1 chưa, thưa bác sĩ?
ho đến thời điểm này, tại Việt Nam chưa có nghiên cứu cụ thể, chứng minh việc phát hiện thấy vi khuẩn NDM- 1, một loại vi khuẩn được cảnh báo là kháng lại nhiều kháng sinh mà chúng ta đang dùng trong công tác điều trị.
Theo tôi, người dân không nên quá hoang mang khi một số thông tin từ nước ngoài cũng như trong nước có đưa tin về “siêu vi khuẩn” kháng thuốc này. Trước hết, việc chuyển ngữ “Super bug” từ tiếng Anh sang tiếng Việt thành “siêu vi khuẩn” kháng thuốc đã tạo sự hiểu nhầm rằng đây là một loại vi khuẩn đặc biệt nguy hại, trong khi thực tế, đây chỉ là loại vi khuẩn kháng nhiều loại kháng sinh. Theo quan điểm của chúng tôi, vi khuẩn mang gen NDM-1 là một trong những vi khuẩn kháng thuốc thông thường, được phát hiện từ năm 2007- 2008 và hiện vẫn đang được nghiên cứu tiếp về mức độ kháng thuốc. Từ hàng chục năm nay, cùng với việc sử dụng kháng sinh, việc gia tăng các bệnh nhiễm trùng, đặc biệt là nhiễm khuẩn thì vi khuẩn kháng thuốc cũng gia tăng. Ngoài ra, trong quá trình phát triển ngay nội tại vi khuẩn cũng có những thay đổi về sinh lý, cấu trúc, dẫn đến kháng thuốc. Bên cạnh đó, tình trạng kháng thuốc cũng sẽ gia tăng theo mô hình bệnh tật, áp lực về điều trị và việc lạm dụng kháng sinh trong quá trình điều trị…
´Điều đó có nghĩa là vi khuẩn kháng đa thuốc NDM-1 không quá nguy hại và tại Việt Nam cũng đã xuất hiện những vi khuẩn kháng nhiều loại kháng sinh?
Đúng vậy. Nhiều kết quả nghiên cứu đã cho thấy tình hình kháng thuốc của vi khuẩn gia tăng hàng năm. Trong quá trình xét nghiệm, chúng tôi đã phát hiện những vi khuẩn có tỷ lệ kháng kháng sinh cao, một số kháng sinh thông thường sử dụng trước đây có tỷ lệ bị kháng cao hơn so với kháng sinh mới. Phổ biến nhất là nhóm vi khuẩn gram âm thuộc họ vi khuẩn đường ruột, các loại vi khuẩn này tiết ra một loại men phân hủy một số kháng sinh, đặc biệt là các kháng sinh nhóm Betalactam, hay làm giảm tính nhạy cảm của nhóm kháng sinh mới như Carbapenem. Men phân hủy có rất nhiều loại, trong đó men NDM-1 của vi khuẩn vừa phát hiện ở Ấn Độ chỉ là một trong số các men đó.
Khi có vi khuẩn kháng nhiều kháng sinh, việc điều trị tất nhiên sẽ phức tạp hơn, đòi hỏi bác sĩ điều trị phải có kinh nghiệm, lựa chọn kháng sinh hợp lý, tuân thủ đủ thời gian và liều lượng sử dụng. Hiện nay, tại các cơ sở y tế tuyến trung ương vẫn điều trị thành công những trường hợp nhiễm khuẩn rất nặng.
´Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới trung ương có kế hoạch nghiên cứu về vi khuẩn NDM-1 không và việc tiến hành nghiên cứu tại các labo vi sinh hiện có gặp khó khăn gì không, thưa bác sĩ?
Khi mức độ kháng kháng sinh của vi khuẩn gia tăng, đương nhiên chúng tôi cũng sẽ có kế hoạch để nghiên cứu sâu thêm về vấn đề này nhằm có thông tin cung cấp cho bác sĩ lâm sàng, giúp việc điều trị hiệu quả hơn, đồng thời đóng góp chung cho khoa học về việc khẳng định tại Việt Nam đã xuất hiện vi khuẩn kháng đa thuốc NDM-1 hay chưa. Hiện nay, chúng tôi bắt đầu thu thập chủng vi khuẩn có mức độ đề kháng cao, chuẩn bị làm các nghiên cứu để tìm hiểu về gen kháng thuốc đang được các nhà khoa học quốc tế cảnh báo và dư luận quan tâm.
Nhìn chung, các labo vi sinh tại tuyến tỉnh hiện nay còn gặp nhiều khó khăn về trang thiết bị, riêng việc xác định vi khuẩn cũng đã khó khăn chứ chưa nói đến việc làm kháng sinh đồ. Đội ngũ cán bộ có trình độ làm công tác vi sinh hiện cũng rất thiếu. Chính vì vậy, để làm tốt công tác chẩn đoán, điều trị, phòng bệnh thì ngoài việc ban hành phác đồ điều trị cũng cần phải nâng cấp các labo vi sinh tại các cơ sở y tế tuyến tỉnh. Ở tuyến trung ương như tại labo vi sinh của Khoa Xét nghiệm tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới trung ương, Bộ môn Vi sinh trường Đại học Y Hà Nội, hay Bệnh viện Bạch Mai đã có các trang thiết bị hiện đại, đội ngũ cán bộ cũng có kinh nghiệm nên việc nghiên cứu thuận lợi và hiệu quả hơn.
Xin cảm ơn bác sỹ!
Ths. BS Nguyễn Trung Cấp, Phó Trưởng khoa Cấp cứu - Điều trị tích cực, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới trung ương:
Bản thân vi khuẩn thường có đột biến kháng thuốc, nếu chúng ta quá lạm dụng thuốc kháng sinh sẽ diệt các vi khuẩn còn nhạy cảm và “để lại” vi khuẩn đã kháng thuốc. Lâu ngày, sẽ tạo thành một chủng vi khuẩn chọn lọc kháng nhiều thuốc kháng sinh. Nhưng nếu chúng ta điều trị theo chuẩn mực thì quá trình tạo chủng kháng thuốc lâu hơn, vòng đời của kháng sinh có thể kéo dài hơn; nếu sử dụng bừa bãi thì vòng đời kháng sinh sẽ ngày càng bị rút ngắn. Do đó, người bệnh tuyệt đối không nên tự sử dụng thuốc, vì khi không chẩn đoán đúng bệnh, rất khó có thể tính được liều lượng sử dụng thuốc hợp lý, hiệu quả, điều đó trước tiên sẽ ảnh hưởng xấu đến chất lượng điều trị của chính bản thân. |