Nguy cơ bùng phát lớnTheo Cục Y tế dự phòng, hiện tại đang là cao điểm của dịch SXH với số lượng người mắc SXH tăng cao liên tục và có diễn biến hết sức phức tạp, nhất là ở khu vực phía Nam. “SXH tập trung nhiều nhất ở TP Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Bình Dương, số lượng người mắc bệnh SXH ở các khu vực này chiếm tới 50% số người bị bệnh ở khu vực phía Nam. Các ổ dịch SXH đang có xu hướng dịch chuyển sang các khu vực đô thị và các khu công nghiệp”, đại diện Cục cho biết.
Sốt xuất huyết gia tăng nhanh và có nhiều ca bệnh nặng. |
Thống kê của Trung tâm Y tế dự phòng TP Hồ Chí Minh, trên địa bàn thành phố đã có hơn 8.000 ca SXH nhập viện, tăng 61% so với cùng kỳ năm 2014. Đặc biệt, trong 4 tuần qua, số ca bệnh SXH tăng rất nhanh. Riêng tuần 36, toàn thành phố đã có 416 trường hợp SXH nhập viện, 75 phường, xã có số ca bệnh trong 4 tuần liên tục gần nhất”. Bệnh SXH có đang có chiều hướng lan rộng đến các quận, huyện, xuất hiện nhiều ổ dịch quy mô nhỏ. Hiện mô hình dịch ở thành phố là những ổ dịch nhỏ khu trú, nhiều ca bệnh rải rác không xác định nguồn lây, dịch kéo dài và xử lý không dứt điểm”, Th.s Nguyễn Trí Dũng, Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng TP Hồ Chí Minh cho biết.
Để tăng cường ứng phó với diễn biến phức tạp của dịch bệnh SXH, ngày 11/9, Thủ tướng Chính phủ cũng đã có công điện gửi Bộ Y tế, UBND các tỉnh, Bộ Giáo dục, Bộ Tài chính, các cơ quan báo chí… về việc tăng cường công tác phòng chống SXH. |
Còn tại Đồng Nai, đến nay đã ghi nhận hơn 3.700 ca mắc bệnh, tăng gần 2,5 lần so với cùng kỳ năm 2014, với 2 trường hợp tử vong. Tại Long An, số ca mắc SXH năm nay tăng 45% so với cùng kỳ năm 2014, trong đó có 1 ca tử vong. Tại Hà Nội, cũng đã ghi nhận hơn 1.500 trường hợp mắc bệnh SXH (tăng 3,5 lần so với cùng kỳ năm 2014) với 51 ổ dịch đang lưu hành tại các khu vực quận Hoàng Mai, Hai Bà Trưng, Thanh Trì, Hà Đông…
Theo ông Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, vi rút SXH hiện đang lưu hành gồm 4 tuýp DEN-1, DEN-2, DEN-3 và DEN-4. Trong đó, số bệnh nhân mắc của Việt Nam chủ yếu ở tuýp 1. Theo quy luật, năm nay tuýp nào phát triển thì năm sau tuýp khác sẽ phát triển, do những người mắc năm trước sẽ miễn dịch với tuýp đó. Cũng chính vậy, nhiều bệnh nhân mắc rồi vẫn có thể mắc lại, thậm chí lần sau mắc nặng hơn lần trước. Do sự biến đổi của vi rút SXH, nên rất khó có thể sản xuất được vắc xin phòng SXH, cũng như thuốc điều trị đặc hiệu dịch bệnh này.
Tăng cường giám sát, phòng dịchPGS.TS Trần Đắc Phu nhận định: Tình hình SXH 4 tháng cuối năm sẽ còn phức tạp và tăng nhanh các ca mắc, nếu không triển khai quyết liệt các biện pháp phòng chống.
“Công tác phòng chống dịch hiện nay cũng đang gặp phải nhiều khó khăn do có những biến động dân cư lớn, đặc biệt các bãi đất trống không có chủ trở thành môi trường thuận lợi cho các ổ bọ gậy tồn tại, khó kiểm soát. Hơn nữa, ý thức phòng chống dịch bệnh của người dân chưa cao. Do vậy, nếu các địa phương không quyết liệt trong công tác phòng chống dịch, thì nguy cơ bùng phát dịch sẽ rất lớn”, ông Nguyễn Nhật Cảm, Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng Hà Nội cho biết.
Theo thống kê của Bộ Y tế, bệnh SXH ở người lớn cũng đang có dấu hiệu tăng cao so với mọi năm, chiếm 50% tổng số bệnh nhân mắc SXH, trong đó đã có trường hợp tử vong. Đây là một sự bất thường của dịch năm nay. |
Cũng theo ông Cảm, trong tháng 9 ngành y tế Hà Nội sẽ triển khai công tác vệ sinh môi trường phòng chống dịch SXH tại 50 xã, phường trọng điểm. Tổ chức 140 chiến dịch vệ sinh môi trường và 100 chiến dịch phun hóa chất phòng dịch từ nay đến cuối năm. Trung tâm Y tế dự phòng Hà Nội tiếp tục chuyển giao kỹ thuật xét nghiệm nhanh SXH cho các quận, huyện, thị xã, đảm bảo 100% các đơn vị có thể thực hiện chẩn đoán nhanh dịch bệnh SXH.
Sở Y tế TP Hồ Chí Minh cũng cho biết, sẽ tăng cường đi kiểm tra, giám sát các quận, huyện trọng điểm trên địa bàn đồng thời đẩy mạnh công tác truyền thông đến các hộ dân thông qua các hoạt động tuyên truyền, vận động kết hợp sử dụng các biện pháp chế tài xử phạt đối với các cá nhân, tập thể vi phạm trong thực hiện công tác phòng chống dịch bệnh, nhằm hạn chế sự lây lan cũng như ngăn không để bùng phát dịch bệnh cho đến hết năm.
Bộ Y tế khuyến cáo: Người dân phải chủ động thực hiện các biện pháp phòng bệnh SXH ngay trong gia đình mình như: Diệt muỗi truyền bệnh bằng những biện pháp thông dụng như bình xịt muỗi gia dụng, vợt diệt muỗi, nhang trừ muỗi… Khi có người mắc SXH, cần báo ngay cho y tế địa phương để kịp thời khoanh vùng dịch và xử lý.