Phú Tâm là một xã có đông đồng bào dân tộc Khmer của huyện Châu Thành (Sóc Trăng), xã có trên 80% người dân tham gia vào các hoạt động sản xuất nông nghiệp. Những năm gần đây, nhiều mô hình sản xuất mới được người dân áp dụng nhằm tăng thêm thu nhập. Đắc biệt gần đây mô hình nuôi ếch Mã Lai đang được người dân nhân rộng sau khi thử nghiệm thành công từ vài vụ nuôi ban đầu.
Ông Trần Văn Sào ở ấp Thọ Hòa Đông A được xem là hộ tiên phong của mô hình nuôi ếch Mã Lai trên màng bạt của Phú Tâm. Đầu năm 2010, ông Sào có dịp tham quan học hỏi kinh nghiệm 5 mô hình nuôi ếch Mã Lai trên màng bạt ở 2 huyện Cờ Đỏ và Ô Môn (thành phố Cần Thơ), thấy mô hình này mang lại hiệu quả kinh tế cao, đặc biệt là có thể vừa nuôi ếch mà vẫn làm được những công việc khác một cách linh hoạt, ông Sào đã mạnh dạn bắt giống về nuôi thử nghiệm. Đợt đầu, ông tiến hành bắt nuôi thử nghiệm 4.000 con (mỗi con ếch giống giá 1.200 đồng), sau 85 ngày thả nuôi ông thu được gần 700 kg ếch thịt, mỗi kg có giá 31.000 đồng, trừ chi phí ông thu lãi gần 6 triệu đồng.
Thấy được hiệu quả tương đối cao từ mô hình nuôi ếch nên đợt 2 (khoảng giữa tháng 7 dương lịch), ông tăng thêm số lượng ếch lên đến 12.000 con, sau 3 tháng ông đã thu được lợi nhuận gần 20 triệu đồng. Tuy mới qua 2 lần nuôi nhưng đến nay, ông Sào đã nắm được kỹ thuật nuôi ếch sinh sản. Hiện tại, gia đình ông đã có được trên 250 cặp ếch giống, đủ cung cấp cho gần 15 vèo nuôi (mỗi vèo 12 m2) trong trang trại. Ngoài ra, lượng ếch giống của ông còn cung cấp cho cả nhiều hộ nuôi trong vùng. Trung bình mỗi ếch nái có thể đẻ được 3 lần/năm nếu chăm sóc tốt, mỗi lần đẻ được gần 5.000 trứng. Ếch giống phải nuôi 8 tháng mới có thể đẻ được.
Về kĩ thuật nuôi ếch Mã Lai, ông Sào chia sẻ: Không nên nuôi ếch ở những nơi có nhiều người qua lại, nguồn nước và thức ăn cho ếch phải sạch, không bị nhiễm thuốc, mỗi sáng phải thay nước một lần… Đặc biệt, khi cho ăn phải chia làm nhiều lần trong ngày, tránh cho ếch ăn giữa trưa nắng. Khi ếch đẻ chỉ nên để 10 cặp ếch trong 1 vèo.
Chanh Đa