Theo Tổng cục Thuế, tính đến hết ngày 30/9, tổng số thuế nợ của 63 cục thuế trên toàn quốc đã đôn đốc thu được ước đạt 31.785 tỷ đồng tiền thuế nợ 2015 chuyển sang, tăng 14% so với cùng kỳ năm ngoái, đạt 60% chỉ tiêu thu nợ của năm 2016 (nếu loại trừ tiền chậm nộp thì tỷ lệ thu hồi nợ đạt 87%), trong đó biện pháp quản lý thu nợ thuế thu được 25.500 tỷ đồng, bằng biện pháp cưỡng chế 6.243 tỷ đồng. Tổng số tiền nợ thuế tính hết ngày 30/9 ước là 74.000 tỷ đồng, so với 1 tháng trước đó đã giảm so được 440 tỷ đồng (tương đương 0,06%).
Trong đó, tiền thuế nợ đến 90 ngày và trên 90 ngày (có khả năng thu) ước là 32.239 tỷ đồng , chiếm tỷ trọng 43,5% tổng số tiền thuế nợ, giảm so với thời điểm 31/12/2015 là 3.937 tỷ đồng (-10,9%), giảm so với 31/8/2016 là 1.136 tỷ (-3,4%). Các khoản phạt và tiền chậm nộp ước là 26.931 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 36,3% tổng số tiền thuế nợ, tăng so với thời điểm 31/12/2015 là 4.022 tỷ đồng (+17,6%), tăng so với 31/8/2016 là 410 tỷ (+1,5%). Tiền thuế nợ không có khả năng thu ước là 14.970 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 20,2% tổng số tiền thuế nợ, tăng so với thời điểm 31/12/2015 là 160 tỷ đồng (+1,1%), tăng so với 31/8/2016 là 285 tỷ (+1,9%).
Phó Tổng cục Trưởng Tổng cục Thuế Nguyễn Đại Trí. Ảnh Hữu Việt |
Để quản lý nợ và cưỡng chế nợ thuế trong thời gian tới hiệu quả, ông Trí cho biết: Từ nay tới cuối năm, ngành thuế tiếp tục
tổ chức rà soát tổng thể dữ liệu nợ thuế kịp thời điều chỉnh xư lý dứt điểm các khoản nợ chờ điều chỉnh, nợ chờ chờ xử lý; kiểm soát chặt chẽ việc phân loại nợ, phản ánh đúng bản chất của khoản tiền thuế nợ , phân tích nguyên nhân nợ của từng đối tượng nợ thuế để có giải pháp đôn đốc thu nợ hiệu quả.
Bên cạnh đó, cơ quan thuếtiếp tục theo dõi, giám sát chặt chẽ các khoản nợ thuế, hàng tháng thông báo danh sách các doanh nghiệp nợ lớn yêu cầu các Cục Thuế tổ chức rà soát, đôn đốc và thực hiện cưỡng chế nợ thuế, công khai thông tin nợ thuế theo đúng quy định của Luật quản lý thuế, đồng thời giám sát chặt chẽ việc thực hiện cưỡng chế nợ của các Cục Thuế địa phương.
“Tăng cường thực hiện các biện pháp cưỡng chế nợ thuế theo đúng quy định để thu hồi kịp thời tiền thuế nợ vào ngân sách như: phong tỏa tài khoản, thông báo hóa đơn không còn giá trị sử dụng,.., thu hồi giấy đăng ký kinh doanh. Tổng cục Thuế sẽ tăng cường phối hợp với UBND các cấp, các Bộ ngành liên quan như: Cơ quan Công an, Ngân hàng Nhà nước, Toà án, Kế hoạch đầu tư,... để thành lập các tổ liên ngành thu hồi nợ và cưỡng chế nợ thuế, kêu gọi sự vào cuộc của các cấp chính quyền trong công tác thu nợ thuế góp phần giảm số thuế nợ đọng, tăng thu cho ngân sách nhà nước”, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế nói.
Tổng cục Thuế cũng sẽ rà soát để sửa đổi bổ sung quy trình Quản lý nợ và cưỡng chế nợ thuế theo hướng đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, phù hợp với sự thay đổi của chính sách, ứng dụng công nghệ thông tin trong tất cả các khâu của công tác quản lý nợ và cưỡng chế nợ thuế, điện tử hoá hệ thống quy trình nghiệp vụ quản lý nợ thuế và cưỡng chế nợ từ khâu ban hành thông báo nợ và quyết định cưỡng chế nợ, phân công, phân loại nợ đầy đủ, chính xác, kịp thời và xử lý phù hợp theo tính chất của từng khoản nợ, đảm bảo tăng cường hiệu lực hiệu quả việc quản lý nợ và thực hiện cưỡng chế nợ.