Edward Snowden, người tiết lộ vụ bê bối nghe lén của tình báo Mỹ, đang nắm trong tay những tài liệu mật có thể gây thiệt hại khủng khiếp và trở thành “cơn ác mộng tồi tệ nhất” với chính phủ Mỹ nếu được công bố.
“Cơn ác mộng” của nước Mỹ
Phát biểu với tờ La Nacion của Áchentina hôm 13/7, nhà báo Glenn Greenwald, người đầu tiên công bố tài liệu mật do Snowden tiết lộ, cho biết anh này mới chỉ tiết lộ một phần những thông tin cho thấy các cơ quan tình báo Mỹ đang xâm phạm quyền tự do riêng tư của người dân. Ông Greenwald khẳng định: “Snowden có đủ thông tin để, chỉ trong một phút, gây thiệt hại to lớn cho chính phủ Mỹ hơn bất kỳ người nào khác trong lịch sử nước này”.
Sau khi nói rằng Snowden đã đưa các bản sao tài liệu mật này cho một số người khác, ông Greenwald cảnh báo: “Chính phủ Mỹ nên hàng ngày quỳ gối cầu nguyện để không có chuyện gì xảy ra với Snowden, vì nếu có điều gì xảy ra với anh, mọi thông tin sẽ được tiết lộ”.
Snowden tại cuộc gặp các luật sư và nhà hoạt động nhân quyền. |
Theo nhà báo Greenwald, những tài liệu mà Snowden còn cất giấu nêu chi tiết các chương trình gián điệp của Mỹ được dùng để thu thập dữ liệu ở Mỹ Latinh, cũng như cách thức hoạt động của các chương trình này. Một trong những cách mà Mỹ dùng để xâm nhập mạng viễn thông là thông qua một công ty điện thoại ở Mỹ có hợp đồng với các công ty viễn thông ở hầu hết các nước Mỹ Latinh.
Phát biểu của ông Greenwald được đưa ra cùng ngày với cáo buộc của Tổng thống Bôlivia Evo Morales, cho rằng tình báo Mỹ đã xâm nhập tài khoản thư điện tử của những quan chức cấp cao hàng đầu Bôlivia. Ông cho rằng Mỹ sẽ sử dụng các thông tin thu thập được để lên kế hoạch “xâm lược” Bôlivia. Bản thân Tổng thống Morales cũng đã phải đóng tài khoản thư điện tử cá nhân của mình do lo ngại bị Mỹ nhòm ngó.
Snowden sẽ đi về đâu?
Trước đó, trong một cuộc họp với các nhà hoạt động nhân quyền và luật sư tại sân bay Sheremetyevo (Nga) - nơi Snowden ẩn náu trong khu vực quá cảnh suốt 3 tuần qua, anh cho biết muốn xin tị nạn chính trị tạm thời ở Nga cho đến khi tìm được nơi trú ẩn lâu dài ở Mỹ Latinh.
Các nhà hoạt động nhân quyền và luật sư họp báo trong sân bay Sheremetyevo ngày 12/7 sau khi gặp gỡ Snowden. Ảnh: AFP/TTXVN
|
Theo Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov, nếu muốn được tị nạn, Snowden sẽ phải nộp đơn lên Cơ quan nhập cư liên bang (FMS). Tuy nhiên, FMS cho biết chưa nhận được đơn và nếu nhận được, sẽ xử lý theo quy trình thông thường.
Trước đó, Tổng thống Nga Vladimir Putin nói rằng sẽ cho Snowden tị nạn nếu anh này ngừng tiết lộ thông tin gây hại cho nước Mỹ.
Trong khi đó, Mỹ phản ứng mạnh trước khả năng Nga có thể cho Snowden trú ẩn. Mỹ cũng đã chỉ trích Nga vì đã cho Snowden “một diễn đàn tuyên truyền” khi cho phép Snowden gặp các nhà hoạt động nhân quyền và luật sư Nga. Tổng thống Mỹ Barack Obama hôm 12/6 đã gọi điện cho ông Putin để nói nhiều vấn đề trong đó có chuyện của Snowden.
Các nước Mỹ Latinh gồm Vênêxuêla, Bôlivia và Nicaragoa đều đã đồng ý cho Snowden tị nạn. Sự việc này được coi là một thách thức với Mỹ, đặc biệt là sau khi Mỹ đã chính thức đề nghị các nước này bắt và dẫn độ Snowden về nước.
Tuy nhiên, Snowden chưa thể đến những nước này do không có giấy tờ hợp lệ. Và nếu có, hành trình của anh đến Mỹ Latinh chắc sẽ chông gai vì nguy cơ máy bay chở anh sẽ bị các nước châu Âu chặn, giống như đã chặn chuyên cơ của Tổng thống Bôlivia.
Thùy Dương (Tổng hợp)