Quần đảo Hòn Mê nằm ở phía Nam tỉnh Thanh Hóa, cách đất liền 11 km thuộc xã Hải Bình, huyện Tĩnh Gia với 17 đảo lớn nhỏ, diện tích tổng cộng 450 ha. Trong đó đảo chính là Hòn Mê có diện tích 420 ha. Vùng đảo này có khí hậu nhiệt đới gió mùa, chịu ảnh hưởng của 2 mùa gió trong năm là gió mùa đông bắc và gió mùa đông nam.Một góc đảo Hòn Mê. Ảnh: Internet |
Quanh khu vực vùng biển Hòn Mê có tiềm năng đa dạng hệ sinh thái biển, là nơi quần cư của nhiều loài sinh vật biển. Theo kết quả điều tra của Cục Khai thác và Bảo vệ nguồn lợi thủy sản, khu vực này đã ghi nhận được 440 loài sinh vật biển thuộc 165 giống. Bao gồm 133 loài thực vật phù du, 46 loài động vật phù du, 8 loài dong biển, 56 loài san hô, 141 loài động vật đáy và 55 loài cá san hô.
Do tác động của tự nhiên và con người, hiện nay các rạn san hô đang bị thoái hóa, nhiều nơi chỉ còn lại nhóm san hô dạng khối thuộc giống Porites và có độ che phủ không cao. Nhiều loài sinh vật biển cần được bảo vệ, trước hết là nhóm san hô tạo rạn, tôm hùm, bào ngư, trai ngọc, hải sâm và một số loài rong biển. Qua khảo sát sơ bộ cho thấy, rừng mưa nhiệt đới trên đảo được bảo tồn khá tốt với độ che phủ cao. Ngoài ra trên đảo còn rất nhiều khỉ và một số loài chồn, sóc...
Năm 2010, Cục Kiểm lâm - Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã xây dựng đưa Hòn Mê vào danh mục các khu rừng đặc dụng của Việt Nam. Tiếp đó, tháng 4/2010, Cục Khai thác và Bảo vệ nguồn lợi thủy sản đã hoàn tất bản Quy hoạch trình Chính phủ. Trên cơ sở đó, ngày 26/5/2010, Chính phủ đã ban hành Quyết định 742 phê duyệt Quy hoạch hệ thống khu bảo tồn biển đến năm 2020.
Trong số 16 khu bảo tồn được phê duyệt có Khu Bảo tồn biển Hòn Mê có tổng diện tích được quy hoạch 6.700ha, trong đó phần biển gần 6.200ha. Khu bảo tồn này gồm đảo Hòn Mê cùng 17 đảo lớn nhỏ với tổng diện tích 537ha.
Việc Chính phủ phê duyệt Quy hoạch hệ thống khu bảo tồn biển Việt Nam đến năm 2020 đã tạo ra cơ sở pháp lý quan trọng cho các Bộ, ngành, địa phương các tỉnh ven biển, trong đó Thanh Hóa có đảo Hòn Mê được đưa vào khu bảo tồn biển, trên cơ sở đó giúp các địa phương chủ động hơn trong kế hoạch hành động bảo vệ nguồn lợi thủy sản.
Nhưng cho đến nay Khu Bảo tồn biển Hòn Mê vẫn chưa được thành lập theo Quyết định 742 của Chính phủ. Do đó, cần phải được sớm triển khai thực hiện, nhằm đảm bảo mục tiêu phát triển tài nguyên biển một cách bền vững, đồng thời có được các giải pháp quản lý đồng bộ, hiệu quả.
Để các loài thủy sinh được bảo vệ sẽ góp phần bảo đảm cân bằng sinh thái, điều hòa môi trường biển, duy trì nguồn giống hải sản, phục vụ nghiên cứu khoa học, giáo dục cộng đồng và có thể phát triển du lịch sinh thái tham quan đáy biển trong tương lai. Khi hệ sinh thái-sinh cảnh được bảo tồn, sẽ góp phần phát tán ấu trùng, con non, con trưởng thành ra vùng biển ngoài khu bảo tồn. Qua đó tăng năng suất nghề đánh bắt hải sản, phát triển đời sống kinh tế cho ngư dân trong vùng.
Vì vậy, việc quan trọng trước nhất là đẩy mạnh việc lập quy hoạch chi tiết Khu vực quần đảo Hòn Mê. Trong quy hoạch phải làm rõ nội dung cơ bản khu quản lý của quốc phòng; khu vực cảng biển; khu dân cư, làng chài gắn với dịch vụ du lịch; các điểm tham quan du lịch và các khu trên phải được gắn kết với Khu Bảo tồn biển.
Mặt khác, các cơ quan có thẩm quyền sớm có chủ trương di dời dân ra sinh sống tại đảo Hòn Mê, để từ đó người dân vừa có điều kiện khai thác, đánh bắt hải sản, tham gia các hoạt động dịch vụ du lịch, góp phần vào việc bảo vệ, bảo tồn và phát triển đảo Hòn Mê, vừa tham gia bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc.
Lê Minh Thông