Edward Snowden, người tiết lộ chương trình giám sát tuyệt mật PRISM của Cơ quan An ninh Quốc gia Mỹ (NSA) ngày 17/6 đã phản lại những đòn chỉ trích từ Mỹ, đồng thời cam kết sẽ tiết lộ thêm nhiều thông tin mật nữa. Tuyên bố của Snowden được đưa ra trong khi chính quyền Mỹ tiếp tục “bênh” PRISM và định giải mật nhiều tài liệu cho thấy PRIMS đã góp phần phá được hàng chục âm mưu khủng bố.
Không thể ngăn sự thật
Trong một cuộc trò chuyện trực tuyến dưới dạng hỏi và trả lời (Q&A) với độc giả tờ The Guardian từ một nơi bí mật ở Hồng Công (Trung Quốc), Snowden tuyên bố sẽ công bố thêm chi tiết về việc NSA tiếp cận các dữ liệu của người dùng. Snowden khẳng định rằng hầu hết các nhà phân tích tình báo được tiếp cận kho dữ liệu thông tin của NSA đều có thể đọc được phần lớn thư điện tử hay dữ liệu về cuộc gọi của bất kỳ ai. Mọi hoạt động thông tin liên lạc của người Mỹ đều bị thu thập và đem ra bàn bạc hàng ngày. Họ biết được mọi chi tiết về một địa chỉ thư điện tử, từ địa chỉ IP, dữ liệu thô, nội dung, tiêu đề cho đến tài liệu đính kèm.
Một poster chân dung Snowden tại Hồng Công (Trung Quốc) ngày 18/6/2013. Ảnh: AFP/TTXVN |
Trả lời câu hỏi tại sao lại chạy đến Hồng Công mà không công bố tài liệu mật qua các kênh chính thống của Mỹ, Snowden cho biết anh sợ sẽ không được xét xử công bằng tại Mỹ. Snowden tuyên bố: “Chính phủ Mỹ sẽ không thể che giấu vụ này bằng cách bắt giam hoặc ám sát tôi”. Một số người cho rằng Snowden chọn Hồng Công vì anh là gián điệp của Trung Quốc. Tuy nhiên, anh đã thẳng thừng bác bỏ và cho biết đang cố gắng bảo vệ quyền riêng tư của hàng triệu người không mang quốc tịch Mỹ trên toàn thế giới khỏi con mắt dòm ngó của NSA. Bộ Ngoại giao Trung Quốc cũng khẳng định Snowden không phải là gián điệp Trung Quốc.
Thổ Nhĩ Kỳ, Nam Phi và Nga đã phản ứng giận dữ với chính phủ Anh, đòi giải thích về việc các quan chức cấp cao của họ bị do thám và nghe lén tại hội nghị thượng đỉnh G20 năm 2009 tại Luân Đôn.
Trước đó, tờ The Guardian đưa tin, Edward Snowden, người tiết lộ chương trình giám sát Internet tuyệt mật của Mỹ, đã cung cấp tài liệu mật cho thấy tình báo Anh theo chỉ thị của chính phủ đã giám sát và nghe lén điện thoại của mọi quan chức tham dự G20 năm 2009, đồng thời phối hợp với Mỹ về việc nghe lén điện thoại của người đứng đầu nước Nga bấy giờ. |
Snowden cũng không quên dùng những lời lẽ “sắt đá” đối với những chính khách Mỹ đã chỉ trích mình, đặc biệt là cựu Phó Tổng thống Mỹ Dick Cheney - người gán cho anh tội danh kẻ phản bội.
PRISM giúp phá hàng chục vụ khủng bố?
Trong khi đó, cả chính quyền Mỹ và NSA đều đang tìm cách thuyết phục nhất để bảo vệ chương trình giám sát PRISM. Tổng thống Mỹ Barack Obama đã đích thân khẳng định: “Nếu bạn là người Mỹ, NSA không nghe điện thoại của bạn và không nhằm vào thư điện tử của bạn trừ khi có lệnh đặc biệt của tòa án. Đó là quy định hiện hành”.
Còn về phía NSA, trong một động thái hiếm hoi, cơ quan này định giải mật thông tin về hàng chục âm mưu đã bị phá để chứng minh tính hiệu quả của chương trình PRISM với những người còn hoài nghi.
Theo thượng nghị sĩ Dianne Feinstein, Chủ tịch Ủy ban Tình báo Thượng viện, NSA sẽ cung cấp cho người dân Mỹ thông tin về việc PRISM đã góp phần đập tan hàng chục âm mưu khủng bố trong lòng nước Mỹ và hơn 20 nước trên thế giới. Góp lời với bà Dianne, Chủ tịch Ủy ban Tình báo Hạ viện, ông Mike Rogers cho rằng người Mỹ sẽ ủng hộ mạnh mẽ hơn chương trình giám sát của NSA một khi họ biết được chương trình này đã thành công thế nào.
Trái lại, một số nghị sĩ Mỹ khác công khai chỉ trích PRISM. Thượng nghị sĩ Mark Udall nói: “Tôi cho rằng thu thập cuộc gọi của hàng triệu, hàng triệu người Mỹ không làm chúng ta an toàn hơn”.
Thùy Dương